Ảnh minh họa |
Trung tâm TGPL tỉnh đã tổ chức thực hiện được 16 cuộc TGPL lưu động tại 16 xã và thôn làng có 541 người tham dự. Trung tâm cũng đã cử trợ giúp viên và cộng tác viên là luật sư tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng. Đến nay đã hoàn thành 23 vụ việc, trong đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp 4 vụ, bào chữa 15 vụ, đại diện 4 vụ cho các đối tượng: 5 người nghèo, 2 người có công, 3 người dân tộc, 13 người chưa thành niên.
Tiến hành kiểm tra, nghiệm thu 250 vụ việc được TGPL tại các điểm trợ giúp pháp lý lưu động đặt tại các phòng Tư pháp và các xã trên địa bàn toàn tỉnh. Việc TGPL bảo đảm đúng quy trình thủ tục pháp luật quy định, không có vụ việc nào có sai phạm, không có khiếu nại tố cáo về việc thực hiện TGPL cho công dân.
Đặc biệt, tuyên truyền, giới thiệu, giải đáp pháp luật về đất đai theo chương trình thực hiện Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh, chương trình Câu lạc bộ pháp luật với nông dân của Hội nông dân tỉnh, chương trình tập huấn pháp luật của Sở NN&PTNT, Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ… đã được Trung tâm chú trọng mà con số 2.000 người tham dự đã chứng minh.
Có thể nói, để có được những kết quả đó là do Trung tâm đã sử dụng hợp lý các hình thức trợ giúp, không những đã trợ giúp được cho các đối tượng mà còn tuyên truyền các kiến thức pháp luật đến các đối tượng, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của họ. Mỗi hình thức TGPL đã mang lại những hiệu quả nhất định.
Cụ thể, hình thức tư vấn pháp luật là hình thức TGPL phổ biến, được áp dụng thường xuyên ở tất cả các tổ chức thực hiện TGPL; TGPL lưu động là phương thức TGPL có hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu TGPL của người dân ngay tại cơ sở. Ưu điểm nổi bật của TGPL lưu động là thu hút được nhiều đối tượng tham gia cùng một lúc tại một địa điểm nên bên cạnh việc PBGDPL cho từng đối tượng thông qua các vụ việc cụ thể, Trung tâm đã thực hiện việc PBGDPL qua hình thức nói chuyện pháp luật, giới thiệu văn bản pháp luật mới cho nhiều người tham dự, phát tờ gấp pháp luật, sách hỏi – đáp về các lĩnh vực pháp luật dân sự, hình sự, hôn nhân – gia đình, khiếu nại – tố cáo, đất đai – nhà ở, chế độ chính sách... để qua đó nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân.
Đặc biệt, tại những địa bàn có “điểm nóng” về khiếu kiện thì việc tư vấn, hướng dẫn, giải đáp pháp luật tại chỗ như vậy sẽ giúp “xoa dịu” tình hình, giải tỏa vướng mắc pháp luật của người dân, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự tại địa phương.
PBGDPL qua hình thức tham gia tố tụng ở tỉnh Vĩnh Phúc - như đại diện, bào chữa cho người được TGPL là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự, hoặc để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người được TGPL là người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính… - cũng rất thành công. Việc nắm vững các quy định pháp luật giúp cho bị can, bị cáo và các đương sự khác thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ được pháp luật quy định, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tin tưởng vào sự phán quyết của Tòa án.
Ngọc Huyền