Viếng mộ liệt sỹ tuổi 22

(PLVN) -  Biết chúng tôi chuẩn bị đi thăm viếng mộ Anh hùng Lưu Thế Hà tại Nghĩa trang Liệt sỹ TP Đà Lạt (Lâm Đồng), ông Phạm Thế Phúc - nguyên chiến sĩ Trung đoàn Cảnh sát Cơ động (CSCĐ) 29 - Bộ Tư lệnh CSCĐ, hiện là Tổ trưởng tổ dân phố 8, phường Diên Hồng, TP TP Pleiku (Gia Lai) tự hào:
 Tác giả bên ngôi mộ Anh hùng Liệt sĩ Lưu Thế Hà.
Tác giả bên ngôi mộ Anh hùng Liệt sĩ Lưu Thế Hà.

“Liệt sĩ Lưu Thế Hà là đồng đội đặc biệt xuất sắc của lực lượng CSCĐ chúng tôi, là tấm gương sống nghĩa tình và rất dũng cảm đã hy sinh vì Tổ quốc. Bộ Tư lệnh CSCĐ, Trung ương Đoàn Thanh niên đã nhiều lần phát động các thế hệ trẻ, trong đó có chúng tôi thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức vì nước quên thân của anh Hà”.

Năm 1979, các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam của nước ta lâm vào tình cảnh đặc biệt khó khăn, bị các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước phá hoại. Trong bối cảnh vô cùng khó khăn đó, người thanh niên Lưu Thế Hà (SN 1960) đã quyết định gác bút xung phong lên đường làm chiến sĩ CSCĐ, bảo vệ trật tự-an ninh Tổ quốc.

Sau khóa huấn luyện đạt loại giỏi, anh được biên chế vào Trung đoàn CSCĐ 29, Bộ Tư lệnh CSCĐ. Với tuổi xuân tràn đầy nhiệt huyết, anh đã tiên phong vào Tây Nguyên trấn áp những đối tượng hại dân, chống phá chính quyền cách mạng.

Trong trận đêm mùng 6, rạng sáng ngày 7/4/1981 tại địa bàn huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), anh đã lập nên chiến công vang dội. Sau bữa cơm tối ngày mùng 6/4, đơn vị của anh Hà nhận lệnh khẩn là tập trung các nguồn lực phối hợp tác chiến ngay với các lực lượng của địa phương, vây bắt khoảng 50 đối tượng xấu đang tụ tập trong rừng sâu núi thẳm, thuộc địa bàn của huyện Đức Trọng.

Sau 8 giờ băng rừng lội suối trong đêm tối mờ sương, anh và các đồng đội đã tiến sát đến nơi nhóm đối tượng xấu ẩn nấp. Lúc này, cấp trên rất tin tưởng nên đã giao nhiệm vụ cho anh chỉ huy mũi tấn công chủ lực ở phía bên phải, khi có mật lệnh mũi tấn công này sẽ xông thẳng vào sâu vòng vây của đối phương.

Khi tiến dần đến gần hang ổ của đối phương, các mũi tấn công mới đồng loạt nổ súng, kêu gọi những đối tượng chống phá cách mạng buông vũ khí đầu hàng để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước. Thế nhưng các đối tượng hoảng loạn tháo chạy đồng thời manh động nổ súng. 

Theo lời các đồng đội kể lại, khi đó nhận được lệnh cấp trên, anh Hà cùng đồng đội dũng cảm truy bắt các đối tượng manh động. Bỗng anh thấy đau nhói ở vai trái. Đồng đội đã đưa anh về tuyến sau băng bó vết thương, nhưng anh vẫn kiên cường chịu đựng ở lại tiếp tục chiến đấu đến cùng. Phát hiện 2 đối tượng chạy trốn trong bụi rậm, anh liền truy đuổi và tiêu diệt được một tên.

Đối tượng còn lại giả chết rồi bất thình lình dùng súng bắn lén trúng anh Hà. Còn anh Hà lúc đó dù bị thương nặng vẫn kiên cường nói: “Anh em đi cứu các đồng chí khác đi, ta đã tiêu diệt hết bọn xấu chưa...”, dứt câu, anh hy sinh vào lúc rạng sáng 7/4.

“Biến đau thương thành sức mạnh, sau đó cả Trung đoàn CSCĐ 29 nói riêng, cả Bộ Tư lệnh CSCĐ nói chung tổng tiến công truy quét vào tận cùng các hang ổ những đối tượng xấu. Các băng nhóm chống phá cách mạng lần lượt bị loại bỏ khỏi các địa bàn ở Gia Lai như xã Hà Bầu (Đak Đoa), xã Ia Tiêm, Bờ Ngoong (Chư Sê)...”- ông Phạm Thế Phúc nhớ lại.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc đó, ngày 27/2/1982, anh Lưu Thế Hà đã được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Tri ân anh Hà, tỉnh Lâm Đồng đã xây cất ngôi mộ cho anh ở nơi trang trọng trong Nghĩa trang Liệt sỹ TP Đà Lạt.

“Nghĩa trang Liệt sỹ này rộng tới 20ha, hiện có tất cả hơn 2.300 ngôi mộ, trong đó có 740 ngôi mộ chưa biết tên. Ngôi mộ của Liệt sĩ Lưu Thế Hà nằm bên phải tượng đài, có khắc ghi rõ năm sinh, ngày hy sinh khi mới 22 tuổi đời, chưa có vợ con nên ai đến thăm viếng cũng cảm phục...”- Ông Hoàng Đình Liệu - quản lý tại nghĩa trang bùi ngùi.

Đầu năm 2011, Bộ Tư lệnh CSCĐ đã phát động trong toàn đơn vị quyên góp 60 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng ngôi nhà tình nghĩa tại nơi Anh hùng Liệt sỹ Lưu Thế Hà sinh ra và lớn lên ở thôn Yên Sơn, xã Yên Bái, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Ngôi nhà này, mẹ anh Hà là cụ Trịnh Thị Phố (101 tuổi) đang sinh sống. “Được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm đền ơn, đáp nghĩa, gia đình chúng tôi cảm thấy ấm lòng, vơi đi một phần sự mất mát hy sinh, nguôi ngoai bớt nỗi nhớ thương em trai tôi....”- PGS Tiến sĩ Lưu Thế Vinh (anh trai của anh Hà) xúc động chia sẻ.

Đọc thêm