Viết nên chuyện cổ tích về thành công từ góc bếp, xó nhà

(PLO) - Từ năm 1998, giúp việc gia đình (GVGĐ)  đã được đưa vào Danh mục nghề quốc gia như một loại hình lao động xã hội. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ở nước ta hiện nay, số lượng lao động GVGĐ chưa có con số chính thức. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, năm 2020 có khoảng 350.000 – 400.000 lao động GVGĐ ở Việt Nam. Năm 2013, theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng (GFCD) trên địa bàn Hà Nội, Nam Định, TP HCM, Vĩnh Long, Khánh Hòa, trung bình mỗi một phường có tới 200 đến 1.200 lao động GVGĐ. Tuy nhiên, đến nay, Nhà nước chưa có chính sách việc làm, chương trình đào tạo nghề, chính sách an sinh xã hội cho lao động GVGĐ như những ngành nghề khác.

Thực tế cho thấy, lao động GVGĐ mang đậm nét đặc trưng về giới với 97,8% lực lượng lao động là phụ nữ, hầu hết xuất thân từ nông thôn và có trình độ học vấn thấp. Bên cạnh đó, họ không được đào tạo kỹ năng làm công việc gia đình. Bởi vậy, khi bắt đầu công việc, lao động GVGĐ gặp khó khăn từ việc thích nghi, hòa nhập gia đình gia chủ, kỹ năng cơ bản làm công việc nhà… dẫn đến rủi ro về an toàn lao động cũng như không đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của người sử dụng lao động. 

Một vấn đề khác nữa là quyền được hưởng các chính sách về an sinh xã hội của lao động GVGĐ không được đảm bảo như quyền được chi trả một phần BHYT, quyền được hưởng các chế độ BHXH như lao động các ngành nghề khác. Bà Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng cho biết, bản thân lao động GVGĐ họ quan niệm rằng chính sách an sinh xã hội nói trên là xa vời và chỉ dành cho những ngành nghề khác.

Hầu hết người GVGĐ không có hợp đồng lao động. Ở nước ta hiện nay, hầu hết lao động GVGĐ không được tham gia các khóa đào tạo nghề. Lao động GVGĐ chủ yếu dựa trên kinh nghiệm cá nhân, tư tưởng ăn sâu “nhà ai cũng biết quét, giặt quần áo ai cũng biết vò… Đây là sự bỏ ngỏ lớn của cơ quan quản lý nhà nước về lao động việc làm. Việc không kí kết hợp đồng lao động dẫn đến người GVGĐ không được tham gia, tiếp cận những chính sách an sinh xã hội…

Với những đặc thù trên, của Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng cùng với các đối tác chính là Hội LHPN Hà Nội và Liên đoàn Lao động TP Hà Nội chính thức khởi động dự án “Thúc đẩy quyền của lao động giúp việc gia đình trong việc tiếp cận chính sách an sinh xã hội, lao động và việc làm ở Việt Nam” trong 5 năm (2017 – 2021) để hướng đến ít nhất 1.500 lao động GVGĐ trong địa bàn có thể thực hành quyền và tiếp cận an sinh xã hội, lao động việc làm. Dự án hoạt động trên địa bàn tập trung nhiều lao động giúp việc gia đình như quận Cầu Giấy, Thanh Xuân và Hai Bà Trưng. 

“Thực hiện dự án này, không chỉ giúp cho lao động GVGĐ thực hành quyền và tiếp cận an sinh xã hội, lao động việc làm, mà chúng tôi còn mong muốn những con người vốn bị xã hội xưa nay coi là “con sen, thằng ở” chỉ làm những công việc ở góc bếp, xó nhà có thể viết nên những câu chuyện cổ tích về thành công của riêng mình trong sự nghiệp cá nhân cũng như trong nỗ lực chung đóng góp, xây dựng xã hội” – bà Ngô Thị Ngọc Anh nhấn mạnh. 

Đọc thêm