Những chỉ tiêu tại văn bản này được căn cứ trên cơ sở các nghị quyết của Chính phủ, theo đó, BHXH Việt Nam đặt mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH năm 2019 đạt tỷ lệ bao phủ 32,3% lực lượng lao động toàn quốc. Tỷ lệ này sẽ nâng dần lên 33,9% vào năm 2020 và 35,6% vào năm 2021.
Về phát triển BHTN, tỷ lệ bao phủ trong lực lượng lao động toàn quốc lần lượt cho các năm 2019, 2010, 2021 là 27,3%, 28,6% và 29,8%. Để đạt mục tiêu này, BHXH Việt Nam đã giao chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHTN cụ thể cho từng tỉnh, thành phố căn cứ vào điều kiện, đặc thù địa phương. BHXH các tỉnh, thành phố căn cứ chỉ tiêu được giao, tham mưu với UBND trình HĐND cùng cấp thông qua chỉ tiêu thực hiện BHXH, BHTN trong chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội hàng năm.
Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ dữ liệu với các sở, ngành liên quan, thanh tra, kiểm tra để phát triển đối tượng, xử lý tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHTN. Định kỳ 6 tháng, BHXH các tỉnh, thành phố tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu BHXH, BHTN được giao tại địa phương; báo cáo, đề xuất BHXH Việt Nam kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Đặc biệt, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố đề xuất ngân sách địa phương và huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ thêm cho người dân tham gia BHXH tự nguyện; tăng cường công tác tuyên truyền, mở rộng mạng lưới đại lý thu, bảo đảm mỗi thôn, bản, tổ dân phố có ít nhất 1 điểm thu BHXH tự nguyện.
Theo BHXH Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm, có thêm 35.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Một số địa phương vận động được nhiều người tham gia BHXH tự nguyện như Sóc Trăng, Ninh Thuận, Hưng Yên, Bến Tre, Kon Tum. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương khác, con số này lại giảm như Đồng Nai, Bạc Liêu, Phú Yên, Đà Nẵng...