Việt Nam trong ký ức (Kỳ 2): Trăm năm tàu điện Hà Thành

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Háo hức với tuyến tàu điện Cát Linh – Hà Đông đi vào hoạt động, nhiều người Hà Nội xếp hàng từ sớm để được trải nghiệm. Chắc hẳn, trong ký ức nhiều người cao tuổi vẫn còn nhớ tiếng “leng keng tàu điện sớm khuya” thuở trước.
Việt Nam trong ký ức (Kỳ 2): Trăm năm tàu điện Hà Thành

“Thấm thoát cũng hai chục năm rồi. Kể từ ngày những mét đường ray tàu điện cuối cùng trên phố được dỡ bỏ sau khi đã tồn tại vừa đủ một trăm năm. Không ngờ cái giới hạn sinh tử của con người “trăm tuổi” lại áp dụng cả cho tàu điện” - nhà văn Đỗ Phấn đã thảng thốt, đã nuối tiếc u hoài như thế khi viết “Leng keng tàu điện” vào năm 2009.

Tàu điện chạy quanh phố phường

Cố nhà văn Tô Hoài – “thư viện sống” về những chuyện xưa của Hà thành kể về tàu điện trong “Chuyện cũ Hà Nội” bằng bài ca dao vùng Bưởi mà thưở nhỏ nhà văn vẫn cùng bọn trẻ con trong làng nghêu ngao: “Thằng Tây ngồi nghĩ cũng tàu/ Sinh ra đèn máy thắp hoài năm canh/ Thằng Tây ngồi nghĩ cũng sành/ Sinh ra tàu điện chạy quanh phố phường/ La ga thì ở Thụy Chương/ Dây đồng cột sắt tìm được kéo lên/ Bồi bếp cho chí bồi bàn/ Chạy tiền ký cược đi làm “sơ vơ”/ Xưa nay có thế bao giờ/ Có cái tàu điện đứng chờ ngã ba”.

Theo tài liệu của Trung tâm lưu trữ Quốc gia thì, đồ án xây dựng các tuyến tàu điện ở Hà Nội do nhà thầu Krug đề xuất. Trên cơ sơ đồ án này, ngày 24 tháng 1 năm 1896,Toàn quyền Đông Dương Paul Armand Rousseauđã ký nghị định cho mở một cuộc điều tra sơ thảo đồ án xây dựng 3 tuyến tàu điện, lấy “tâm”là Quảng trường Cocotier (nay là quãng Đài phun nước Bờ Hồ Hoàn Kiếm) đi làng Bac Mai Phong (làng Bạch Mai); làng Giấy (Bưởi, Thụy Khuê – Cầu Giấy) và chợ làng Kinh lược (ở Thái Hà Ấp).

Ba năm sau, ngày 4 tháng 5 năm 1899, Toàn quyền Paul Doumer chính thức lập mạng lưới tàu điện gồm 3 tuyến như trên:Tuyến Bờ Hồ - Bạch Maichạy quanh tháp Rùa, đại lộ Francis Garnier (Đinh Tiên Hoàng), đại lộ Đồng Khánh (Hàng Bài), đường Huế (phố Huế) với chiều dài 3690m;Tuyến Bờ Hồ- làng Giấychạy theo các phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Chợ Gạo, Hàng Giấy, đường Quán Thánh và đường làng Giấy đến chợ làng Giấy với chiều dài khoảng 5450m và Tuyến Bờ Hồ - Thái Hàchạy theo phố Hàng Gai, Hàng Bông, Sinh Từ, đường Phủ Thanh Oai (nay là các phố Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn) đến chợ Tân Ấp – Thái Hà với chiều dài khoảng 4070 m.

Leng keng tàu điện, rộn ràng cửa ô...

Leng keng tàu điện, rộn ràng cửa ô...

Anh em nhà Courrret, Krug và Durant được phép xây dựng và khai thác các tuyến tàu điện trên theo các điều khoản ghi trong điều kiện đấu thầu. Ngày 7 tháng 11 năm 1901, nhà thầu đã hoàn thành tuyến số 2 Bờ Hồ-Chợ làng Giấy (vùng Bưởi - nơi lớn lên của nhà văn Tô Hoài) và đưa vào khai thác. Sau đó, tuyến số 1 và tuyến số 3 cũng hoàn thành.

Điệu nghệ nhảy tàu

Vé tàu điện thời xưa như thế nào? Nhà văn Tô Hoài cho biết: Trong tàu ở chỗ cửa bước vào, có một khoang nhỏ, đặt ghế bọc đệm vải sơn cánh dán – nói theo ngôn ngữ là “khoang VIP”, còn lạilà hai hàng ghế gỗ dài đồng loạt. Bởi vậy, trong bài vè tàu điện còn có câu: Năm xu ngồi ghế đệm bông (tức hạng I)/Hỏi mình có sướng hay không, hả mình? Còn vé thường có giá 2 xu.

Tô Hoài kể: “Vừa lên tàu, đã có ông sơ vơ (người bán vé) đeo cái túi cặp da, đến bán vé. Vé đi đâu, Bạch Mai hay lên Bưởi, hay Cầu Đơ, màu vàng, màu xanh, màu hường khác nhau, chẳng cần trông số chữ, không biết chữ, cứ nhìn màu vé cũng biết được số tiền”.

Những chiếc vé thời xưa ghi rất nhiều thông tin, từ hạng ghế đến lưu ý “xem giá vé ở bảng kê giá”. Mặc dù các thông tin chính ghi tiếng Pháp, song phần “giá vé” có thêm các khuyến cáo“kỹ càng” ghi bằng tiếng Việt để chống nhân viên gian lận vé: bắt phải đưa vé lúc trả tiền, lúc xuống đừng trả vé cho sơ-vơ.

Theo nhà văn Đỗ Phấn, tàu điện chạy suốt một trăm năm Hà Nội mà không hề có một thay đổi gì đáng kể về cấu tạo và hình dáng. Vẫn cần tà-vẹt uốn cong lên dây điện trên cao. Vẫn hộp số mười một tốc độ được gạt tay quay bằng đồng vàng mòn nhẵn.

“Ông già vùng Bưởi” Tô Hoài cũng xác nhận thân hình cái tàu điện, toa tàu, đầu tàu, đường ray không thay đổi chỉ có điều khác là ngày trước trước “vắt man” lái tàu đứng chong chỏng suốt ngày như chiếc cột mốc để “quay chiếc tay lái bằng đồng” còn về sau thì có ghế ngồi. Và chính việc lái tàu mở khắc ba thì tàu chạy chậm, mở bảy tàu chạy nhanh đã thành ra tiếng địa phương cứ cái gì “mở bảy”: chạy mở bảy, làm mở bảy, ăn mở bảy tức là “nhanh nhất”.

“Mỗi khi đến ga cuối cùng, người lái tàu rút tay quay mang theo như chiếc khìa khóa khổng lồ. Một chiếc vô lăng phanh cơ giới bằng gang nặng trịch. Trẻ con phải đu cả người lên mà quay độ hơn hai mươi vòng thì tàu dừng bánh. Và núm chuông như nửa quả bưởi gồ lên dưới chân người lái. Cái chuông duy nhất trên đời được “bấm” bằng chân” (Đỗ Phấn).

Hình ảnh tàu điện Hà Nội trên con tem bưu điện đầu thế kỷ 20.

Hình ảnh tàu điện Hà Nội trên con tem bưu điện đầu thế kỷ 20.

Đỗ Phấn cho hay, những người lái tàu thường rất vui tính. Họ cho phép trẻ con thoải mái làm những thao tác trên bàn lái dưới sự kiểm soát của họ. Nhưng đặc biệt không bao giờ cho phép đạp vào chuông. Và trẻ con thì nhớ tiếng chuông của từng bác lái tàu. Đứng trong Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền nghe tiếng chuông tàu điện trên phố Hàng Bài cũng có thể nhận ra tàu bác Thái, bác Liêu, chú Hùng…

Những năm chiến tranh phá hoại, xe điện là phương tiện giao thông chủ yếu của lũ trẻ đi học ở những trường ven đô theo diện sơ tán không chính thức. Một số đứa tiếp tục học lên đến bậc đại học ở các trường Sư phạm, Giao thông, Ngoại ngữ, Thủy Lợi, Tổng hợp vẫn dùng xe điện là phương tiện đi về cho đến tận những năm tám mươi.

Xe điện chạy tốc độ chậm, trẻ con đi học độ nửa năm là nhảy tàu thành thạo. Muộn giờ học, có thể đứng chờ ở những khúc quanh mà lên tàu dễ dàng. Nhảy xuống nguy hiểm và phức tạp hơn. Đám trộm móc túi trên tàu có kĩ thuật “bổ cắm” rất điêu luyện. Tàu chạy tốc độ nào cũng có thể quay lưng lại hướng chạy mà nhảy cắm chân xuống đất “một chạm” im phăng phắc. Chưa từng thấy ở đâu, kể cả trên phim ảnh…

"Thành phố chợt rùng mình thay da đổi thịt bắt đầu từ những năm đổi mới. Như một người vạm vỡ vươn mình đứng dậy rũ tung những phù sa trầm tích vấn vương. Xe điện là lựa chọn đầu tiên cho việc xóa bỏ. Chẳng thể duy trì một phương tiện giao thông chậm chạp và chiếm nhiều diện tích phố phường đến thế. Một nét đẹp chưa kịp thành cổ xưa đã bị phá đi không thương tiếc. Mới hay cái đẹp chả bao giờ quan trọng bằng những thứ khác. Những chiếc cột sắt tán đinh ấp áp bàn tay người thợ phố Lò Rèn dùng để mắc dây cho xe điện chạy đã đem bán sắt vụn. Đó là những chiếc cột có tạo hình thẩm mĩ kì công vĩnh viễn không còn cơ hội làm lại…” - trích “Leng keng tàu điện”, Đỗ Phấn.

Đọc thêm