Việt Nam có tỉ lệ thất nghiệp thấp bậc nhất thế giới

(PLVN) - Sáu tháng đầu năm 2019, an sinh xã hội đã có nhiều chuyển biến đáng kể so với cùng kỳ năm 2018, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh, hiện nay còn 5,23%, số hộ thiếu đói giảm 30,9%. Đặc biệt, tỉ lệ thất nghiệp chỉ còn 1,98%. Đó là những số liệu Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung vừa công bố.
Ông Đào Ngọc Dung
Ông Đào Ngọc Dung

Sáu tháng, 710.000 người được giải quyết việc làm

“Điều rất đáng mừng là tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh, hiện còn 5,23%, số hộ thiếu đói giảm 30,9%. Giải quyết việc làm cũng đạt rất kết quả tốt, 6 tháng đầu năm 2019 đã có 710.000 người được giải quyết việc làm trong nước. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp hiện nay còn 1,98%, đây là một tỉ lệ thấp nhất từ trước tới nay (năm 2018 chúng ta có tỷ lệ là 2,2%) được Ngân hàng Thế giới đánh giá là 1 trong 8 quốc gia có tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 160 quốc gia”, ông Dung cho biết.

Một vấn đề mới trong 6 tháng qua là mô hình phát triển BHXH tự nguyện đạt kết quả rất tốt. Theo ông Dung, đến nay đã có 125.000 người tham gia, và lũy kế trong năm nay sẽ có khoảng 400.000 người. Như vậy, đến hết năm 2019, ước tính sẽ có khoảng 450.000 người tham gia. Chỉ trong năm 2019, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện đã được nâng lên bằng 15 năm qua.

Ông Dung cũng cho biết, Quốc hội và Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi) và Pháp lệnh Ưu đãi Người có công (sửa đổi), đề nghị các địa phương quan tâm vì đây là vấn đề rất lớn, nhất là Bộ luật Lao động (sửa đổi) vì có nhiều vấn đề mới, chưa có tiền lệ.

Trong dịp Kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ sắp tới, ông Dung cũng đề nghị các địa phương tập trung thực hiện Chỉ thị 14 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong đó quan tâm đến chỉ đạo, giải quyết hồ sơ tồn đọng căn bản hoàn thành vào năm 2020. Bên cạnh đó triển khai khẩn trương hỗ trợ Người có công về nhà ở, theo chỉ đạo của Thủ tướng là sẽ kết thúc vào 31/12/2019.

Đặc biệt, hiện một số địa phương còn tồn tại hiện tượng Người có công thuộc hộ nghèo, với 16.500 hộ. Ông Dung đề nghị các địa phương có hành động thiết thực để Người có công có cuộc sống bằng và cao hơn mặt bằng người dân ở địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tổ chức các hoạt động lớn nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, trong đó có trao Bằng Tổ quốc ghi công cho 500 liệt sĩ có hồ sơ tồn đọng từ thời kỳ chống Pháp và Hội nghị gặp mặt, biểu dương 500 thương binh nặng hạng I sẽ được tổ chức tại Hà Nội.

Giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại ma túy

Ông Dung cũng trăn trở về tình hình ma túy hiện nay, qua kiểm tra của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy xuất hiện ngày càng nhiều và đa dạng các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia về ma túy, với quy mô ngày càng lớn hơn, tinh vi hơn, phức tạp hơn. Trong nước tiềm ẩn nhiều tổ chức manh động, phức tạp và tinh vi. 

Hiện trong nước đang có 80 tụ điểm và gần 1.500 điểm phức tạp về ma túy. Tổng số người nghiện có hồ sơ quản lý là 240.000 người, tăng 30% so với năm 2018, thực tiễn thì có thể tăng hơn.  

Xu hướng người dùng ma túy tổng hợp tăng nhanh, ước tính có đến 40-50% tổng số người nghiện ma tuý sử dụng  ma túy tổng hợp, cá biệt có một số tỉnh lên đến 90%. Hiện có khoảng 67,5% người nghiện ma túy đang sống ngoài cộng đồng, xấp xỉ 30% đang sống trong các trung tâm cai nghiện và các cơ sở do Bộ Công an quản lý.

Ngoài ra có khoảng 30 loại chất ma túy mới chưa có trong danh mục đã vào Việt Nam, các chất ma túy như cỏ Mỹ, nấm, tem giấy, thuốc thần… gây ra tình trạng ảo giác, ảo thanh, rối nhiễu tâm trí, rối loạn tâm thần, ngáo đá… cao gấp 9-10 lần ma túy bình thường.

Ông Dung đề nghị tăng cường quản lý, giáo dục giới trẻ. Bên cạnh đó, cần đồng bộ 3 nhóm cai nghiện, kể cả cai nghiện gia đình, cộng đồng, cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc. Không nên quá nhấn mạnh giải pháp, mô hình nào, tùy theo tình hình địa phương để vận dụng cho phù hợp, bởi không có một mô hình nào là khả thi nhất trong tình hình hiện nay.

Đọc thêm