Ví như ở một đám đông đang bàn luận mình đã đọc cuốn sách kinh điển này, cuốn văn hóa chất lượng khác, thì người “kiễng chân” cảm thấy kém miếng khó chịu, cũng góp nhặt vào mấy câu, kiểu như: “Cuốn ấy à, mình đọc rồi, muỗi!”, hay “Sách ra một cái là mình mua luôn, đọc một lèo hết veo. Nhưng mà chất lượng thường thôi!” (thực ra chưa đọc). Ở đám đông khác, người ta đang bàn luận về một nhân vật có tầm ảnh hưởng, tài năng, thì người “kiễng chân” chêm vào, dù cả đời chưa gặp mặt: “À, cái anh ý đi uống cà phê với mình suốt. Bạn thân của gia đình. Mình còn chơi với cả bố anh ta cơ”.
Tại sao ngày càng xuất hiện nhiều người không biết mà cố tỏ ra biết, không có mà cố tỏ ra có, không làm mà cố tỏ ra đã làm, không nghĩ mà như mình đã từng tư duy? Nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, đó chính là thói tự cao tự đại, không biết người biết mình. Ở một khía cạnh nào đó thể hiện sự tự ti của những người “kiễng chân”. Bởi nếu không cố tỏ ra “biết” cùng người khác thì e rằng bản thân bị bỏ lại phía sau, bị lỗi thời, kém hiểu biết.
Thành ra họ luôn phải cố gắng thể hiện mình, thay vì cố bồi đắp kiến thức thì lại cố tỏ ra mình đã biết, đã hiểu, để rồi mệt mỏi diễn ra cho chính bản thân họ. Nếu có kiến thức, văn hóa, thì anh ta chẳng cần phải kiễng chân lên cho bằng người khác. Anh ta sẽ đủ tự tin để đứng một mình, tuy không cao nhưng người khác phải ngước nhìn.
Sẽ chẳng cần phải khoe mẽ, chỉ có sự ung dung đi giữa thế gian này. Đại đức Thích Đạt Ma Phổ Giác, Phó Trụ trì chùa Linh Xứng (Thanh Hóa) rất có lý khi chia sẻ: “Có nhiều người trình độ hiểu biết có hạn chế, nhưng vẫn nghĩ rằng mình hơn người khác về mọi mặt, nhưng vì chấp ngã, tự ái nặng nề, nên họ lúc nào cũng thấy mình hay, mình giỏi hơn thiên hạ nên dễ dàng coi thường người khác. Từ chỗ thấy mình hơn do chấp vào cái tôi này mà ta đã tạo ra bao phiền muộn khổ đau cho nhiều người…”
Lời của Đại đức Thích Đạt Ma Phổ Giác khiến tôi nghĩ đến một người hàng xóm mới đến trọ. Ông ta luôn nói mình là giảng viên đại học, thu nhập cao và lúc nào cũng tỏ ra mình có tri thức. Đến khi người bán hàng tạp hóa vẫn ngưỡng mộ bắt gặp ông này quét dọn ở xóm trọ, hỏi, thì ông chối mà rằng: “Không, chú không sống ở đây, chú đến chơi với bạn, tiện tay thì quét dọn thôi”. Sau cùng tìm hiểu ra, người đàn ông tự giới thiệu là giảng viên đại học ấy là thành viên một đội nhạc hiếu. Hay có anh nọ, nhận mình sở hữu cả hệ thống cửa hàng cà phê, có ô tô riêng. Sau này tìm hiểu ra, ô tô là anh đi mượn, còn hệ thống cửa hàng cà phê chỉ là… đồ ảo!
Tại sao nhiều người ngộ nhận, cố tỏ ra mình giàu có, biết nhiều thứ đến thế? Nghèo không phải là cái tội. Thiếu thốn về văn hóa và tri thức cũng không phải là cái tội. Nhưng huyễn hoặc mình, cố tỏ ra mình thế này, thế kia thì chỉ tạo ra không khí lúc nào cũng nặng nề, ngột ngạt. Người như vậy lúc nào cũng phải đeo một cục đá, sẽ chẳng còn được thoải mái sống giữa bạn bè đồng nghiệp. Lúc nào người ta cũng sẽ lo lắng, hoang mang, chỉ sợ mình không bằng người khác, đuối hơn người khác. Chúng ta chỉ có thể kiễng chân được vài lần, chứ sao kiễng chân được cả đời!
Xin lấy một ví dụ một câu chuyện về đức tính khiêm nhường, lặng lẽ có triết gia Trần Đức Thảo. Một buổi sáng nọ, bà hàng xóm nghe trên sóng đài Tiếng nói Việt Nam, ca ngợi về giáo sư Trần Đức Thảo. Lúc đó bà cũng nhìn thấy triết gia Trần Đức Thảo vất vả chẻ từng thanh củi nhóm lò, bà lắc đầu: “Cũng tên là Thảo, mà cái ông ở trong đài được ca ngợi, tôn vinh, còn ông Thảo của xóm mình sao mà sống khổ thế!”. Bà không được xem hình, cũng không hiểu rộng nên không biết hai “ông Thảo” đó chỉ là một.
Nhà triết học lừng danh đến vậy còn sống khiêm tốn, đạm bạc, vậy hà cớ gì chúng ta cứ phải cố “kiễng chân” lên cho nhọc lòng, nhọc xác. Hãy giản đơn, quẳng đi gánh lo về chuyện hơn thua đi, để tâm hồn được nhẹ nhõm.