Vì sao Diêm Thống Nhất sau 60 năm đã không còn cháy sáng?

(PLVN) - Thống lĩnh trên thị trường trong nhiều thập niên của thế kỷ trước nhưng vào tháng cuối cùng của năm 2019 - sau hơn 60 năm thành lập, Diêm Thống Nhất đã bị khai tử khiến không ít người tiêu dùng bâng khuâng...

Vật dụng thiết yếu trong mỗi gia đình người Việt

Nhà máy Diêm Thống Nhất ra đời năm 1956, là nhà máy đầu tiên được xây dựng tại miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Những ngày đó, đất nước còn khó khăn, chia cắt, bếp gas hay bếp điện vẫn chưa xuất hiện, bật lửa cũng chưa phổ biến, thì Diêm Thống Nhất là sản phẩm không thể thiếu trong sinh hoạt của người Việt. 

Những bao diêm Thống Nhất loại 82 que có in hình chú chim bồ câu trắng ngậm bông hoa đỏ, đang dang rộng cánh trên nền trời xanh đã trở nên rất đỗi quen thuộc trong các gia đình và ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Diêm Thống Nhất gần như là đơn vị độc quyền, thống lĩnh trên thị trường khi có mặt trong mọi cửa hàng tạp hóa. 

Nhà máy Diêm Thống Nhất sáp nhập với Nhà máy Gỗ Cầu Đuống thành Xí nghiệp liên hiệp Gỗ Diêm Cầu Đuống vào năm 1984. Sau đổi mới, năm 1993, nhà máy chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp với tên gọi Công ty Diêm Thống Nhất, quy mô hơn 500 lao động, sản phẩm chủ lực vẫn là diêm. Từ tháng 1/2002 chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với tên gọi Công ty cổ phần Diêm Thống Nhất.

Diêm Thống Nhất với biểu tượng cánh chim hòa bình từng là vật dụng ăn sâu trong tiềm thức của người Việt 

Giống như nhiều thương hiệu truyền thống khác, Diêm Thống Nhất không thoát khỏi tình cảnh khó khăn, cạnh tranh theo quy luật thị trường. Ngày nay, không thể tìm mua được diêm Thống Nhất ở các cửa hàng tiện lợi hay siêu thị. Người ta chỉ còn thấy lác đác sản phẩm này ở quán nước hay cửa hàng tạp hóa ven đường.

Có thể nói, thách thức của Diêm Thống Nhất càng cam go hơn khi những bao diêm dần bị thay thế bằng các sản phẩm tiện dụng và hiện đại hơn, như bật lửa, bếp gas, bếp điện. Lãnh đạo Công ty từng thừa nhận, so với sản lượng tiêu thụ hơn 180 triệu bao diêm/năm cách đây 10 năm, sản lượng diêm hiện nay đã giảm xấp xỉ 50% xuống còn khoảng 100 triệu bao/năm. Đà sụt giảm này được dự báo tiếp tục khi các sản phẩm tạo lửa trên thị trường ngày càng đa dạng. 

Thực tế đã chứng minh bằng kết quả kinh doanh 3 năm gần đây nhất do sản lượng diêm liên tục giảm. Năm 2017, Công ty vẫn sản xuất được 103 triệu bao diêm thì năm 2018 giảm xuống còn 98,25 triệu bao và năm 2019 ước tính chỉ đạt gần 70 triệu bao diêm. Bình quân mỗi năm, sản lượng giảm từ 20-30%.  

Lợi nhuận kinh doanh của công ty Diêm Thống Nhất cũng cứ thế đi xuống. Trong 5 năm trở lại đây, doanh thu của công ty loanh quanh ở mức 100 tỷ đồng, lợi nhuận chỉ vỏn vẹn khoảng 2 – 3 tỷ đồng. Doanh nghiệp này lý giải, sản phẩm diêm trong nước đang rơi vào chu kỳ suy thoái nhanh do nhu cầu tiêu dùng hạn chế cùng với đó là sự sụt giảm của que diêm xuất khẩu.

Quan trọng hơn nữa là theo doanh nghiệp, giá thành nguyên vật liệu đầu vào (gỗ) sử dụng trong sản xuất sản phẩm ngày càng tăng cao, trong khi giá thành của bao diêm khi bán ra thị trường phải cạnh tranh với các dụng cụ tạo lửa khác khiến biên lợi nhuận của Diêm Thống Nhất bị bào mỏng. Dù sản lượng vẫn ở mức cao, nhưng số lợi nhuận công ty thu về không được bao nhiêu.

 Diêm Thống Nhất từng có doanh thu đáng tự hào

Vì lý do trên, Đại hội đồng cổ đông Công ty Diêm Thống Nhất diễn ra tháng 2/2018 đã chính thức thông qua việc từ năm 2020 dừng sản xuất sản phẩm diêm – chấm dứt “vòng đời” 63 năm của một sản phẩm mà thương hiệu Việt nào cũng ao ước đạt được. Bằng quyết định trên, thương hiệu gắn liền với người Việt hàng thập kỷ chính thức bị "khai tử" và đi vào dĩ vãng. Công ty này đồng thời cũng hủy niêm yết trên sàn chứng khoán UPCoM.

Theo lãnh đạo công ty, công ty dừng việc tổ chức sản xuất trên dây chuyền thiết bị tại công ty do việc tổ chức sản xuất đại trà và xuất khẩu không còn hiệu quả. Trao đổi với báo chí, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Diêm Thống Nhất Nguyễn Hưng cũng không giấu nổi nỗi buồn khi buộc phải dừng sản xuất sản phẩm có tuổi thọ 63 năm bởi bản thân ông đã gắn bó hơn 30 năm với doanh nghiệp. 

Buộc phải tìm hướng đi mới 

Khi sản lượng tiêu thụ sản phẩm cốt lõi giảm dần mỗi năm, ban lãnh đạo công ty cổ phần Diêm Thống Nhất buộc phải tìm hướng đi mới cho công ty. Bên cạnh sản phẩm diêm truyền thống, công ty còn sản xuất cả bật lửa và bao bì carton đáp ứng sự thay đổi của cuộc sống hiện đại. 

Riêng về bật lửa Thống Nhất, năm 2013 là năm đầu tiên bật lửa góp mặt trên thị trường và mới chỉ là số 0 tròn trĩnh. Bất chấp việc ra đời muộn màng, sản phẩm này lại đi đúng hướng, nhanh chóng được thị trường đón nhận. Bắt đầu từ năm 2014, sản phẩm này bán được 1,65 triệu chiếc và liên tục tăng theo cấp số nhân, lên đến 14,67 triệu chiếc vào năm 2018, trong đó chủ yếu được tiêu thụ ở miền Bắc và miền Trung. 

Cùng với sản xuất bật lửa Thống Nhất, Công ty còn phân phối dòng bật lửa Thống Nhất – Cricket nhập khẩu từ Malaysia, sản phẩm này chủ yếu tiêu thụ qua các hợp đồng quảng cáo với số lượng lớn. Tuy nhiên, lượng bán phục vụ người tiêu dùng còn thấp do giá cao, không hấp dẫn như các dòng bật lửa nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc… 

Nói gì thì nói, bật lửa ra đời thực sự trở thành “cứu tinh” cho kết quả kinh doanh của Diêm Thống Nhất. Trong khi doanh số bán diêm truyền thống liên tục sụt giảm, doanh thu của công ty vẫn được duy trì khá ổn định, dù thị phần bật lửa vẫn chưa đáng kể. 

 Bật lửa ra đời thực sự trở thành “cứu tinh” cho kết quả kinh doanh của Diêm Thống Nhất

Theo đó, 6 năm qua, tổng doanh thu của Diêm Thống Nhất vẫn tăng 20% nhờ mở rộng thêm hai sản phẩm mới. Với việc khai tử diêm truyền thống thì hai sản phẩm này tiếp tục được xác định là lĩnh vực sản xuất và kinh doanh chủ yếu của công ty trong năm 2020 và các năm tới.

Buồn, trăn trở và tiếc nuối khi sản phẩm diêm Thống Nhất không còn, nhà văn, nhà nghiên cứu về Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng không thể chỉ căn cứ vào giá trị kinh tế mà bỏ đi một thương hiệu đã gắn bó từ lâu với người dân như vậy.

Những năm vừa qua, chứng kiến rất nhiều thương hiệu một thời vang bóng bị “khai tử” như kem đánh răng Dạ Lan, nước hoa Ỷ Lan…, ông Tiến tỏ ra băn khoăn về cách thức, chiến lược để giữ gìn lợi ích xã hội, giá trị biểu tượng của một thương hiệu. 

Ông gợi ý: “Chúng ta có thể biến nó thành phẩm du lịch chẳng hạn. Giữ lại một phân xưởng nhỏ, làm ra những hộp diêm xinh xinh, vẫn lấy logo như ngày xưa, cùng biểu tượng con chim hòa bình. Hay nâng cấp nó lên thành những sản phẩm để chơi, để lưu niệm, làm được những que diêm có thể đánh vào giầy cũng tạo được lửa như một số nước từng làm…”.

Xúc động trước tình cảm mà người dân dành cho sản phẩm diêm Thống Nhất, ông Hưng khẳng định, công ty chỉ dừng sản xuất diêm đại trà trên quy mô lớn, chứ vẫn sản xuất chọn lọc theo đơn đặt hàng cho các khách hàng có nhu cầu. Chủ tịch HĐQT Công ty cũng “bật mí”, những năm tiếp theo, doanh nghiệp sẽ bắt tay với một đơn vị có đủ tiềm lực để sản xuất mặt hàng diêm mang thương hiệu Thống Nhất. Đặc biệt, biểu tượng cánh chim hòa bình trên bao bì sản phẩm sẽ vẫn được doanh nghiệp giữ.

Mong rằng sau thời gian ngắn nữa thôi, chúng ta sẽ được đón nhận những tin vui hơn về biểu tượng quan trọng một thời trong đời sống xã hội của miền Bắc Việt Nam.

Đọc thêm