Việt Nam đã nên nới lỏng mức sinh?

(PLO) - Dự thảo Luật Dân số đang được Bộ Y tế lấy ý kiến hoàn thiện. Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm nhiều hơn cả là quyền lựa chọn về số con của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân. Nếu duy trì mức sinh thấp, Việt Nam có đi vào “vết xe đổ” khó khắc phục như một số nước trên thế giới? 
Ảnh minh họa
Xung quanh vấn đề này, PLVN đã trao đổi với ông Nguyễn Đình Bách, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), thành viên Ban soạn thảo.
Có ngoại lệ với những trường hợp lấy chồng/vợ nước ngoài?
Thưa ông, 10 năm trở lại đây nước ta đang duy trì mức sinh ở tỷ lệ  thấp và bắt đầu bước vào thời kỳ già hóa dân số, dẫn tới nguy cơ giảm số dân ở độ tuổi lao động. Có ý kiến cho rằng, thời điểm này chúng ta nên nới lỏng quy định về mức sinh, bởi theo kinh nghiệm của các nước thì giải quyết vấn đề mức sinh thấp sẽ khó khăn hơn khi phải giải quyết mức sinh cao. Quan điểm của ông như thế nào?
- Hiện nay chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi nhân khẩu học, vì thế chính sách dân số cũng cần thay đổi cho phù hợp. Nếu như trước đây nước ta chỉ tập trung vào vấn đề giảm sinh thì đến nay chúng ta đã đạt được mức sinh thay thế (duy trì gần 10 năm nay). 
Có nghĩa là, thay vì giảm mức sinh, bây giờ chúng ta điều chỉnh mức sinh để duy trì mức sinh thay thế. Mục tiêu chung là phấn đấu trong phạm vi toàn quốc, trung bình mỗi cặp vợ chồng có 2 con và tại Chiến lược dân số - sức khỏe sinh sản đến 2020, phấn đấu mỗi cặp vợ chồng trung bình có từ 1,8 đến 1,9 con là lý tưởng. 
Tuy nhiên, do kết quả công tác dân số của chúng ta đến thời điểm này không đồng đều giữa các vùng  miền, có những vùng cao, vùng khó khăn vẫn chưa đạt được mức sinh thay thế, vì thế ở những vùng này chúng ta vẫn phải tiếp tục thực hiện các chính sách để giảm mức sinh, dần đưa về mức sinh thay thế. 
Đối với những tỉnh đã duy trì được mức sinh thay thế (từ 1,9 đến dưới 2,1) thì tiếp tục duy trì mức sinh như hiện tại, đồng thời tập trung các chương trình, dự án để từng bước nâng cao chất lượng dân số và gắn công tác dân số với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. 
Đối với một số tỉnh đạt được mức sinh thấp (trước đây là 1,4 và hiện nay phấn đấu lên 1,6) thì phải có chính sách để mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con. Chính bởi vậy, công việc này là một quá trình, chúng ta phải tiếp tục điều chỉnh. Điều chỉnh để làm sao trong phạm vi toàn quốc đạt được mục tiêu chung là duy trì mức sinh thay thế trung bình từ 1,8 đến 1,9 con cho mỗi cặp vợ chồng. 
Thời gian gần đây có hàng chục vạn người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài và con số này sẽ còn tăng lên trong quá trình hội nhập. Vậy, để phù hợp với luật pháp quốc tế, chính sách dân số của chúng ta trong thời gian tới có nên quy định những trường hợp ngoại lệ với những gia đình của các cặp vợ chồng nói trên khi họ muốn sinh nhiều con?
- Vấn đề quốc tịch của người Việt Nam lấy chồng (vợ) nước ngoài sẽ có hai trường hợp xảy ra. Thứ nhất, sau khi lấy chồng (vợ) nước ngoài, họ sẽ đăng ký quốc tịch theo nước của chồng (vợ) mình, nhưng cũng có trường hợp sau khi lấy chồng (vợ) nước ngoài, họ vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.
Đối với pháp luật Việt Nam hiện hành, chúng ta không có chế tài xử lý đối với người dân khi họ sinh từ 2 con trở lên (mặc dù sinh 1 đến 2 con đang nằm trong chính sách vận động của Đảng và Nhà nước). Vì thế, với những người lấy chồng (vợ) nước ngoài mà sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, dù họ là công dân Việt Nam thì những cá nhân này cũng không chịu một chế tài xử lý nào đối với việc sinh nhiều con. 
Ngoài ra, những người Việt Nam đã lấy chồng nước ngoài và nhập quốc tịch của nước ngoài thì họ phải tuân thủ luật pháp của những nước mà họ là công dân. Tôi biết hiện nay một số nước có cô dâu Việt Nam sinh sống nhiều như Hàn Quốc thì nước này lại đang khuyến khích sinh. Thậm chí trong vòng 5 năm, Hàn Quốc đã chi đến 110 tỷ đôla để khuyến khích nâng mức sinh lên nhưng đến thời điểm hiện nay, mức sinh của nước này vẫn chưa vượt ngưỡng 1,3.
Hậu quả giảm sinh sẽ khó xảy ra
Như ông vừa nói, hiện một số nước trên thế giới như Hàn Quốc, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản… đang lâm vào tình trạng già hóa dân số do duy trì mức sinh thấp trong thời gian khá dài, dẫn đến việc mức sinh giảm xuống trầm trọng. Vậy ông có lo ngại Việt Nam sẽ đi vào “vết xe đổ” của các nước này nếu chúng ta tiếp tục duy trì mức sinh thấp?
- Đúng là cho đến thời điểm hiện nay, trên thực tế hầu như chưa có nước nào thành công trong vấn đề tăng sinh. Việt Nam chúng ta có thuận lợi hơn vì chúng ta là người đi sau nên đã nhìn được các bài học của những nước đi trước để kịp thời điều chỉnh, cho dù mức sinh chung hiện nay của chúng ta là 2,08. Nếu chúng ta không điều chỉnh ngay từ bây giờ thì mức sinh sẽ theo đà đi xuống, các chính sách điều chỉnh mức sinh sắp tới sẽ chính thức được đưa vào Dự thảo Luật Dân số. Bởi vậy tôi tin rằng hậu quả sẽ khó xảy ra, nếu có cũng không nặng nề như các nước khác.
Ông Nguyễn Đình Bách, Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế)
Đối với các tỉnh hiện nay mức sinh đã xuống thấp thì chúng ta cũng không quá bi quan, vì nó mới xảy ra và chúng ta đã phát hiện kịp thời, đặc biệt là ở các địa phương này cũng đã có các chính sách, thông điệp để từng bước nâng mức sinh trở về mức sinh thay thế. Ví dụ như TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam bộ, trước đây mức sinh duy trì ở con số 1,46 nhưng đến năm 2014 đã nâng lên 1,6. Bằng biện pháp tuyên truyền giáo dục và các chính sách khuyến khích phù hợp, tôi tin những tỉnh có mức sinh thấp hiện nay sẽ không tụt xuống quá thấp và vẫn có thể điều chỉnh lên mục tiêu chung mà chúng ta phấn đấu là 1,8 đến 1,9 con. Vấn đề là chúng ta phải có những giải pháp đồng bộ.
Dự thảo Luật không có chế tài
Ngoài việc duy trì mức sinh cao, tại một số tỉnh vùng sâu, vùng xa vẫn còn tồn tại nhiều hành vi vi phạm pháp luật về dân số nhưng chưa được điều chỉnh kịp thời. Và theo Ban soạn thảo, một trong những lý do cần thiết để ban hành Luật Dân số đó là Pháp lệnh Dân số hiện hành không có các chế tài xử lý hành vi vi phạm. Tuy nhiên, tại Dự thảo Luật Dân số mới đây nhất, nhiều người vẫn thắc mắc khi không hề có chế tài đối với những hành vi vi phạm, thưa ông?
- Thực tế ở một số  tỉnh vùng cao hiện nay tỷ lệ sinh vẫn duy trì ở mức cao, tổng tỷ suất sinh chưa đạt được mức sinh thay thế, vì thế chúng ta phải tiếp tục duy trì chính sách giảm sinh bằng ba trụ cột vẫn làm từ trước tới nay và đã đạt được hiệu quả. Đó là đề cao chính sách tuyên truyền, vận động, bởi bản chất của chính sách dân số của chúng ta là một cuộc vận động phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau. 
Hiện nay chúng ta đang thực hiện chính sách truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi, tức là căn cứ vào từng nhóm đối tượng cụ thể để đưa ra các thông  điệp và chính sách phù hợp nhằm giúp họ tự nguyện thực hiện kế hoạch hóa gia đình, dần dần đưa mức sinh về 1 đến 2 con. 
Việc một số ý kiến cho rằng trong Dự thảo Luật Dân số không có chế tài xử lý, thực ra không phải là chúng ta không có chế tài mà trong các văn bản quy phạm pháp luật, chúng ta sẽ đưa ra các quy định cụ thể thuộc về trách nhiệm hoặc thuộc về vấn đề bị nghiêm cấm, còn các hình thức xử lý như thế nào đã có những văn bản pháp luật riêng như các Nghị định, Thông tư  điều chỉnh. Hiện chúng ta đã có Nghị định 176 về xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế, trong đó có vấn đề dân số và những hành vi vi phạm đã được cụ thể hóa từ Điều 82 đến Điều 88 tại Nghị định này. 
Pháp lệnh Dân số hiện nay đang thiếu các quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân. Vì thiếu các quy định cụ thể đó nên sau này chúng ta khó xây dựng các chế tài xử lý bằng các văn bản quy phạm pháp luật khác. Trong dự thảo Luật lần này, những vấn đề thuộc lĩnh vực vận động thì chúng ta không thể đưa ra chế tài, nhưng đối với những vấn đề thuộc về quy định cấm thì chúng ta vẫn phải xử lý thông qua các văn bản hướng dẫn. 
Trân trọng cám ơn ông!
Những quy định “tréo ngoe” liên quan đến chính sách dân số
- Khoản 1 Điều 43 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989 quy định có tính chất khuyến khích về số con cho các cặp vợ chồng: “Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có từ một đến hai con” thì Khoản 2 Điều 1 Pháp lệnh Sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số năm 2003 quy định có tính chất “bắt buộc” về số con cho mỗi cặp vợ chồng, cá nhân: “Mỗi cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định số con, thời gian sinh con; sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”.
- Khoản 1 Điều 44 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989 quy định không có điều kiện ràng buộc về điều kiện phá thai của phụ nữ: “Phụ nữ được quyền nạo thai, phá thai theo nguyện vọng…” thì Khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh Dân số 2003 quy định: nghiêm cấm phá thai vì lý do lựa chọn giới tính.

Đọc thêm