Vì sao hàng nghìn máy phát điện cháy “không dấu vết”

(PLO) - Tuy đã được tạm đình chỉ bị can nhưng ông Nguyễn Duy Bộ (trú tại ngõ 71 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn bị VKSND quận Hoàng Mai (Hà Nội) yêu cầu phải chịu trách nhiệm liên đới cùng hai bị cáo bồi để bồi thường 2,7 tỷ đồng cho các bị hại trong vụ cháy xảy ra năm 2008.
Bị cáo Quyền và Ngọc tại phiên tòa

Phản bác đề nghị trên, ông Bộ khẳng định mình không hề có lỗi trong vụ cháy này và cho rằng 1 trong số các bị hại đã cố tình “phóng đại” số tài sản bị cháy.

Hội đồng định giá cũng “bó tay”

Đám cháy xảy ra tại 5 nhà (số 481, 483, 485, 487, 489 phố Tam Trinh) vào sáng 27/10/2008 được CQĐT Công an quận Hoàng Mai và VKSND quận Hoàng Mai (Hà Nội) xác định là do Nguyễn Văn Quyền (Sn 1986, quê Phú Thọ) hàn cắt khung sắt trước cửa nhà 485 không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Ngoài việc khởi tố Quyền về tội “Vi phạm quy định về PCCC”, CQĐT còn khởi tố ông Nguyễn Duy Bộ (chủ nhà 485 Tam Trinh) vì cho rằng ông này đã thuê và chỉ đạo Quyền hàn cắt gây cháy. Lê Văn Ngọc (chủ cửa hàng cơ khí, nơi Quyền làm thuê) cũng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động”.

Sau nhiều lần tiến hành điều tra bổ sung do bị trả hồ sơ, CQĐT đã ra quyết định “đình chỉ bị can” và “miễn truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS)” cho ông Bộ vì cho rằng nguyên nhân trực tiếp của vụ cháy là do hành vi hàn cắt của Quyền. 

Bắt đầu từ ngày 10/4 vừa qua, TAND quận Hoàng Mai đã mở lại phiên tòa để xét xử bị cáo Quyền và bị cáo Ngọc. Riêng ông Bộ được triệu tập phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Phát biểu quan điểm tại phiên tòa, Kiểm sát viên (KSV) VKSND quận Hoàng Mai cho rằng, vụ cháy đã gây thiệt hại gần hơn 2,7 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về tài sản, hàng hóa, nhà xưởng của bà Đặng Thị Lý (nhà 487 Tam Trinh) là hơn 1,7 tỷ đồng. Theo phụ lục kèm theo Cáo trạng thì bà Lý đã “bị cháy” hàng chục loại hàng hóa, bao gồm gần 1.200 siêu điện, nồi cơm điện các loại; khoảng 600 quạt điện; gần 600 đèn điện xách tay, đèn sạc ác quy; hàng trăm bình lọc nước và phích đun nước, chảo điện đa năng; hàng chục nghìn bóng ngủ và đèn học sinh; hơn 15.000 vợt muỗi dùng pin…. Đặc biệt, trong số hàng hóa trên có gần 2.000 máy phát điện (công xuất từ 300kw đến 2000kw hiệu Quiri) và hơn 900 Tổ máy phát hiện loại từ 300kw đến 2000kw.

Với số thiệt hại trên, ngoài việc đề nghị mức án với Ngọc và Quyền, KSV còn đề nghị HĐXX buộc bị cáo Ngọc, bị cáo Quyền và ông Bộ có trách nhiệm liên đới bồi thường toàn bộ thiệt hại cho các bị hại do vụ cháy gây ra.

Đáng nói là tại bản Cáo trạng, VKSND quận Hoàng Mai cho biết “sau khi kiểm tra thực tế tại địa điểm xảy ra vụ cháy, Hội đồng định giá tài sản thấy rằng toàn bộ số tài sản nơi bị cháy đã bị biến dạng, cháy rụi, than hóa không thể xác định được chủng loại, chất lượng, số lượng tài sản nên Hội đồng định giá không xác định được giá trị tài sản sau khi vụ cháy xảy ra”. Vì vậy, CQĐT và VKSND quận Hoàng Mai đã căn cứ số lượng, chủng loại, đơn giá hàng hóa mà bà Lý kê khai (giá trị hơn 4 tỷ đồng), đối chiếu với hóa đơn nhập đã xác minh nguồn gốc chỉ đủ căn cứ kết luận hàng hóa bà Lý bị thiệt hại là hơn 1,4 tỷ đồng

Không đồng ý với cách tính thiệt hại của KSV, Luật sư (LS) Bùi Thúy Hằng (Cty Luật TNHH Kim Phát, Hà Nội) cho rằng, việc xác định số lượng tài sản bị cháy theo hóa đơn do bà Lý cung cấp như trên là không có căn cứ vì hàng ngàn sản phẩm như máy phát điện, tổ máy phát điện, nồi cơm điện, siêu điện, quạt điện…không thể “than hóa” hết được. Trong vụ án này, việc xác định thiệt hại của vụ án là rất quan trọng, ảnh hưởng đến việc xác định TNHS của bị cáo, trách nhiệm bồi thường của bị cáo và người liên quan nên cần thiết phải có kết quả giám định của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự.

Cho rằng số lượng hàng hóa bị cháy của bà Lý là vô lý, bà Nguyễn Thị Tuyết (vợ ông Bộ) cũng cho rằng, cần phải có nhà kho rộng hàng ngàn m2 thì mới chứa hết các tài sản bị cháy như thống kê tại Cáo trạng. Đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng cho tiến hành thực nghiệm điều tra để xem nhà kho rộng hơn 100m2 và phần gác xép của nhà 487 Tam Trinh có thể chứa hết hàng chục ngàn nồi cơm điện, siêu điện, phích nước, máy phát điện, tổ máy phát điện, đèn điện dùng ác quy khô…của bà Lý hay không?

Ai là người thuê thợ hàn cắt sắt?

Được miễn TNHS nhưng lại bị “quy” trách nhiệm dân sự, ông Bộ luôn khẳng định mình không hề thuê Quyền hàn sắt gây ra vụ cháy trên. Ông Bộ cho hay, ngôi nhà 485 vốn được gia đình bà Lý thuê để chứa hàng hóa. Sau khi thuê, bà Lý đã cơi nới, làm khung sắt gác xép. Khi bị đòi nhà, chính bà Lý là người thuê nhóm thợ hàn đến hiện trường để hàn cắt khung sắt, chuyển sang nhà 487 Tam Trinh. 

“Thời điểm xảy ra cháy thì phần khung tôn sắt này vẫn chưa được bà Lý bàn giao cho gia đình tôi. Đây không phải là tài sản của tôi nên không thể nào tôi lại thuê người đến tháo dỡ hoặc bảo thợ không tháo dỡ được. Hơn nữa, lúc đó thì thợ hàn đang hàn cắt thuê cho bà Lý thì không thể nào lại nghe theo chỉ đạo của tôi”- ông Bộ khai.

Được biết, trước đây, khi trả hồ sơ điều tra bổ sung, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND quận Hoàng Mai cũng đã yêu cầu “phải xác định rõ khung nhà khung sắt hai tầng mái tôn và những tấm tôn bao quanh là của ai. Phải xác định ai là chủ tài sản phải là người chịu TNHS, dân sự trong việc thuê thợ hàn cắt rồi gây cháy”. Sau đó, CQĐT đã khẳng định “tấm tôn khi Quyền hàn cắt để dỡ ra là của bà Lý” (do bà Lý cơi nới thêm). Nhưng không hiểu sao cho tới nay, VKSND quận Hoàng Mai vẫn buộc ông Bộ phải chịu trách nhiệm dân sự từ “nguồn nguy hiểm” không phải của mình?

Liên quan đến vấn đề này, LS Hằng cho rằng, lời khai của Quyền về việc được ông Bộ thuê hàn cắt khung sắt là vô lý và có nhiều mâu thuẫn (chính CQĐT cũng thừa nhận lời khai của Quyền “không chính xác tuyệt đối”). Theo lời khai của Quyền ở CQĐT thì thời điểm xảy ra cháy, bị cáo này không biết ông Bộ là ai, có phải chủ nhà hay không. Nếu vậy thì không thể có chuyện Quyền nghe theo chỉ đạo của ông Bộ để mang máy đi hàn cắt sắt được. Tại phiên Tòa, Quyền cũng thừa nhận, không thỏa thuận gì về tiền công hàn sắt với ông Bộ. Ngoài lời khai của Quyền thì không có chứng cứ trực tiếp nào chứng minh ông Bộ có thuê Quyền hàn cắt khung sắt.

Trong khi đó thì ông Bộ đã quen biết Ngọc nên nếu có nhu cầu hàn cắt thì ông Bộ sẽ làm việc với Ngọc (là chủ) chứ không thể trao đổi với người làm thuê như Quyền được

LS Hằng còn cho rằng, Quyền là người đã được đào tạo về hàn, cắt và tự nhận thức được sự an toàn trong công việc của mình. Như vậy, bị cáo này không thể cho rằng ông Bộ thuê hàn cắt cái gì là làm cái đó mà phải tự thấy việc mình làm là nguy hiểm hay không để mà dừng công việc lại. Nếu Quyền không bị ông Bộ dụ dỗ hay ép buộc hàn cắt sắt thì bị cáo này phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi cố ý của mình chứ không thể đẩy một phần trách nhiệm bồi thường sang cho ông Bộ.

Sau hai ngày xét hỏi và tranh luận, xét thấy vụ án có nhiều tình tiết phức tạp nên HĐXX TAND quận Hoàng Mai đã quyết định nghị án kéo dài. Dự kiến sáng mai (14/4), HĐXX sẽ tuyên án.

Đọc thêm