Mặc dù Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) có hiệu lực từ 1/7/2010 quy định thời hạn cấp Phiếu LLTP không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ (trường hợp đặc biệt được kéo dài thêm nhưng không quá 20 ngày). Đây là bước cải tiến lớn về thời hạn cấp phiếu so với quy định cũ, tuy nhiên hiện nay nhiều nơi việc cấp Phiếu LLTP vẫn còn rất chậm do việc tra cứu vẫn phải phụ thuộc vào ngành Công an.
Thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp không được cải thiện nhiều do việc xác minh vẫn phụ thuộc vào cơ quan Công an |
Tra cứu “phụ thuộc”, kéo dài thời gian
Khi phiếu LLTP ngày càng trở nên cần thiết, thông dụng trong cuộc sống (ví dụ sử dụng trong các trường hợp việc như xuất cảnh, xin việc làm ở các công ty nước ngoài, thành lập doanh nghiệp, xin việc trong các cơ quan nhà nước…) thì yêu cầu xin cấp phiếu ngày càng cao. Có những năm Sở Tư pháp ở các thành phố lớn tiếp nhận hàng ngàn, thậm chí chục ngàn yêu cầu cấp Phiếu LLTP.
So với trước đây, kể từ khi Luật LLTP có hiệu lực thời hạn cấp phiếu được rút xuống còn 10 ngày (trường hợp người được cấp Phiếu LLTP là công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài...; trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích theo quy định… thì thời hạn không quá 20 ngày).
Quy định là như vậy song trên thực tế nhiều nơi vẫn chưa thể cấp phiếu đúng trong thời hạn như nói trên. Hiện nay, nhiều trường hợp xin cấp phiếu tại Sở Tư pháp Hà Nội vẫn được hẹn trả kết quả trong vòng… ngót 1 tháng (thực tế có thể được tra cứu nhanh hơn những bộ phận một cửa vẫn hẹn dân trong khoảng thời gian này).
Theo Trưởng phòng LLTP, Sở Tư pháp Hà Nội Đàm Thị Kim Hạnh thì một trong những nguyên nhân là hiện nay Phòng rất thiếu nhân sự (7 biên chế) và quan trọng nữa là do thiếu thông tin về LLTP nên việc cấp phiếu LLTP cho công dân vẫn phải dựa trên sự phối hợp cung cấp, tra cứu dữ liệu lý lịch với Phòng Cảnh sát hồ sơ nghiệp vụ (PC 53) của Công an TP Hà Hội.
Việc cấp phiếu LLTP hiện nay được thực hiện nhanh nhất đối với học sinh đang đi học, có lý lịch rõ ràng. Còn những trường hợp phức tạp vẫn phải kéo đến 10-12 ngày và “không thể rút ngắn hơn” mặc dù đã có sự nỗ lực tối đa của hai ngành Công an- Tư pháp
Tình trạng cấp phiếu kéo dài không chỉ ở Hà Nội. Trong một chuyến kiểm tra của Trung tâm LLTP quốc gia với Sở Tư pháp Đà Nẵng cho thấy: thực tế triển khai thi hành Luật LLTP của Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng vẫn còn những khó khăn, trong đó số vụ việc giải quyết yêu cầu cấp Phiếu của công dân chậm so với thời hạn quy định còn cao; hầu hết trường hợp chậm do người yêu cầu cấp Phiếu LLTP là người nước ngoài hoặc công dân Việt Nam thay đổi nhiều nơi cư trú nên trả lời kết quả tra cứu thông tin mất nhiều thời gian…
Đó là những yêu cầu cấp Phiếu LLTP trong điều kiện “bình thường”, còn cũng theo Luật LLTP trường hợp khẩn cấp …thì thời hạn không quá 24 giờ, kể từ thời điểm nhận được yêu cầu. Nhiều địa phương cho biết quy định này rất khó hực hiện bởi lẽ khi hệ thống dữ liệu của ngành Tư pháp mới đang ở bước “sơ khai”, mới hình thành như hiện nay, việc tra cứu và trả kết quả trong ngày giống như một sự “đánh đố”. Trong khi đó, pháp luật chưa có những quy định cụ thể về phương thức tra cứu, phối hợp... để đáp ứng yêu cầu nói trên.
Các ngành phải chung tay trong xây dựng cơ sở dữ liệu.
Trước đây khi thực hiện quy định của thông tư cũ về cấp phiếu LLTP, một trong những nguyên nhân khiến thời gian tra cứu bị kéo dài là phải phụ thuộc vào cơ quan Công an (Tư pháp chỉ nhận và trả kết quả). Tuy nhiên đến nay, theo Luật LLTP mới thì Sở Tư pháp có nhiệm vụ tự cập nhật thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu về án tích cá nhân; thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; bảo quản, cung cấp, khai thác cơ sở dữ liệu; cấp phiếu LLTP…
Với quy trình trọn gói này, đương nhiên trong tương lai sẽ rất thuận lợi cho dân khi xây dựng được hệ thống dữ liệu đầy đủ.
Tuy nhiên, trong giai đoạn được xem là “quá độ”, theo phản ánh của nhiều địa phương, các Sở Tư pháp hiện nay đang rất thiếu biên chế (có nơi chỉ có 1-2 cán bộ). Cơ sở vật chất, trang thiết bị ..cũng trong tình trạng tương tự đã ảnh hưởng nhất định đến kết quả trả hồ sơ cho công dân.
Ngoài vấn đề về biên chế, cơ sở vật chất thì cần tăng cường việc phối hợp giữa các ngành liên quan (như Tòa án, các cơ quan có liên quan) trong việc cung cấp cập nhật thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp. Vấn đề này hiện nay Luật LLTP quy định rất rõ tuy nhiên, trên thực tế việc phối hợp đôi khi không chặt chẽ, không kịp thời, không đảm bảo thời gian. Và đây chính là một trong những nguyên nhân gây “tắc nghẽn” trong việc cập nhật thông tin để cấp Phiếu LLTP.
Hiện nay, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của ngành Tư pháp, các địa phương đang nỗ lực trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP. Hy vọng, với sự chung tay của các ngành, thời gian “quá độ” sẽ được rút ngắn, yêu cầu của người dân sẽ được đáp ứng tốt hơn.
Bình An