Bước ngoặc từ “tủ sách pháp luật”
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, gia cảnh nghèo túng, nhà nằm sâu trong vùng quê vắng vẻ, đường xá sình bùn, cho nên việc được đi học để biết con chữ đã là một mơ ước lớn lao. Nói chi đến việc lại thư viện đọc sách, càng không có tiền mua sách.
“Thật bất ngờ, vào năm 1998 tôi được một cán bộ về công tác tại đây tặng 30 cuốn sách. Thời điểm ấy, sách báo rất quý hiếm, ở xóm nếu một người nào đó có 10-20 cuốn sách đã là rất quý rồi.” - ông Hưng nói.
Ông Hưng chia sẻ, muốn giúp quê hương thoát khỏi cảnh nghèo nàn, lạc hậu, giúp người dân có một cuộc sống đầy đủ sung túc hơn chỉ có một cách là đọc sách để mở mang kiến thức và áp dụng những mô hình, kỹ thuật mới vào canh tác. Vì thế, tôi càng trân trọng những cuốn sách mà bản thân có được, xem nó là những đứa con tinh thần quý báu.
Tôi quyết định mở “Tủ sách gia đình” phục vụ người dân, cùng chia sẻ kiến thức với mọi người. “Ban đầu tôi chỉ có tổng cộng khoảng 40 cuốn sách, sau đó khi thấy được sự nhiệt tình và quyết tâm của tôi, Phòng Tư pháp huyện đã hỗ trợ thành lập “Tủ sách pháp luật”, tạo ra điểm đọc sách cho người dân khu vực. Đây được xem là một bước ngoặc lớn cho cuộc đời tôi, là động lực thúc đẩy tiếp tục thực hiện những ước mơ mà bản thân ấp ủ bấy lâu nay mở thư viện cho người dân” - ông Hưng bày tỏ.
Thấy được nỗ lực của ông, người dân, chính quyền địa phương, các tổ chức, nhà xuất bản sách, trong đó có Phòng Tư pháp, Nhà xuất bản Giáo dục Hà Nội, Nhà xuất bản Kim Đồng…cả tổ chức nước ngoài như Quỹ Bình đẳng giới Đan Mạch-Thụy Điển đã mang sách đến tặng gia đình. Để tạo điều kiện tốt nhất cho bạn đọc ông đã cải tạo quán cà phê để tích góp xây dựng trở thành “Thư viện tư nhân Tứ Hưng” để phục vụ chung cho người dân.
Sách do Quỹ Bình đẳng giới Đan Mạch-Thụy Điển tặng. |
Từ vài chục quyển sách ban đầu, đến nay thư viện của lão nông này có hơn 7.000 quyển sách với đầy đủ các lĩnh vực: pháp luật, nông nghiệp, kỹ thuật, văn hóa, văn học, nghệ thuật... và có cả truyện tranh thiếu nhi.
Theo ông Hưng, mỗi ngày có khoảng 12 đến 15 người đến mượn sách và đọc tại chỗ, không chỉ phục vụ cho người dân trong ấp mà còn các ấp, xã ở giáp ranh cũng đến đây đọc hay mượn sách về nhà đọc...Tuy nhiên, gần đây khi công nghệ thông tin, mạng internet phát triển, số lượng người đến thư viện đọc sách có giảm nhưng gia đình quyết duy trì hoạt động của thư viện để phục vụ người dân, nhất là đối với học sinh nghèo.
Đối với ông tôi :“Sách là nơi lưu trữ tri thức, là chìa khóa để gợi mở ra con đường tươi sáng của tương lai. Niềm vui lớn nhất của tôi là giúp được nhiều người dân mở mang kiến thức, các cháu thiếu nhi, nhất là học sinh nghèo.”
Thư viện “không có cửa”
Bà Lời vợ ông Hưng chia sẻ: “Vì gia đình mưu sinh bằng nghề nông, hầu như suốt ngày vợ chồng tôi phải ở ngoài đồng để chăm sóc vườn và rau màu nên không có thời gian túc trực thường xuyên ở thư viện. Trong khi đó, mọi người đến thư viện ngày càng đông nên chúng tôi quyết định dỡ bỏ cửa nhà để người dân có thể tự do vào đọc và mượn sách. Tối đến thì vợ chồng tôi ngủ kế các kệ sách, đến nay tính ra cũng đã gần 20 năm nhưng không bị mất trộm thứ gì.
Bên cạnh đó, gia đình còn nhờ cán bộ thư viện huấn luyện cách quản lý sách nên mỗi thành viên trong gia đình đều có thể quản lý thư viện. Nói về việc có tiếp tục duy trì thư viện trong thời gian tới, bà Lời bộc bạch:
“Mình lập thư viện này chủ yếu để làm phước, ngày trước đời sống khó khăn gấp mấy lần so bây giờ mà còn có thể duy trì huống chi bây giờ cuộc sống đã thoải mái, cải thiện hơn nhiều rồi; thấy con mình nhờ nó mà học giỏi thì mình cũng không tiếc công. Vợ chồng tôi có 7 người con, tất cả đều học giỏi, có việc làm ổn định nhờ vào việc đọc sách ở thư viện tại nhà”.
Từ góc độ chính quyền địa phương, ông Lê Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, (Vĩnh Long) cho biết, mô hình thư viện Tứ Hưng đã đem lại nhiều lợi ích cho người dân trong ấp nói riêng và người dân trong xã nói chung.
Nội quy của thư viện tư nhân Tứ Hưng. |
Đây được xem là nơi để người dân tìm kiếm những thông tin về pháp luật hữu ích cho mình. Nhờ thư viện sách nhiều học sinh được tiếp thêm kiến thức vươn lên học giỏi, người dân được trang bị thêm kinh nghiệm sản xuất. Đồng thời, thư viện cũng là nơi để người dân tụ họp giao lưu trao đổi kinh nghiệm trong kinh doanh sản xuất.
Trong thời gian tới, Ủy ban sẽ tiếp tục hỗ trợ duy trì mô hình này và sẽ nhân rộng tại địa phương, đặc biệt là định hướng hình thành những cụm văn hóa, cụm giáo dục trên địa bàn.
Ghi nhận những đóng góp của Thư viện tư nhân Tứ Hưng trong việc đóng góp văn hóa tại cộng đồng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch đã trao tặng bằng khen cho gia đình.