Liên tiếp từ nắng hạn ở Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên; cá chết ở duyên hải miền Trung, giờ lại đến vỡ hồ khai thác titan ở Bình Thuận. Vùng miền nào của đất nước cũng có sự cố liên quan đến môi trường mà tất cả đều do thái độ ứng xử quá khích của con người với môi trường.
Với vụ vỡ hồ lần này, tuy mức độ không lớn, chưa gây thiệt hại về người; nhưng những dấu hiệu sai phạm ban đầu là lời cảnh báo nghiêm trọng về việc quản lý, kiểm tra và xử lý các vi phạm liên quan đến môi trường.
Doanh nghiệp khai thác titan đã đi vào sản xuất khi chưa đủ điều kiện khai thác, vi phạm đến 11 điểm và đã được cơ quan quản lý môi trường địa phương lưu ý, cảnh báo nhưng vẫn vi phạm. Doanh nghiệp này khinh suất đến mức bờ hồ chứa nước chỉ xây bằng cát. Hồ vỡ chỉ sau một trận mưa không lớn.
Chạy theo lợi nhuận, nhiều đơn vị sản xuất đã không tuân thủ, cố tình lách né để xả thải, không thực hiện các quy chuẩn an toàn. Chạy theo tốc độ phát triển, một số ngành, địa phương cũng rộng tay cấp phép và lỏng tay quản lý cho các dự án này tha hồ hoạt động. Những sự cố môi trường không còn là nguy cơ mà đang diễn ra.
Chính phủ đã tạm ngưng chưa cấp phép với dự án ngàn tỉ đô Formosa Vũng Án để rà soát điều kiện sản xuất. Đó là quyết định đúng, hơn thế nữa, cần phải có cuộc tổng kiểm tra rà soát và phải kiên quyết xử lý các dự án có nguy cơ với môi trường trong cả nước.
Ngày 15/6, tại Bình Thuận Nam diễn ra trận mưa ở mức độ trung bình chỉ đủ làm không gian mát mẻ sau chuỗi ngày nóng bức.
Thế nhưng, rạng sáng 16/6, hồ chứa nước khai thác titan của Công ty Tân Quang Cường (xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) bất ngờ vỡ khiến một lượng lớn bùn đỏ tràn ra ngoài.
Hồ nước này nằm trên đồi cát trên cao nên khi bị vỡ, nước đã tràn xuống, cuốn theo khối lượng cát, bùn đỏ khổng lồ đổ xuống chân đồi, cát vùi lấp nhà cửa, đường xá.
Xây bờ hồ bằng cát
Một đoạn đường nhựa ven biển Tân Thành - Thuận Quý dài khoảng 300m, bị ngập dày đến nửa mét. Đoạn đường bị cát vùi lấp gần như tê liệt. Chủ một dự án resort cho biết lũ cát ập xuống rất nhanh đã làm hư hại vườn lan và cuốn sạch cả ao cá cùng một số vật dụng ra biển.
Thiệt hại ước tính khoảng một tỷ đồng. Lượng cát đỏ khổng lồ bị cuốn chảy tràn ra biển Thuận Quý và nhuộm đỏ nước biển ven bờ khoảng 2km.
Dự án khai thác khoáng sản titan của Công ty TNHH Thương mại Tân Quang Cường có diện tích 507ha.
Chiều 16/6, sau khi đi khảo sát hiện trường về, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết: “Hồ chứa nước khai thác titan bị vỡ có sức chứa khoảng 180m3 nhưng bờ hồ chỉ đắp bằng đất cát, không kiên cố”.
Trong sáng 16/6, ông Hòa cùng với các cơ quan chức năng đã đến hiện trường xem xét xử lý vụ việc. Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) Bình Thuận, cho biết, khu mỏ khai thác titan của Công ty Tân Quang Cường được Bộ TNMT cấp phép vào năm 2015. Tuy nhiên đến nay, công ty vẫn chưa làm đủ các thủ tục để đủ điều kiện khai thác titan.
Để có hướng xử lý vụ việc, UBND tỉnh ra công văn hỏa tốc gửi Sở TNMT tiến hành kiểm tra, có biện pháp khắc phục hậu quả tràn cát, ổn định tình hình trật tự tại địa phương, báo cáo tình hình thực hiện hồ sơ thủ tục dự án khai thác titan và làm rõ có hay không việc khai thác titan của Công ty thời gian vừa qua. Nếu phát hiện có hành vi vi phạm thì kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
Điểm lại bước đầu các hoạt động kiểm tra quản lý trước đây cho thấy Tân Quang Cường đã có nhiều vi phạm. Ngày 9/11/2015, đoàn kiểm tra của Sở TNMT sau khi kiểm tra thực địa tại dự án khai thác titan từng đề nghị Công ty dừng thi công các trạm bơm, tuyến dẫn nước cho đến khi có giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Tiếp đó, vào ngày 18/11/2015, Phòng Tài nguyên nước và khí tượng thủy văn của Sở này có báo cáo gửi Giám đốc Sở nêu rõ:
Ngày 9/11/2015, Phòng đã tham gia kiểm tra thực địa và họp thẩm định hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác, sử dụng nước mặt của Tân Quang Cường, kết quả 100% thành viên hội đồng không thông qua hồ sơ đề nghị cấp phép.
Nhiều cảnh báo vẫn cứ vi phạm
Công ty này còn dấu hiệu vi phạm xây dựng trái phép trạm bơm Suối Nhum khi chưa có giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, thiết kế công trình và hồ sơ đất đai hợp lệ. Khai thác titan trái phép tại nhiều vị trí với tổng diện tích tác động trên 10ha.
Công ty đắp đập ngăn dòng Suối Giêng trái phép để tích nước khi chưa được cho phép. Xây dựng chốt chặn và barie trái phép trên đường vào văn phòng nằm ngoài ranh giới mỏ trong khi chưa có thiết kế và hồ sơ đất đai hợp lệ. Các địa điểm khai thác nước trái phép mà Công ty này thực hiện gồm các khu vực Bàu Mai, Suối Giêng…
|
Liên tiếp nhiều sự cố môi trường đã xảy ra gần đây |
Ngoài ra, Công ty còn tổ chức xây dựng các công trình điện, nước trong và ngoài khu vực khai thác mỏ khi chưa có hồ sơ hợp lệ, hầu hết các công trình khai thác nước xây dựng trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước.
Nghiêm trọng hơn, công ty còn xả thải vào nguồn nước khi chưa có giấy phép, không có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường…
Ông Nguyễn Văn Tám, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên nước và khí tượng thủy văn, cho rằng những hành vi vi phạm của Công ty đã được ông cảnh báo với lãnh đạo Sở: "Trong đó có hành vi chặn dòng Suối Giêng, nếu không xử lý kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản, lợi ích của người dân địa phương”.
|
Liên tiếp nhiều sự cố môi trường đã xảy ra gần đây |
Khu vực này từng xảy ra thảm họa vỡ hồ chứa bùn thải titan tại mỏ Suối Nhum cũng nằm trên tuyến đường ven biển Tân Thành - Thuận Quý làm thiệt hại nhiều tài sản của người dân vào cuối năm 2013.
Các đại biểu HĐND tỉnh khi đó lên nghị trường phản ứng gay gắt về chuyện này, đặt trách nhiệm quản lý với Giám đốc Sở TNMT tỉnh.
Vụ vỡ hồ nước này có thể xem là may mắn khi hậu quả thiệt hại không lớn lắm, nhưng là điều lưu ý cơ quan địa phương trong quản lý các dự án có liên quan đến môi trường. Với tỉnh Bình Thuận, việc kiểm tra, phát hiện sai phạm của dự án này tính ra là khá chặt chẽ.
Vấn đề đặt ra ở đây là cần rút kinh nghiệm vì sao đã phát hiện có quá nhiều vi phạm nhưng cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý để Tân Quang Cường cứ tiếp tục lấn tới?
Cũng cần đặt câu hỏi, tại sao Tân Quang Cường thiếu quá nhiều điều kiện khai khoáng nhưng vẫn được Bộ TNMT cấp phép khai thác?
|
Liên tiếp nhiều sự cố môi trường đã xảy ra gần đây |
Cần có cuộc tổng kiểm tra, rà soát
Những sự cố có liên quan đến môi trường diễn ra dồn dập trong những tháng đầu năm 2016. Không thể xem đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà là hệ quả tất yếu của việc rộng tay cấp phép và lỏng tay quản lý.
Đến nay, sau hai tháng diễn ra vụ cá chết, cơ quan chức năng vẫn chưa kết luận về nguyên nhân và việc cấp phép xả nước thải ngầm của Formosa Vũng Áng là đúng hay sai, doanh nghiệp này có xả chất độc ra môi trường hay không?
Nhưng việc Formosa hoãn ngày khánh thành để chờ xem xét điều kiện sản xuất là tín hiệu đáng mừng cho thấy cơ quan quản lý đã quan tâm hơn đến môi trường.
Thủy điện Sông Tranh vẫn đang mỏng manh trên nền đất yếu thường xảy ra động đất. Các nhà máy nhiệt điện than (điển hình là Vĩnh Tân) vẫn đang thường xuyên thả hàng tấn khói bụi ra môi trường, trong khi các dự án nhiệt điện than khác vẫn đang được tiếp tục xem xét cấp phép.
Dự án Bôxít Tây Nguyên đang dự báo lỗ và được cảnh báo nguy cơ thảm họa môi trường cực lớn vẫn đang tiếp tục được tiến hành.
Đặc biệt, trong năm qua, báo chí đã phát hiện và đấu tranh để tạm dừng dự án lấn sông Đồng Nai, mà theo giải trình của chính quyền địa phương cho rằng đã được xem xét cấp phép đúng quy trình.
Điều này cho thấy, phải chăng chạy theo chỉ tiêu phát triển, các cơ quan chức năng vẫn rộng tay cấp phép và lỏng tay quản lý với các dự án có tác động đến môi trường? Những sự cố cá chết không chỉ ở Vũng Áng mà còn nhiều nơi khác trong nước, sự cố vỡ hồ chứa lần này, khô hạn và ngập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long…. dồn dập gần đây cho thấy thảm họa môi trường không còn là nguy cơ xa xôi mà đang diễn ra và sẽ tiếp tục diễn ra với mức độ nguy hiểm càng cao hơn.
Để ngăn chặn những sự cố này một cách căn cơ, giảm thiểu thiệt hại về người về của và những tác hại lâu dài và sâu xa cho kinh tế xã hội của đất nước, cần có cuộc tổng kiểm tra giám sát về tài nguyên môi trường đối với các dự án đã, đang và sắp được cấp phép.
Không chỉ kiểm tra về thực tế hoạt động, mà còn cần kiểm tra cả quy trình cấp phép, những kẽ hở của các quy định đã để lọt các dự án nguy hại như dự án lấp sông Đồng Nai.
Hơn thế nữa, cần cập nhật kiến thức, thông tin về môi trường của thế giới để nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật về chất thải môi trường. Thảm họa môi sinh và ô nhiễm sẽ không loại trừ ai đang sống trên vòm trời này. Chức trách, thẩm quyền thực hiện cuộc kiểm tra này không ai xứng đáng hơn là Quốc hội. Cử tri mong đợi tân Quốc hội sẽ lưu tâm.