Việt Nam đi đầu trong lộ trình thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ

(PLO) - Tại Diễn đàn liên minh các đối tác về sức khỏe phụ nữ và trẻ em diễn ra tại Johannesburg, Nam Phi, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 quốc gia trên thế giới đang đi đầu trong lộ trình thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về sức khỏe phụ nữ và trẻ em.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại diễn đàn
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại diễn đàn
Diễn đàn liên minh các đối tác về sức khỏe phụ nữ và trẻ em do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Diễn đàn các đối tác về sức khỏe phụ nữ và trẻ em (Partnership's Forum for Materna and Child health) và nước chủ nhà Nam Phi đồng tổ chức vừa diễn ra từ 30/6 - 1/7  tại Johanessburg, với mục tiêu tăng cường các nỗ lực trên toàn cầu nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) liên quan đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em, cụ thể là: Giảm tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi; giảm tử vong bà mẹ và tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản.
Hội nghị có sự tham gia của hơn 1000 đại biểu đến từ hơn 60 quốc gia trên thế giới, trong đó có các lãnh đạo cấp cao của quốc gia, 27 Bộ trưởng Bộ Y tế của các nước và các bộ ngành liên quan, Tổng Giám đốc WHO, UNFPA, UNICEF, Giám đốc quỹ toàn cầu và các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển trên toàn thế giới.
Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến được mời là một trong 5 Bộ trưởng Y tế đã đạt được kết quả ấn tượng trong việc thực hiện MDGs có phần tham luận với chủ đề: “Các yếu tố thành công trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em: Bài học kinh nghiệm từ một số quốc gia thành công trong việc thúc đẩy tiến độ giảm tử vong bà mẹ và trẻ em”.
Trong phần tham luận của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấm mạnh đến những yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của Việt Nam trong quá trình thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ trong đó có các mục tiêu liên quan đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em, là sự ủng hộ mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ thông qua việc ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật, hỗ trợ bằng các chương tình mục tiêu quốc gia; sự phối hợp chặt chẽ của ngành Y tế với các Bộ, ban, ngành liên quan. Đồng thời tranh thủ hợp tác với các tổ chức quốc tế và xây dựng mạng lưới y tế, nhân viên y tế đến tận thôn, bản.
Bằng chứng là trong thời gian qua, Ngành y tế Việt Nam đã triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm tăng cường hệ thống y tế, tăng cường chất lượng dịch vụ, lồng ghép các chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu đặc biệt là đối với bà mẹ và trẻ em như: tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng tại cộng đồng,…Tính trong vòng 20 năm, tỷ lệ tử vong bà mẹ giảm hơn 3 lần; tỉ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm hơn 2 lần, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 41% năm 1990 xuống còn 15.3% năm 2013.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại diễn đàn
 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại diễn đàn
Phần tham luận của Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam đã được Hội nghị đánh giá cao và Việt Nam được coi là quốc gia điển hình để chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia khác, đặc biệt là với mô hình hợp tác Nam – Nam.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, song Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiểu thách thức, trong đó có sự khác biệt giữa các vùng miền, nhóm dân cư. Chính vì vậy, cần phải nỗ lực hơn nữa để có thể đạt được mục tiêu vào năm 2015, khi quỹ thời gian không còn nhiều. Bên cạnh đó, cần có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính Phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hợp tác đa ngành hiệu quả, chặt chẽ mới có thể đạt được mục tiêu và duy trì thành quả mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua.

Đọc thêm