Dự án chậm tiến độ, dân lấn chiếm
Trong 20 năm qua, Hà Nội đã có nhiều quy hoạch xây dựng công viên, hồ điều hòa tuy nhiên với nhiều lý do như điều chỉnh quy hoạch, thiếu nguồn lực đầu tư, xã hội hóa chưa hài hòa… nên rất nhiều dự án hiện vẫn đang nằm trên giấy, trong khi đó một vài dự án chậm tiến độ nhiều năm, bị lấn chiếm hoặc có dấu hiệu biến tướng dẫn đến lãng phí rất lớn nguồn lực từ đất đai.
Công viên thể thao cây xanh quận Hà Đông, dự án được tỉnh Hà Tây cũ phê duyệt quy hoạch trên địa bàn phường Hà Cầu và Kiến Hưng từ năm 2008, có diện tích 98ha. Sau khi sáp nhập Hà Tây và Hà Nội, UBND TP giao cho quận Hà Đông triển khai xây dựng bao gồm các hạng mục khu Liên hiệp thể dục thể thao 25,18ha, khu công viên cây xanh - văn hóa 52,87ha, khu chung cư và trung tâm thương mại quốc tế Booyoung Kiến Hưng 11,34ha.
Theo lãnh đạo quận Hà Đông cho biết Công viên thể thao cây xanh quận Hà Đông chậm triển khai xây dựng do chưa có vốn.
Năm 2015, TP Hà Nội đã ra quyết định thu hồi đất, chỉ đạo UBND quận Hà Đông hoàn thành GPMB và tổ chức quản lý, sử dụng khai thác tạm khu đất.
Theo báo cáo cho biết, tình trạng hiện nay trong khu đất hơn 50ha này là hàng loạt công trình kiên cố nhà hàng, chợ tạm, sân tập golf, kho xưởng…
Hiện tại, còn rất nhiều các dự án công viên, hồ điều hòa đã được quy hoạch trên địa bàn thủ đô còn hoang phế, gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị…như dự án Công viên Chu Văn An, dự án kè hồ điều hòa Rẻ Quạt, dự án Công viên hồ điều hòa khu đô thị Tây Nam Hà Nội, dự án cải tạo hồ Linh Quang, dự án Công viên cảnh quan hồ điều hòa Bách Hợp Thủy...
Không thể tin nổi khi quan sát nơi đây vẫn là ao bèo, chứa rác thải, có nơi chỉ là bãi đất trống quây tôn…khiến người dân bức xúc.
Xã hội hóa xây dựng công viên vẫn chưa thông suốt
Theo Chương trình 03 của Thành ủy Hà Nội đặt ra là từ nay đến năm 2025 sẽ tiếp tục xây dựng, cải tạo hệ thống cây xanh, công viên, vuờn hoa và hồ nước theo quy hoạch. Cải tạo, nâng cấp 45 công viên, vườn hoa hiện có, đầu tư xây mới 5 công viên, vườn hoa. Để thực hiện được chỉ tiêu này, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề tiên quyết là cơ chế để thu hút xã hội hóa đầu tư.
Lãnh đạo quận Nam Từ Liêm cho rằng, hiện nhiều dự án công viên lớn bế tắc không thể triển khai là do cơ chế khó khăn. Việc thu hút xã hội hóa xây dựng công viên hiện nay chủ yếu trông chờ vào mật độ xây dựng của công viên là 5% và 15% đối với công viên chuyên đề.
Các nhà đầu tư sẽ được khai thác phần đất xây dựng này theo cơ chế thuê lại của Nhà nước, đổi lại nhà đầu tư xây dựng toàn bộ công viên và bàn giao lại cho chính quyền địa phương quản lý.
“Chúng ta cần đảm bảo lợi ích hài hòa của nhà đầu tư và mục đích sử dụng công viên của người dân. Nếu không thì chưa biết đến bao giờ chúng ta mới thực hiện được các dự án”. lãnh đạo Quận ủy Nam Từ Liêm cho biết.
Cùng bàn về vấn đề này, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS. KTS Trương Văn Quảng cho rằng, trong khi Nhà nước chưa đủ nguồn lực thì việc xã hội hóa để phát triển công viên cây xanh, mặt nước là tốt.
Tuy nhiên, phải có một cơ chế hợp lý, đảm bảo được diện tích cây xanh mặt nước được xây dựng theo đúng quy hoạch đồng thời đảm bảo được lợi ích cho nhà đầu tư. Thành phố phải có giám sát quản lý chặt các công viên được xây dựng theo hình thức xã hội hóa, tránh việc nhà đầu tư cắt xén diện tích trong quy hoạch cây xanh, mặt nước để xây các hạng mục nhà ở, chung cư nhằm thu lợi đang diễn ra.
Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thi Hà Nội TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, hiện có nhiều doanh nghiệp đề nghị được tham gia phát triển công viên, không gian xanh nhưng sau đó lại tăng diện tích xây dựng so với quy định để làm công trình thương mại dịch vụ, bãi đỗ xe… đây là tồn tại, hạn chế cần được xem xét.
Hiện Hà Nội đang thực hiện rà soát để điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”, xác định một trong nhiệm vụ là đầu tư cải tạo, nâng cấp khoảng 45 công viên, vườn hoa, cải tạo, chỉnh trang cảnh quan xung quanh các hồ (Trúc Bạch, Giảng Võ, Thiền Quang, Đống Đa, Thành Công,...).
Nghiên cứu cải tạo cảnh quan một số công viên như Vườn Thú Hà Nội, Công viên Thống nhất, Công viên Hòa Bình… đồng bộ với chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật xung quanh, hình thành các không gian đi bộ, sinh hoạt văn hóa kết họp thương mại, dịch vụ.
Đồng thời tiếp tục rà soát, kêu gọi đầu tư xây dựng mới các công viên quy mô lớn. Hoàn thành đầu tư xây dựng một số công viên như CV1 Cầu Giấy, Phùng Khoang,... Triển khai đầu tư xây dựng Công viên Kim Quy tại huyện Đông Anh, Công viên thể thao văn hóa - giải trí tại quận Hà Đông,…