Vì sao điều tra viên chưa được phân công vẫn 'hăng hái' vào cuộc?

(PLO) -Tòa hỏi tại sao bà Bông lại có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất? Bị cáo Ước cho rằng đây là vấn đề bà đã đề nghị công an làm rõ, tại sao bà Bông lại có giấy này? Bà Ước cho rằng mình nhận sổ đỏ về sau khi được cấp và cất vào tủ, nhưng tủ không có khóa.
Thẩm phán Bùi Thanh Thảo trong buổi xin lỗi công khai đối với bà Ước hơn ?10 năm trước.

Khi phát hiện mất, bà Ước có làm đơn cớ mất với chính quyền địa phương và được xác nhận, còn họp gia đình hỏi xem có ai lấy hoặc cầm nhầm sổ đỏ hay không, nhưng không ai lấy. Nhà bà Ước thường xuyên bị mất trộm, vài lần mất xe máy dựng ở trước nhà. 

Sổ đỏ bị mất hay thế chấp vay nợ?

Bà Ước tiếp tục lên huyện Chơn Thành làm thủ tục xin cấp lại sổ đỏ. Chính bà là người mang đơn lên huyện xin cấp lại sổ đỏ, không nhờ ai.

Việc đăng tải thông tin lên Đài truyền hình tỉnh Bình Phước là thủ tục bắt buộc để làm lại sổ đỏ đã mất. Bà Ước cho rằng hành vi của mình là công khai, không hề lén lút nên không có hành vi gian dối. Bà có đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng về việc UBND huyện Chơn Thành không cấp giấy cho mình là quyền lợi chính đáng.

Đối với việc giám định chữ ký, bà Ước cho rằng công an tự thu thập, không thông báo và không lấy chữ ký sống của bà thời điểm đó. Sau khi có kết luận giám định lần một, bà Ước không đồng ý, yêu cầu giám định lại ở cơ quan giám định của Bộ quốc phòng. Tuy nhiên, CQĐT tiếp tục gửi đi giám định ở cơ quan giám định lần một.

Đối với những người làm chứng, bị cáo cho biết có quan hệ quen biết với họ. Con trai và con dâu bà Bông có vay của bà Ước 200 triệu. Còn bà Ước khẳng định mình không vay tiền của ai.

Bà Ước tố cáo, sau khi bà Bông kiện bà, chính quyền có tổ chức hòa giải, tuy nhiên khi bà Ước xin cho xem giấy gốc sổ đỏ, giấy vay nợ thì chính quyền không cho. Bà Ước xin một bộ photo để về đi thưa, đi kiện thì được đáp ứng.

Còn bị hại Bông trình bày: “Ngày vay tiền, bà Ước đến nhà và thời điểm đó có Cúc, Nam (con trai, con dâu bà Bông). Trước giờ tôi chưa hề cho bà Ước vay mượn lúc nào, nhưng có cho nhiều người khác vay với lãi suất cao.

Trước khi đến nhà, bà Ước có mang giấy sổ hồng lại mượn 100 triệu đồng, tôi thấy giấy tên Mơ chứ không phải tên Ước nên không đồng ý, yêu cầu bà Ước phải có giấy chính chủ. Khi tôi lên lầu lấy tiền thì bảo bà Ước viết giấy. Tôi không biết ai viết nhưng lúc xuống thấy có giấy nên bắt buộc bà Ước ký ngay trước mắt mình mới tin. Bà Ước lấy tiền nhưng không đếm lại”.

Bà này kể tiếp: “Sau đó 10 ngày, bà Ước quay lại nói mượn lại sổ đỏ để đi vay ngân hàng với lãi suất thấp hơn để có trả tiền trả. Tôi có photo giấy sổ đỏ, chứng minh nhân dân giữ lại và giao bản gốc cho bà Ước đi vay ngân hàng. Nhưng bà Ước không vay được tiền. Khi thấy trên đài thông báo việc bà Ước mất sổ đỏ, ngay lập tức tôi làm đơn và mang sổ đỏ lên chính quyền trình báo”.

Nhân chứng Nam, con trai bà Bông, cho rằng chính tay mình viết giấy nợ hôm đó và đưa cho bà Ước ký. “Tôi không chứng kiến việc bà Ước hỏi vay tiền. Khi tôi ở trong phòng ra thì mẹ tôi lên lầu lấy tiền, bà Ước bảo tôi viết giấy. Khi giao tiền, tôi có mặt”, Nam nói. 

Anh này khẳng định, vợ anh có vay tiền của bà Ước trước khi bà Ước đến nhà mình vay tiền. Lúc đó, vợ anh là người viết giấy vay, anh có ký tên vào. 

Nhân chứng Cúc (vợ Nam) cho rằng có thấy sổ đỏ, giấy chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu bà Ước mang đến thế chấp. Chị này khai giống chồng và cho rằng việc vay mượn là có thật. 

Các nhân chứng còn lại đều khai báo về việc bà Ước nhờ Cúc ăn cắp sổ đỏ giống như cáo trạng. Tuy nhiên, nhân chứng lại không nhớ thời điểm bà Ước bảo ăn cắp sổ đỏ vào lúc nào.

Em gái bị cáo là bà Mơ, nhân chứng mới được chấp nhận tại phiên tòa, cho biết: “Không hề đưa sổ đỏ cho bà Ước. Sổ đỏ tôi luôn cất giữ trong chùa, không hề bị mất hoặc ai lấy đi”.

“Oan gia ngõ hẹp”

Lần này, khi vụ án khởi động, chưa có quyết định phân công, điều tra viên (ĐTV) Nguyễn Hữu Nhàn (ĐTV trong vụ án oan của bà Ước trước đây) đã trực tiếp xác minh, thu giữ tài liệu, gửi hồ sơ giám định chữ ký và chữ viết của bà Ước. 

Thẩm phán Bùi Thanh Thảo, Chánh án TAND huyện Chơn Thành là người đã làm oan cho bà Ước hơn 10 năm trước, nay tiếp tục xét xử sơ thẩm lần một, tuyên xử bà Ước 10 năm tù. Sự việc khiến nhiều người cho rằng cơ quan chức năng chưa khách quan và có sự tư thù.

 ĐTV Nhàn tại tòa

Bị cáo Ước cho biết trong quá trình lấy cung, bà bị ép cung, mớm cung. Theo bà: “ĐTV nói: “Chị tố cáo tôi à, có ai giúp chị xử lý tôi chưa”. Tôi có trình báo với VKS và VKS hứa sẽ sớm giải quyết cho nhưng không thấy đâu. Tôi cũng đã yêu cầu đổi ĐTV nhưng không được chấp nhận”, bà này trình bày.

ĐTV Nhàn có mặt tại tòa cho biết không hề ép cung nhục hình, không mớm cung hoặc ghi sẵn lời khai trong các biên bản hỏi cung và biên bản lấy lời khai. “Tất cả lời khai là do bà Ước, bà Bông và nhiều người khác khai thế nào tôi ghi thế đó”, ông Nhàn nói. 

Về thủ tục phân công, ĐTV Nhàn trình bày do thủ trưởng ủy quyền cho phó thủ trưởng, phó thủ trưởng lại phân công ông là ĐTV nên đúng quy trình của pháp luật. 

Tuy nhiên, luật sư chứng minh ĐTV Nhàn tham gia vào vụ án khi chưa được phân công, mãi đến khi vụ án được khởi tố mới có. Trong hồ sơ không có văn bản nào cho thấy thủ trưởng CQĐT ủy quyền cho phó thủ trưởng ký quyết định phân công ĐTV. Luật sư cho rằng ĐTV chưa được phân công nhưng vẫn lạm quyền, tự ý điều tra và làm sai lệch hồ sơ.

VKS cho rằng việc ĐTV tham gia ngay từ đầu, chưa có quyết định phân công là đúng quy định pháp luật, vì giai đoạn trước khi khởi tố là giai đoạn tiền vụ án, không cần có văn bản phân công. Luật sư cho rằng “chưa nghe nói đến giai đoạn tiền vụ án” trong luật Tố tụng hình sự.

Tranh cãi căng thẳng

Phần luận tội, VKS cho rằng việc lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang có diễn biến phức tạp, kẻ chủ mưu có nhiều thủ đoạn tinh vi. Thừa nhận có hợp đồng vay tiền dân sự nhưng khẳng định bà Ước đã gian dối, tìm cách chiếm đoạt, vì thế VKS đề nghị truy tố bà Ước mức án 7 – 8 năm tù giam. Bản luận tội của VKS dài đến hơn 20 trang.

Luật sư Nguyễn Tấn Thi bảo vệ quyền lợi cho bà Ước không đồng ý với luận tội của VKS. “VKS cho rằng bà Ước quanh co chối tội là có niềm tin nội tâm từ nguồn nào đó là một sai lầm. Tôi thấy bài diễn văn của VKS rất dài, nhưng có vài quan điểm sau:

Việc xác định vai trò đấu tranh tội phạm, diễn biến của tội phạm nên cần xử lý răn đe là hoàn toàn trái với hiến pháp về nguyên tắc suy đoán vô tội, không thể có tư tưởng phạm tội rồi cố gắng buộc tội, dù chứng cứ không khách quan, chưa đủ để buộc tội”.

Luật sư Thi phân tích, về căn cứ phạm tội, có 3 căn cứ buộc tội bà Ước: giấy vay tiền, người làm chứng, lời khai bị hại. Nhân chứng đều là người nhà bà Bông hoặc thiếu nợ bà Ước nên có lợi ích nếu bênh vực bà Bông, vì thế là không khách quan. Những nhân chứng này đã được tòa phúc thẩm lần một có ý kiến. Lời khai nhân chứng, bị hại không thống nhất. “Dựa vào lời khai của người có quyền lợi đối lập với bà Ước mà luận tội là không đúng”, luật sư Thi nói.

Luật sư Trần Hải Đức cũng không đồng ý với bản luận tội của VKS: “Tại sao một hành vi của bà Ước mà hôm nay lại có tới hai bản cáo trạng truy tố. Hồ sơ lần một đã bị tuyên hủy, nhưng cáo trạng lần hai vẫn căn cứ vào kết luận điều tra cũ vào năm 2014. Về quyết định khởi tố vụ án, phân công điều tra, khởi tố bị can là do phó thủ trưởng ký đó là sai, phải chứng minh được sự phân công của thủ trưởng.

“Vụ án có rất nhiều sai sót về mặt tố tụng hình sự. Từ trước đến giờ, bà Ước luôn phủ nhận việc vay tiền của bà Bông. Tại sao giám định lần hai, CQĐT không dám đưa cho cơ quan giám định Bộ quốc phòng như mong muốn của bà Ước, mà lại tiếp tục giám định ở cơ quan cũ. Nếu ở Bộ quốc phòng giám định chữ ký là của bà Ước thì bà Ước sẽ tâm phục khẩu phục”, luật sư Đức phát biểu.

Khi kiểm sát viên tranh luận chung chung, không nêu ra bút lục, chứng cứ trong vụ án để trả lời, luật sư đã đề nghị kiểm sát viên cần đi đúng vào hồ sơ. Việc tranh luận kéo dài cả buổi sáng 3/8. 

Cả hai luật sư bào chữa cho bị cáo nghi ngờ tính trung thực, khách quan của ĐTV và yêu cầu khởi tố việc làm sai lệch hồ sơ của điều tra viên. Luật sư đề nghị tuyên bà Ước không phạm tội, trả tự do ngay tại tòa.

Tuy nhiên, HĐXX cho rằng vụ án có nhiều phức tạp nên kéo dài thời gian nghị án đến chiều 4/8 và tuyên bà Ước mức án 6 năm tù giam. Bị cáo lập tức kháng cáo ngay tại tòa.

Đánh giá về vụ án, luật sư Thi cho biết: “Ngay từ giai đoạn bà Bông gửi đơn tố cáo bà Ước đến Công an huyện Chơn Thành, bà Ước đã hoàn toàn bị đưa vào một guồng máy buộc tội. Tôi cho rằng có khả năng trả thù cá nhân. Dù bà Ước có vay tiền của bà Bông đi chăng nữa thì đây là một vụ tranh chấp dân sự về hợp đồng vay tiền. Nhưng cơ quan điều tra đã hình sự hóa vụ án”.

Đọc thêm