Theo các dự đoán của Liên Hợp quốc (LHQ), số người dân ở độ tuổi lao động của Việt Nam sẽ bắt đầu giảm xuống nhanh chóng sau năm 2035.
Quan trọng hơn, Việt Nam đã đạt tới điểm ngoặt trong quy mô dân số già năm 2015. Số lượng người Việt Nam trên 65 tuổi sẽ tăng từ 6,3 triệu người hiện nay tới trên 18 triệu người vào năm 2040, chiếm tới hơn 18% số dân và biến Việt Nam từ một xã hội trẻ thành một xã hội già.
Sự giảm sút số dân ở độ tuổi lao động sẽ khiến động lực chủ yếu cho tốc độ tăng trưởng nhanh chóng theo đầu người tại Việt Nam giảm xuống, đồng thời đưa đến nhu cầu phải cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và các nguồn tăng năng suất khác để có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ.
Xu hướng già hóa dân số này cũng sẽ tạo áp lực ngày càng gia tăng lên hệ thống hưu trí và y tế, từ đó tạo thêm những thách thức lên nguồn tài chính quốc gia. Bên cạnh đó, vấn đề hệ thống chăm sóc cho người tuổi cao sức yếu cũng sẽ sớm trở thành một mối quan ngại lớn.
Để giúp giảm nhẹ hậu quả của xu hướng trên, Việt Nam cần có những thay đổi về chính sách và hành vi trong xã hội như mở rộng hệ thống hưu trí để bao phủ phần lớn dân số, hạ thấp độ tuổi thích hợp tham gia bảo hiểm xã hội, có các chính sách để hệ thống y tế chăm sóc tốt hơn dân số đang già hóa, thực hiện các biện pháp để tăng lực lượng lao động…