Hocquard là một bác sĩ đã theo đạo quân viễn chinh Pháp vào Hà Nội và lưu lại đây từ tháng 1/1884 đến tháng 5/1886, trong cuốn sổ ghi chép “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ”, ông tỏ ra rất thú vị khi quan sát một nghề kiếm sống trên đường phố ở đây và viết: “Thú vị nhất trong các nghề ngoài trời đó là những chú thợ cạo - ngoáy tai và những người tẩm quất”.
Hành nghề ở kinh đô
“Nghề của anh ta là làm vệ sinh cho bộ phận nằm ở bên đầu của những người qua lại hay cho những ai cho gọi anh ta đến làm tận nhà nếu như muốn kín đáo. Ai đó có lỗ tai như bị ù nhẹ, có phiền toái nào đó trong ống tai hay chỉ đơn giản là muốn có cảm giác dễ chịu thú vị khi được ngoáy tai, thì cứ việc tìm đến anh ta hay cho gọi anh ta đến nhà. Với những dụng cụ của mình, người nghệ nhân này sẽ tách và lấy ra những chất dơ trong ống tai với một sự khéo tay nhẹ nhàng không thể tượng tưởng được. Rồi lấy cái đầu bông nhỏ đưa vào ống tai, quay nhẹ theo động tác của đôi bàn tay, rút ra, thổi bay đi, rồi lặp lại một lần nữa tất cả các động tác như vậy cho đến khi công việc kết thúc.”
Đó là những gì được Michel Đức Chaigneau ghi lại trong hồi ký. Theo ông, thì thợ lấy ráy tai ở Huế tập trung ở một số khu vực, nhưng chủ yếu là phía cổng đông – đông nam (kinh thành Huế). Họ làm việc trong những căn chòi trông như những ki-ốt dựng lên với bốn trụ tre đỡ một mái lợp bằng rơm rạ hay lá khô. Mặt trước trông ra đường có một tấm khung lợp có thể dựng lên hạ xuống, ba mặt còn lại được đóng lại với những khung lợp cố định. Ban ngày tấm khung mặt trước có thể dựng lên chống bằng hai thanh tre.
Đồ nghề gồm có: lọ đựng tăm xỉa răng (?) dài bằng tre với một đầu to bè như một chùm lông đè đập ra, trông tựa như đóa hoa cúc thơm; những lọ sứ khác thì đựng một loạt dụng cụ nhỏ bằng sắt, gỗ hay tre, là những lưỡi dao mỏng chưa mài bén đủ hình thù, những cái kẹp, cái móc, que ngoáy và que tre nơi đầu có một nhúm bông gòn nhỏ. Tất cả những dụng cụ này đếu rất thanh mảnh.
|
(ảnh tư liệu). |
Trong hồi ức của mình, con trai của võ quan Jean-Baptiste Chaigneau (người theo phò vua Gia Long) còn mô tả khá tỉ mỉ về một thủ thuật lấy ráy tai “triệt để hơn” giúp lấy ráy tai một cách an toàn khi mà những dụng cụ không thể với tới hết những ngọc ngách được.
Theo đó, người thợ trải ra trên tấm ván một tờ giấy khá mỏng, trên bề mặt họ sẽ nhỏ vào rất nhiều giọt sáp ong, họ cuộn tờ giấy lại với một chiếc đũa nhỏ để tạo một ống thông, rồi cẩn thận đút một đầu vào tai khách hàng làm sao cho đầu mút không bị dẹp đi, họ châm lửa vào đầu ống còn lại bên ngoài như thể thắp một cây đèn sáp. Khi ống giấy cháy được ba phần tư chiều dài thì người thợ rút ra phần ống còn lại, mở tung ra cho khách hàng xem với vẻ tự đắc, như thể muốn cho khách thấy sự cần thiết phải làm thủ thuận như vậy.
Dưới con mắt của một bác sĩ
Sau Michel Đức Chaigneau vài chục năm, bác sĩ người Pháp Hocquard ghi chép về những gì “mắt thấy tai nghe” về “mấy nghề nho nhỏ bản địa” độc đáo trên đường phố Hà Nội. Đó là nghề cạo mặt – lấy ráy tai và nghề xoa bóp.
Không có “cửa hiệu” cố định như ở Huế, những người thợ ở Hà Nội “chọn một góc phố trước một cửa hàng đông khách để hành nghề”, “ký sinh” dưới mái nhà chìa ra phố của một cửa hiệu.
Đồ nghề hết sức đơn giản gồm: một con dao cạo lưỡi ngắn và rộng, sống dày và cực sắc, cắm trong chiếc cán tre, rồi đến những dụng cụ nhỏ đựng trong ống tre để lấy ráy tai: mấy đoạn dây thép một đầu quấn bông, một chiếc nạo giống của châu Âu, một que đồng thau, một đầu gắn viên thủy tinh nhỏ có nhiều tác dụng.
Trong khi Michel Đức gọi họ là “nghệ nhân” thì Hocquard cũng không ngần ngại khi dành cho họ danh xưng “nhà nghệ sỹ”.
Khách hàng người Việt (ít lông mặt) mà như Hocquard gọi là “chỉ có mấy sợi lông lơ thơ và mảnh” nên việc cạo mặt khô rất nhanh. Thợ và khách mỗi người cưỡi một đầu chiếc gỗ dài, đối diện nhau. Râu cạo xong nhanh, thêm mỗi bên thái dương một nhát dao nữa là việc cạo kết thúc. Điều thú vị những vị khách có thể quan sát động tác của người thợ xem “lưỡi dao lướt trên mặt mình” qua một chiếc gương nhỏ cầm ở bàn tay trái.
|
Thời Pháp thuộc, hình ảnh thợ lấy ráy tai được chụp lên con tem. |
Việc lấy ráy tai được Hocquard coi là “quan trọng nhất”. “Hãy xem người thợ chuẩn bị đồ nghề cẩn thận thế nào, thử từng thứ vào ngón tay mình, bố trí cách ngồi cho khách, xem xét ống tai, vành tai từng bên, tóm lại là để tường tận đến từng chi tiết cái vùng mình sẽ thao tác. Bắt đầu anh ta dùng nạo gãi gãi kĩ càng rồi dùng que bông ngáy vài ba cái. Cuối cùng anh ta lùa quả thủy tinh tròn vào tận màng nhĩ rồi thận trong xoay nhè nhẹ. Đây là thời điểm thú vị nhất của khách, cặp mắt lim dim, vẻ thỏa mãn vì khoái cảm hiện rõ trên nét mặt”.
Điều gây ngạc nhiên là không phải đến bây giờ các quán cắt tóc gội đầu 5 bước, 7 bước mọc lên mới có “mát-xa” mặt mà theo như lời kể của Hocquard, điều này đã có từ trăm năm trước. Ông viết: “Bổ túc cho nghề cạo mặt – lấy ráy tai là nghề xoa bóp. Hai loại nghề này chung sống hữu nghị với nhau. Cạo mặt – lấy ráy tai xong là đến lượt xoa bóp. Đó là tiến trình săn sóc bản thân của người An Nam”.
“Việc xoa bóp bắt đầu từ mặt khách hàng. Ngón tay cái của người thợ thận trọng day nhẹ lên mọi chỗ trên khuôn mặt, lắc nhẹ mũi, lắn da lông mày nhiều lần, véo nhẹ dái tai cho thông máu, dùng đầu ngón tay xoa nhẹ nhãn cầu trên hàng mi khép. Tiếp đến là xoa bóp hai tay, xem xét tỉ mỉ từng ngón tay, bẻ cho các đốt xương kêu cùng cục, rồi đến cánh tay, thân mình và đến chi dưới thì xoa bóp mạnh hơn. Cuối cùng anh ta véo nhẹ vào từng bên má bật ra tiếng kêu nhỏ tanh tách khiến khách hàng, dường như đang lơ mơ ngủ, giật nẩy cả mình”.
Thù lao cho người thợ được Hocquard đánh giá là rẻ mạt “tất cả sự phục vụ chu đáo, tế nhẹ diễn ra gần nửa giờ đồng hồ” nhưng chỉ được trả công “sáu đồng kẽm”. Trong khi đó, người thợ ở Huế nếu được “khách hàng trả công hậu hĩnh” thì sẽ tặng cho vị khách vài cái tăm xỉa răng đã tự làm lấy trong những lúc nhàn rỗi; trường hợp với một khách hàng bình thường, anh ta sẽ mặc cả tiền công. Nhưng với quan lại thì dù có bị trả công thấp cũng không được tỏ ra không hài lòng và “vẫn phải gắng gượng tặng vài cái tăm xỉa răng”.