Sáng 8/8, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương để lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn nhất trong bối cảnh đại dịch lại chính là cải cách thể chế và cắt giảm thủ tục hành chính để thuận lợi cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh”.
Đáp lại mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp, trong phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: “Thẩm quyền của Chính phủ có được đến đâu là chúng tôi tận dụng tối đa đến đấy và cái gì vướng thuộc thẩm quyền của Chính phủ là Chính phủ cố gắng giải quyết. Rất mong là các doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục đóng góp, tiếp tục nêu ra những cái gì nó vướng ở đâu, luật nào, điều nào…và ách tắc từ thực tiễn như thế nào?”.
Điều này không chỉ cho thấy quyết tâm cao của Chính phủ mà còn thể hiện rõ tinh thần chỉ đạo, là “kim chỉ nam” cho các cấp, các ngành trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Phù hợp với quy hoạch
Quay trở lại với dự án Khu đô thị (KĐT) Đại học Vân Canh (nay là KĐT mới An Lạc Green Symphony) tại xã Vân Canh và An Khánh, huyện Hoài Đức (TP Hà Nội). Ngày 17/4/2008, UBND tỉnh Hà Tây có QĐ số 959/QĐ-UBND giao chính thức 597.902,6m2 đất cho Công ty CP đầu tư An Lạc thực hiện dự án đầu tư xây dựng KĐT mới thuộc KĐT Đại học Vân Canh.
Do phải điều chỉnh để phù hợp với Quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội và quy hoạch phân khu, ngày 17/7/2019, UBND TP Hà Nội đã có quyết định số 3861/QĐ-UBND phê duyệt đồ án Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết của dự án, tỷ lệ 1/500.
Theo đó, quy mô diện tích theo quy hoạch điều chỉnh là khoảng hơn 57 ha, giảm khoảng 2,74ha so với diện tích được giao theo quyết định giao đất nói trên. Lý do của việc giảm diện tích là để đảm bảo ranh giới đường biên dự án khớp nối theo Quy hoạch phân khu đô thị S3.
Dự án đã triển khai đến 14 năm, nhưng vẫn bị đặt ra vấn đề cần làm lại thủ tục trước mới được triển khai bước tiếp theo. Theo đó, có cần chờ điều chỉnh quyết định giao đất cho phù hợp với quy mô dự án điều chỉnh trước khi cấp phép xây dựng hay không?
Có thể cấp phép xây dựng độc lập
Để làm rõ vấn đề được Sở Xây dựng Hà Nội đặt ra, PV PLVN đã tiếp cận hồ sơ, đối chiếu với quy định của pháp luật và trao đổi với một số luật sư.
Trước hết, về mặt quy hoạch, dự án đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Đây là quy hoạch chi tiết nhất đối với một dự án, là sự cụ thể hóa nội dung quy hoạch phân khu và quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết bố trí cụ thể tất cả các công trình trên đất.
Về hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch chi tiết 1/500 bố trí đến từng ranh giới lô đất. Nói cách khác, bản đồ quy hoạch 1/500 chính là quy hoạch tổng mặt bằng của các dự án đầu tư xây dựng, là cơ sở để định vị công trình, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và thực hiện xây dựng.
Quy hoạch tổng thể dự án. |
Căn cứ quy định của Luật Xây dựng thì để có thể được cấp giấy phép xây dựng đối với công trình tại ô đất C1-CT, chủ đầu tư cần đáp ứng điều kiện: Công trình phù hợp với vị trí và tổng mặt bằng của dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, đồng thời đáp ứng điều kiện quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 91 của Luật này.
Một trong những giấy tờ bắt buộc trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình là “Bản sao một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai”.
Các loại giấy tờ được coi là giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp phép xây dựng được quy định cụ thể tại Nghị định số 53/2017/NĐ-CP, trong đó có: Quyết định giao đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
“Mục đích của Luật quy định khi cấp phép xây dựng phải có giấy tờ về đất là để chứng minh quyền sử dụng đất. Trong trường hợp này, chủ đầu tư đã có quyết định giao đất, đã có quy hoạch chi tiết được phê duyệt. Mặc dù tổng diện tích dự án có thay đổi nhưng ô đất được đề nghị cấp phép xây dựng không nằm trong phần diện tích điều chỉnh giảm (thể hiện tại văn bản số 1108 ngày 23/2/2021 của Sở Tài nguyên & Môi trường – PV). Như vậy, thực tiễn đã rất rõ ràng: việc xây dựng tại ô đất này có thể tiến hành độc lập mà không ảnh hưởng đến việc điều chỉnh quyết định giao đất”, luật sư Lê Thị Oanh (Đoàn LS TP.Hà Nội) phân tích.
Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn
Sở TN&MT khẳng định ô đất C1-CT không nằm trong diện tích điều chỉnh. |
Qua hồ sơ vụ việc cho thấy, chỉ một tình huống phát sinh trong khi luật chưa có quy định chi tiết đã khiến cho nhiều đơn vị “lúng túng”. Sở Xây dựng Hà Nội đã 2 lần có văn bản gửi Sở TN&MT cho ý kiến. Trong khi, hơn ai hết, chủ đầu tư “đứng ngồi không yên” vì chi phí phát sinh, người lao động không có việc, nhất là trong bối cách dịch bệnh càng khiến cho những thiệt hại trầm trọng hơn.
Điều đáng nói, phúc đáp vấn đề trên, Bộ Xây dựng cũng đã có hướng dẫn cụ thể. Theo đó, Bộ Xây dựng cho rằng, trường hợp diện tích lô đất để xây dựng công trình nhà ở cao tầng C1-CT theo Quy hoạch chi tiết KĐT mới tỷ lệ 1/500 phù hợp với diện tích sử dụng đất được giao đất tại Quyết định số 959/QĐ-UBND thì quyết định giao đất này là cơ sở để cấp giấy phép xây dựng.
“Trường hợp này, chủ đầu tư liên hệ với cơ quan có thẩm quyền về quản lý đất đai để xác định vị trí, ranh giới công trình xin phép xây dựng theo Quyết định số 3861/QĐ-UBND nêu trên để làm cơ sở cấp giấy phép xây dựng, đồng thời việc cấp giấy phép xây dựng công trình này không ảnh hưởng đến việc điều chỉnh quyết định giao đất sau này”, văn bản của Bộ Xây dựng nêu.
Ngày 28/6/2021, UBND TP Hà Nội đã có văn bản giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, UBND huyện Hoài Đức căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành về thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép xây dựng, hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép xây dựng theo quy định và tổ chức xem xét, cấp giấy phép xây dựng theo thẩm quyền. Tuy nhiên cho đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa được cấp phép.
Trong khi theo quy định hiện nay, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép trong thời gian 20 ngày đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng công trình.
"Các doanh nghiệp cần được hướng dẫn và tạo điều kiện để làm đúng theo pháp luật. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, bản chất vấn đề ở đây chỉ là thủ tục hành chính. Do đó, các cơ quan của Hà Nội cần sớm tháo gỡ để vừa đảm bảo quy định của pháp luật nhưng cũng vừa tháo gỡ khó khăn, đồng hành với doanh nghiệp theo tinh thần mà Thủ tướng đã chỉ đạo”, luật sư Oanh chia sẻ.