Vinataba chi cả tỷ đồng để bảo vệ thương hiệu

(PLVN) - Tiêu biểu trong số những thương hiệu Việt Nam phải “đấu đá” khi gia nhập “sân chơi” kinh tế toàn cầu phải kể đến trường hợp của thương hiệu thuốc lá hàng đầu Việt Nam là Vinataba (Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam). Không phải chỉ bị đối thủ chơi xấu mà chính Vinataba cũng có động thái không đẹp tương tự, cần cơ quan chức năng can thiệp để tránh ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam.
Vinataba phải bỏ ra tiền tỉ để bảo vệ thương hiệu
Vinataba phải bỏ ra tiền tỉ để bảo vệ thương hiệu

“Chuộc” thương hiệu bằng tiền tỷ

Mặc dù đã tạo được vị thế và chỗ đứng trên thị trường nhưng Vinataba đã gặp phải khó khăn khi bị các công ty nước ngoài “ăn cắp” thương hiệu nhằm kinh doanh dựa trên tên tuổi của thương hiệu Việt. Trên lãnh thổ Việt Nam, Vinataba đã đăng ký độc quyền và được cấp Văn bằng đối với nhãn hiệu Vinataba vào ngày 19/05/1990, hiện vẫn còn hiệu lực đến năm 2020. Kể từ thời điểm đó, Vinataba vẫn luôn chủ động đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu của mình với lượng lớn các đơn đăng ký Nhãn hiệu tại Việt Nam.

Năm 2001, thương hiệu Vinataba bị một công ty của Indonesia có tên là P.T. Putra Stabat Industri chiếm đoạt trắng trợn bằng việc đăng ký thương hiệu tại nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Asean, thậm chí còn được chấp nhận độc quyền thương hiệu này tại một số nước.

 

Nếu không giành lại được quyền sở hữu nhãn hiệu, Vinataba sẽ không thể xuất khẩu hàng hóa chủ đạo của mình là thuốc lá sang các thị trường lớn và thị trường kế cận như Lào, Campuchia vì sẽ vi phạm luật sở hữu trí tuệ, hàng thật sẽ biến thành hàng giả. Không chỉ thế, danh tiếng của sản phẩm mang thương hiệu Vinataba đích thực sẽ bị ảnh hưởng mạnh vì với việc ở một số nước khác, việc sản xuất thuốc lá mang nhãn hiệu Vinataba được trở nên công khai và hợp pháp, sẽ dẫn đến nguy cơ chính những sản phẩm đó được nhập lậu vào Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp tại thị trường gốc của Công ty Vinataba Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng chính vì nguy cơ cao về mất thị trường, rủi ro danh tiếng bị ảnh hưởng, Vinataba Việt Nam đã quyết tâm giành lại nhãn hiệu này và về cơ bản việc này đã có những thành công nhất định. Tại thời điểm đó, Vinataba Việt Nam cũng có những cơ sở pháp lý nhất định cùng với cơ sở thực tế là sự phát triển và có tiếng của sản phẩm của Công ty này tại các thị trường lân cận. Nhờ đó, Vinataba Việt Nam đã thu lại được một số thị trường quan trọng.

Theo đó, để tìm lại tên tuổi của mình ở những quốc gia trên, Vinataba đã phải bỏ ra khoản chi phí đến 1 tỷ đồng cho việc bảo vệ thương hiệu ở nước ngoài. Sau một năm vất vả với những chuyến đi và hồ sơ chứng minh việc đăng ký thương hiệu từ trước, ngày 24/1/2003 thương hiệu Vinataba cũng đã giành lại được tên tại Lào.

Tại Campuchia, vào tháng 12/2002, sản phẩm Vinataba của Việt Nam cũng được công nhận. Riêng tại thị trường Indonesia, với nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã được công nhận là doanh nghiệp có quyền sở hữu thương hiệu Vinataba. Công ty Putra Stabat do không chứng minh được quyền sở hữu của mình đã buộc phải hủy bỏ các sản phẩm mang thương hiệu Vinataba ở thị trường này.

Đòi “giành” nhãn hiệu Jet và Hero tại Việt Nam?

Ở chiều ngược lại, đến năm 2016, Vinataba lại có hành vi không đẹp với nhãn hiệu Jet và Hero ngay tại Việt Nam của Công ty Sumatra (Indonesia). Cụ thể, ngày 10/3/2016, Vinataba đăng trên website của mình thông tin chính thức về việc “Vinataba đăng ký nhãn hiệu Jet và Hero tại Việt Nam”. Trong thông báo trên, Vinataba nêu quan điểm: “Để bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia và người tiêu dùng tại Việt Nam, Vinataba đã tiến hành nộp đơn đăng ký các nhãn hiệu Jet và Hero tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam”.

Vinataba cho rằng việc đăng ký hai nhãn hiệu này cho Vinataba và hủy bỏ quyền sở hữu nhãn hiệu với Công ty Sumatra  (Indonesia) là dựa theo đúng các điều khoản của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009 và phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Cũng theo Vinataba, việc yêu cầu đình chỉ/hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu Jet và Hero của Sumatra và tự nộp đơn đăng ký nhãn hiệu Jet và Hero dưới tên Vinataba chỉ nhằm mục đích hủy bỏ sự bảo hộ về pháp luật đã cấp trước đây cho Sumatra liên quan đến các nhãn hiệu Jet và Hero tại Việt Nam; ngăn chặn việc Sumatra lợi dụng sự bảo hộ pháp lý này để che giấu hoặc tiếp tay cho hành vi nhập lậu sản phẩm thuốc lá Jet và Hero vào Việt Nam.

Vinataba cho biết trước đó, ngày 25/1/2016, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành 45 quyết định đình chỉ hiệu lực 45 nhãn hiệu Jet và Hero với lý do các nhãn hiệu này không được sử dụng tại Việt Nam trong vòng 5 năm liên tục. Trong 45 nhãn hiệu bị đình chỉ có đến 41 nhãn hiệu Jet và Hero được đăng ký dùng cho các sản phẩm không liên quan đến thuốc lá. Ví dụ như cồn, giấy nhóm lửa, bao thuốc lá, gạt tàn, thậm chí cả những sản phẩm như đồng hồ, trang sức, đá quý, chuông...

Thông tin của Vinataba còn cho biết: “Việc đình chỉ hiệu lực nhãn hiệu này là một bước tiến quan trọng của Vinataba trong vụ việc trên, góp phần thúc đẩy việc tiếp tục xem xét và đình chỉ/hủy bỏ hiệu lực các nhãn hiệu Jet và Hero còn lại của Sumatra”. 

Theo bản tin đăng trên website của mình, Vinataba dẫn chiếu Điều 95 của Luật Sở hữu trí tuệ để nói về việc đình chỉ 45 nhãn hiệu Jet, Hero. Theo điều này, “nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng” thì bị chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ.

Tuy nhiên, phân tích các khía cạnh pháp lý, các chuyên gia khi đó khẳng định, vấn đề với thuốc lá Jet và Hero thì không thể áp dụng quy định trên để chấm dứt bảo hộ. Một luật sư cho hay, Điều 95 trên chỉ áp dụng nếu chủ nhãn hiệu “không có lý do chính đáng”. Trong khi đó, việc thuốc lá mang nhãn hiệu Jet, Hero nói riêng và các loại thuốc lá khác đã bị Việt Nam cấm nhập khẩu. Việc cấm nhập khẩu này được xem là tình huống bất khả kháng với doanh nghiệp chứ không phải họ không muốn sử dụng nhãn hiệu này tại Việt Nam.

Trước động thái của Vinataba, Công ty Sumatra đã có văn bản phản đối việc Vinataba có ý định sản xuất hai loại thuốc lá Jet và Hero tại Việt Nam vì đây là thương hiệu của họ. Cụ thể, theo văn bản của Sumatra được Hội Luật gia Việt Nam gửi đến các bộ, ngành thì công ty trên khẳng định họ đang bán hai sản phẩm trên cho các doanh nghiệp Việt Nam như Công ty Cổ phần Dịch vụ sân bay Tân Sơn Nhất, Công ty Thế Kỷ Vàng... để bán thuốc này ở các sân bay và các nhãn hiệu này không phải tác nhân gây ra tình trạng buôn lậu thuốc lá tại Việt Nam. Sumatra cũng cho rằng họ muốn đầu tư sản xuất tại Việt Nam nhưng chưa thực hiện vì Việt Nam có chính sách hạn chế sản xuất thuốc lá.

Vì vậy, Hội Luật gia Việt Nam đã đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo không cấp quyền sở hữu nhãn hiệu Jet và Hero cho Vinataba và đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo dừng lập kế hoạch sản xuất thuốc lá Jet và Hero để tránh bị kiện ra tòa quốc tế, ảnh hưởng đến uy tín Việt Nam.

Chia sẻ về vụ việc, một luật sư từng đảm nhận xử lý vụ tranh chấp giữa Sumatra và một tỷ phú Thái Lan trong “cuộc chiến” giành quyền đối với nhãn hiệu thuốc lá Jet, kể lại rằng cách đây 20 năm Sumatra đã đăng ký nhãn hiệu này tại Việt Nam.

Cùng lúc lại có một tỷ phú Thái Lan thông qua nhà sản xuất thuốc lá tại Campuchia cũng đăng ký. Ông cùng một cộng sự làm cật lực để đưa ra hàng trăm trang bằng chứng về việc Sumatra sản xuất, bán thuốc lá Jet tại Việt Nam trước và nhiều hơn, danh tiếng hơn. Cuối cùng thì Sumatra đã thắng và được độc quyền sử dụng nhãn hiệu này tại Việt Nam, gia hạn tiếp suốt 20 năm về sau.

Đọc thêm