Bài toán toàn cầu
Mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) Trần Hồng Thái cho biết, vẫn tồn tại một bài toán khó không chỉ ngành KTTV nước ta mà cả ngành KTTV thế giới đều đang đau đầu là sự thiếu hụt lớn trong cơ sở dữ liệu quan trắc trên đại dương, gây cản trở khả năng dự báo chính xác ở quy mô mùa và nội mùa. Trong khi đó, đại dương bao phủ 70% bề mặt trái đất, đóng vai trò là nhân tố chính của sự thay đổi về thời tiết và khí hậu trên thế giới.
Theo Báo cáo khí hậu toàn cầu thường niên của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), thập kỷ 2011-2020 được ghi nhận là thập kỷ nóng nhất trong lịch sử. Năm 2020 là một trong ba năm nóng nhất thập kỷ này, mặc dù La Nina đang hoạt động khiến khu vực Thái Bình Dương trở nên mát mẻ hơn. Kéo theo đó là nhiệt độ đại dương đang ở mức cao kỷ lục, quá trình đại dương bị acid hóa đang tiếp diễn, băng trên biển vẫn đang tan, tốc độ gia tăng mực nước biển ngày càng mạnh.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia khí tượng nhận định diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu khiến các hoạt động quan sát, nghiên cứu và dịch vụ đại dương trở nên quan trọng hơn.
Do vậy, chủ đề Ngày Khí tượng Thế giới năm 2021(23/3) chính là tôn vinh việc kết nối đại dương, khí hậu và thời tiết trong hệ thống trái đất, nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của đại dương tới thời tiết và công tác ứng phó BĐKH toàn cầu.
Đáng nói, Hội nghị Dữ liệu của WMO vào tháng 11/2020 đã ghi nhận những khoảng trống lớn trong cơ sở dữ liệu, đặc biệt ở các khu vực đại dương. Điều này một lần nữa khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng hệ thống dữ liệu về trái đất ở dạng mở, có thể truy cập tự do, để khai thác những dữ liệu này một cách hiệu quả nhất.
Nhiều thách thức với Việt Nam
Là một thành viên của WMO, ngành KTTV Việt Nam cũng có trách nhiệm chủ động nghiên cứu, trao đổi thông tin, nâng cao năng lực dự báo để phục vụ người dân, đóng góp vào việc hoàn thiện mạng lưới KTTV trong khu vực và trên toàn cầu. Trong 3 năm qua Việt Nam đã được công nhận là 1 trong 7 trung tâm hỗ trợ bão khu vực, đã đào tạo, chuyển giao công nghệ cảnh báo về sạt lở đất.
Đáng nói, năm 2021 cũng đồng thời đánh dấu sự khởi động của Thập kỷ Khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp quốc (2021-2030). Theo đó, WMO cam kết sẽ tập trung phần lớn các hoạt động của mình để hướng tới các mục tiêu vì một “đại dương an toàn”, “đại dương thấu hiểu” và “đại dương tường minh”.
Còn tại Việt Nam, về vấn đề nhân sự, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái nhấn mạnh, bên cạnh những thách thức về cơ sở hạ tầng, một thách thức lớn của ngành KTTV Việt Nam là nguồn nhân lực ngành vẫn còn nhiều hạn chế. Không chỉ thiếu trầm trọng về số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Cuối năm 2020, PGS-TS Trần Thục, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường đã ước tính tổng số cán bộ làm việc trong lĩnh vực KTTV khoảng 3.500 người, hoạt động trên mọi miền của Tổ quốc từ miền núi, đất liền, trên biển và hải đảo.
Do đặc thù của ngành là hoạt động khắp mọi miền của đất nước nên số lượng cán bộ KTTV, BĐKH còn rất thiếu. Riêng lĩnh vực hải dương học và KTTV biển, lực lượng cán bộ còn hạn chế hơn nhiều so với nhu cầu.
Cụ thể, đất nước ta với đường bờ biển dài 3.260km và hơn 3.000 đảo, vùng biển rộng lớn, mạng lưới trạm khí tượng hải văn gồm 17 trạm, trong đó có 10 trạm trên đảo, 1 trạm trên giàn nổi DK1-7 và sáu trạm ven bờ đều đang rất thiếu cán bộ thực hiện các chương trình nghiên cứu về biển, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế biển, nhất là các lĩnh vực BĐKH, biển và tương tác biển - khí quyển…
Bản tin dự báo thời tiết hàng ngày, hàng giờ của chúng ta là kết quả thu thập số liệu của hàng ngàn cán bộ, kĩ thuật viên ngành KTTV đang có mặt ở mọi miền Tổ quốc. Trong bối cảnh BĐKH phức tạp, trọng trách của những người làm công tác dự báo KTTV ngày càng nặng nề hơn, trong khi đó họ lại quá mỏng về nhân lực.