Vì sao Tôn giả Bạt Đà La lại được thờ trong nhà tắm?

(PLVN) - Bạt Đà La Tôn giả, Quá Giang La hán, là thị giả của Phật, chủ quản việc tắm rửa, hiền giả qua sông tựa như chuồn chuồn lướt nước, vô ngã vô thường. Là vị La hán thứ sáu, đại đệ tử thường theo hầu đức Phật lúc Ngài ở tinh xá cũng như khi ra ngoài.
Tượng La hán Quá Giang.
Tượng La hán Quá Giang.

Trong các tự viện ở Trung Quốc, Bạt Đà La thường được thờ trong nhà tắm. Giai thoại kể về ngài như sau: Bạt Đà La là người chuộng sạch sẽ, rất thích tắm. Khí hậu Ấn Ðộ lại nóng nên mỗi ngày hễ có thời gian rảnh là ngài nhảy xuống sông tắm, nếu không thì ngồi xổm bên giếng xách nước xối ào ào từ đầu xuống chân.

Tắm vốn là việc tốt, nhưng tắm kiểu Bạt Đà La như vậy thật quá lãng phí thời gian, thường vì tắm mà trễ nải rất nhiều công việc khác và hay bị mọi người quở trách. Chẳng hạn như đến giờ thọ trai, ai nấy đều xếp hàng ngay ngắn ôm bát vào trai đường nhưng chỉ có một mình ngài vắng mặt. Khi ngài tắm xong, cơm rau cũng bị người khác dùng hết.

Vì thế, ngài thường bị đói. Nhiều buổi công phu tối, mọi người đang xướng tán, tụng kinh, tọa thiền trong chánh điện thì ngài lại lén ra ngoài đi tắm, mỗi lần tắm mất cả buổi. Thậm chí nửa đêm ngài còn thức dậy đi tắm. Nghe nói có khi một đêm, ngài tắm đến năm, sáu lần.

La hán Quá Giang lấy nước thanh tịnh gột rửa tâm hồn.
La hán Quá Giang lấy nước thanh tịnh gột rửa tâm hồn.  

Có người đem thói quen kỳ quặc này bạch lên đức Phật. Ðức Phật gọi ngài đến dạy rằng, tắm có 5 điều tốt, một là tẩy sạch các cấu bẩn; hai là khiến thân thể thanh khiết; ba là trị được cảm mạo; bốn là giúp thân thể khỏe mạnh; năm là thân tâm được thanh tịnh vui vẻ, cởi mở. Nhưng ông biết tắm phải như thế nào không? Dạ, đương nhiên là con biết. Mỗi lần tắm, con đều dùng nước kỳ sạch sẽ những chỗ dơ trên thân" - Bạt Đà La nói rất chắc chắn.

Ðức Phật cười nói: Không đâu! Này Bạt Đà La, cách tắm đó chỉ tẩy được những cấu uế trên thân không tẩy được cấu uế trong tâm. Khi tắm phải nghĩ như vầy: “tâm ta thường bị phiền não tham, sân, si, mạn, nghi, ích kỷ, đố kỵ, ganh tỵ, vị kỷ... làm nhiễm ô, do đó phải dùng nước thanh tịnh tẩy chúng. Tuy không thể một, hai lần là tẩy sạch, nhưng ngày nào cũng tinh tấn thì ắt có ngày thân tâm sẽ được thanh tịnh an lạc”.

Sau khi tiếp nhận lời Phật dạy, ngài hiểu đúng phương pháp và ý nghĩa đích thực của việc tắm rửa rồi theo đó hành trì, không lâu thì giác ngộ chứng quả A La hán. Thấy lợi ích thiết thực của việc tắm, ngài bảo mọi người: Này các vị! Ngày nào cũng tắm rửa, chúng ta thấy việc ấy rất bình thường, nhưng đó lại là một pháp tu hữu dụng, gần gũi thiết thực nhất trong cuộc sống đấy!

Từ đó, ngài quyết định phụng sự cho chúng sanh hậu thế, dạy họ cách tắm, giúp hàng vạn người cũng giác ngộ như ngài. Nghe nói, người đời sau nếu như khi tắm không khéo phản tỉnh tư duy, nhớ nghĩ điều thiện thì ngài sẽ lén gãi vào tai hoặc đánh vào người họ. 

Đọc thêm