Tại buổi tọa đàm về dự thảo Công ước do Bộ LĐTB&XH và Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam tổ chức ngày 28/5, bà Valentina Barcucci chuyên gia của Văn phòng ILO tại Việt Nam cho biết, trong vòng đàm phán cuối này, đáng chú ý là sự mở rộng phạm vi đối với các khái niệm “bạo lực”, “quấy rối”, “trong công việc” và “người lao động”.
Hiện nay, khái niệm “trong công việc” (bao gồm không gian, thời gian, địa điểm xảy ra hành vi bạo lực, quấy rối) tại nhiều quốc gia và cả Việt Nam đều được hiểu là “tại nơi làm việc” nhưng với phạm vi áp dụng của Công ước mới thì “trong công việc” sẽ được hiểu là bất cứ địa điểm hoặc môi trường nào liên quan đến quá trình làm việc, có liên hệ hoặc phát sinh từ công việc đều được tính đến.
Với nền pháp luật hoàn toàn tương thích với Công ước trong ứng xử với hành vi bạo lực, quấy rối bằng các chế tài hình sự, hành chính… thì việc Việt Nam phê chuẩn Công ước mới sẽ là tương lai không xa, theo ông Nguyễn Văn Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTB&XH. Hiện nay, dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đã bổ sung nhiều quy định mới trong việc phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, trong đó có vấn đề khái niệm “nơi làm việc”:
“Thuật ngữ tiếng Anh “at work” trước kia được hiểu là “tại nơi làm việc”, nhưng hiện nay chúng tôi đã thống nhất cách hiểu là “trong lao động” để mở rộng khái niệm, tăng tính hiệu quả của pháp luật hơn” – ông Bình cho biết.
Tuy nhiên, cũng theo ông Bình, hiện pháp luật Việt Nam mới đang tập trung về vấn đề quấy rối tại nơi làm việc, nếu như Công ước mới của ILO được thông qua, Việt Nam sẽ cần phải tiếp tục nghiên cứu về vấn đề bạo lực tại nơi làm việc để cập nhật xây dựng pháp luật.