Ông thầy được người dân kính trọng
Trong bối cảnh thế kỷ XVI, xã hội đang biến loạn, người dân mong ước có người hiền tài xóa bỏ phần nào những phiền muộn về thời thế. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã xuất hiện, và lập tức được hoan nghênh. Người ta thấy ông quả là bậc hiền nhân, mang tư cách là một ông thầy, đáng cho họ yêu thương, tín nhiệm.
Nguyễn Bỉnh Khiêm vốn là thầy giáo ở Bạch Vân am. Ông lại được các triều đình phe phái tôn sùng, nhóm nào cũng đến hỏi han, thỉnh giáo. Bảo ông là người thầy của thời đại, hay như cách nói văn vẻ đã được chấp nhận: ông là cây đại thụ rợp bóng suốt thế kỷ XVI.
Thực ra, không phải chỉ có thế. Nguyễn Bỉnh Khiêm là một người thầy, nhưng là người thầy đặc biệt, người thầy theo cảm quan văn hóa dân gian của quần chúng, chứ không phải chỉ là vị tôn sư của làng Nho.
Nhân dân ta vốn có truyền thống trọng thầy. Những câu ca dao, tục ngữ ca ngợi vai trò người thầy có rất nhiều, không cần phải nhắc lại. Ông thầy, trong tâm lý quần chúng, trước hết phải là con người có đạo đức thanh cao, trong sạch, không vướng chút ô trọc của thói đời, thực sự coi thường vinh hoa phú quý, trên hết là không màng danh lợi.
|
Một góc Khu di tích Nguyễn Bỉnh Khiêm. |
Những nhà khoa bảng trước đây, bỏ quan về dạy học, thường được bà con kính trọng, bởi vì nhân dân thấy họ thực sự tiều biểu cho khí tiết, cho đạo đức cộng đồng. Chốn quyền môn phong kiến không bao giờ chứa nổi đức độ của người thầy, cho nên ông thầy nào cũng "bực mình đạp chốn cửa quyền mà ra". Lịch sử đã sẵn có tấm gương Chu An với bài Thất trảm sớ "nghĩa động càn khôn".
Nay lại đến Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sé hạch tội 18 đứa lộng thần, để rồi quay về "cố hương". Riêng cái tiết tháo ấy đã đủ cho quần chúng tôn vinh. Huống chi thầy Khiêm này trở về lại không chịu hoàn toàn làm con người ẩn sĩ. Ông về am chứ không về núi! Và một ngày của Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải chỉ có ở am, nghĩa là ở lớp, mà còn ở quán, ở bến, ở chỗ dễ dàng tiếp xúc với các bô lão, các nông phu.
Am Bạch Vân dành cho các môn đồ, quán Trung Tân dành cho tân khách. Và ở am hay ở quán, người ta vẫn chỉ thấy một con người, con người thành thực sống trong cảnh bình dị, quen với nề nếp dân tộc, phong tục quê mùa, luôn luôn bộc lộ niềm ưu tư với đại chúng. Cái chí dù đổi đời mãn kiếp vẫn là cái chí lo nước thương đời không lay chuyển, mòn mỏi chút nào. "Hương hỏa tam sinh chí vị hôi là như thế".
Người thầy kết nối lương tri
Ai sống trong xã hội nông thôn xưa mới thấy hy vọng nhân dân đặt vào những ông thầy thật là bao trùm, to lớn, Không phải thầy chỉ dạy chữ nghĩa, rèn cặp cho đứa trẻ nên người. Thầy còn là vị cố vấn cho toàn bộ cuộc sống. Đau ốm đến xin thầy cắt thuốc, tang ma đến xin thầy chỉ vẽ, lễ tiết đến hỏi thầy nghi thức. Thậm chí người ta hỏi thầy cả giờ đi đứng, dựng nhà, so tuổi, dựng vợ gả chồng, làm hộ các đơn từ kiện tụng.
Ông thầy gần như cuốn từ điển sống, mà là từ điển bách khoa. Có lẽ khoảng đời sống ở nông thôn của Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đã là cuộc đời của ông thầy đa năng ấy. Ta không biết những chỉ tiết cụ thể trong việc giao tiếp với nhân dân nhưng thơ văn, nhất là thơ nôm của ông để lại, thì cho thấy rõ điều này. Bằng cái vốn tục ngữ ngạn ngữ phong phú của mình, ông đã cô đúc hộ người bình dân cả một pho triết lý về cuộc sống.
Ông nêu ra được những phạm trù biện chứng, ông giáo dục đạo đức làm người, ông phê phán những thói hư tật xấu và trình bày một cách rất bình dị, rõ ràng. Thật ra thì những điều ông nói, quần chúng đã biết cả rồi. Công lao của ông là cô đúc lại, hệ thống hóa lại cái triết lý bình dân của người binh dân sẵn có, nhưng khám phá sâu hơn, đầy đủ hơn và thiết thực hơn.
|
Tượng đài danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm. |
Đó là nhờ ông biết liên kết các lương tri đang bị cuộc sống xô bồ che lấp. Nhờ thế, quần chúng thấy ông quả là một ông thầy uyên bác, sâu sắc, đã có công cảnh tỉnh họ, bày cho họ một lối ứng xử, thích hợp.
Với sự nhìn nhận ấy của quần chúng có thể tồn tại giữa bao nhiêu cái mất còn trong chế độ phong kiến đang lâm vào bước khủng hoảng suy vong. Khủng hoảng càng kéo dài bao nhiêu thì thói đời lại lặp đi lặp lại những trò đảo điên đen bạc bấy nhiêu.
Nhận xét của Nguyễn Bỉnh Khiêm vốn đã gần gũi và thực tế lại trở nên có tầm khái quát sâu sắc, gần như là soi thấu ruột gan người đời. Quần chúng càng thấy hâm mộ, đón chờ sự chỉ vẽ của ông. Người thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm trong cảm quan văn hóa dân gian là như vậy.
Nét lớn trong bối cảnh xã hội, lịch sử của đất nước ta vào thế kỷ XVI là lòng người điên đảo, đạo đức suy vị. Điều đó đã đành, song còn có điều đáng lo lắng quan tâm hơn nứa là phải tìm cho ra con đường để bước tới. Không phải chỉ có những người trí thức Nho sĩ, những kẻ đang tìm mưu tính kế tiến thoái trong cuộc đấu tranh mới phải băn khoăn về những hướng đi của đất nước.
Nhân dân cũng lo lắng, cũng muốn được yên tâm về thời cuộc, về tương lai. Những chỉ vẽ của ông thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm trên kia chỉ mới là ở mặt đạo đức, hay sâu hơn là ở triết học. Nhưng như vậy chưa đủ. Giải bài toàn cuộc đời đầu chỉ cần có những lời khuyên về luân lý, về phép xử thế tu thân dựa theo một lập trường nào đó mà phải có cả những kiến giải khoa học nữa.
Vào thời đại ấy, chúng ta chưa có khái niệm khoa học, nhưng những vấn đề có tính cách khoa học thì lúc nào chẳng là thiết thực với cõi nhân sinh. Trong cái rối ren, lộn xôn của thế cuộc lúc bấy giờ tìm cho ra một hướng đi, quả là rất khó. Sự so sánh lịch sử có thể cho đời sau thông cảm với nỗi bế tắc của thế kỷ XVI này.
Trước kia, dù thời cuộc lộn nhào đến đâu, lịch sử như vẫn hé ra một hướng đi, lấp ló sau màn sương vẩn đục. Trong mười hai sứ quân cát cứ, đã có Đinh Bộ Lĩnh. Suốt mười năm Minh thuộc, đã xuất hiện tiếng đồn về chúa Lam Sơn. Còn giờ đây? Tất nhiên là ai cũng muốn hòa bình nhưng hòa bình làm sao? Ai cũng mong thống nhất nhưng sẽ là ai thống nhất? Con người mà lịch sử đợi chờ vẫn chưa có.
Câu giải đáp vẫn còn để trống, chưa có ai có thể đưa ra. Vấn đề cần một kiến giải khoa học đặt ra là như vậy. Hiển nhiên, mỗi tầng lớp có một yêu cầu kiến giải khác nhau. Những nhóm quân phiệt đang tranh giành xâu xé nhau, những Nho gia, dũng sĩ đang muốn tìm chúa mà thờ, điều họ cần thiết là một kiến giải về chiến lược quốc gia, chiến lược thời thế. Họ phải tìm đến một người họ cho là uyên bác nhất lại có đủ tư cách nhất, để giúp giải bài toán đua tranh.
Đã có Nguyễn Bỉnh Khiêm! Uyên bác nhất thì rõ ràng, vì Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ Trạng nguyên, tiếng tăm lừng lẫy. Có tư cách nhất vì ông đã đứng ngoài vòng cương tỏa, không thiên lệch với ai, không phù trợ ai (dù ông có nói nhiều về việc báo đáp công ơn vua Mạc), và không có ý định diệt trừ ai. Ông đứng ngoài, mà đứng cao, nên ông có thể nhìn được những cơ vần chuyển biến.
Nguyễn Bỉnh Khiêm trở thành Trạng trong cảm quan văn hóa dân gian của nhân dân là như thế. Rồi tiếp đó với thời gian, nhiều tưởng tượng hư cấu, cộng thêm ảnh hướng của nhiều học thuyết hay Đạo giáo có nội dung tiên đoán, quần chúng đã tạo nên một Trạng Trình khác, sinh động hơn mà cũng huyền bí ly kỳ hơn, để tỏ lòng ngưỡng mộ đối với ông Thầy đồng thời là ông Trạng.
Hàng trăm mẩu chuyện, từ những chuyện liên quan đến người dân nghèo như "cha con thằng Khả" cho tới chuyện quan Thượng thư Nguyễn Công Trứ (Minh Mệnh thập tứ, thằng Trứ phá đền); từ chuyện tiếng gà gáy bên phòng Phùng Khắc Khoan đến chuyện toàn quyền Robin ném bom Yên Bái v,v,.. tất cả đều được ghép cho Nguyễn Bỉnh Khiêm để thỏa trí tò mò lòng khao khát.
Loại trừ những điều mê tín dị đoan thì nhiều nhà nghiên cứu đều cho rằng, những tò mò và khao khát ở đây không phải là không đáng chú ý. Điều đó chứng minh yêu cầu của quần chúng cần một kiến giải cho những vấn đề mắc mớ của họ.
Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cho họ một ít lời chỉ dẫn, được họ chiêm nghiệm là đúng, là hợp lý, nên họ sẵn sàng quy tụ mọi khám phá bí mật vô ngôn này và gán cho ông cái tài tiên tri tiên giác, đúc kết lại thành hình tượng Trạng.
Quy tụ những điều có sẵn và ăn sâu vào tiềm thức văn hóa dân gian, Trạng Trình không chỉ là một ông Trạng mà còn là một danh nhân văn hóa, được ca ngợi và sống mãi trong tiềm thức của người dân trong cả nước.