Trưa qua, thông tin anh Nguyễn Thế Hùng (SN 1976) trú tại khu tập thể trường Cao đẳng Đường sắt (Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội) lái tàu SE19 gặp nạn ở Thanh Hóa đã lan truyền khắp khu phố.
Đến 14h30, thi thể anh được đưa về nhà tang lễ BV Đức Giang, đông đủ người thân, hàng xóm đã đến nhà thăm hỏi gia đình.
Anh Hùng là con trai cả trong gia đình có 3 con trai. Gia đình anh có truyền thống làm nghề đường sắt. Bố anh là giảng viên dạy lái tàu trường Cao đẳng Đường sắt, mẹ làm ở Tổng cục Hậu cần, vợ làm tiếp viên trên tàu. Theo nghiệp của bố, anh vào ngành đến nay được 21 năm.
|
Chị Trần Thị Hải Yến nức nở kể về chồng |
Trong căn nhà sâu trong ngõ, chị Trần Thị Hải Yến (SN 1979, vợ anh) ủ rũ ngồi cạnh người thân và đồng nghiệp, chốc chốc chị lại khóc nấc lên khi nhắc về chồng.
Chuyến tàu định mệnh
Anh Hùng đi chuyến tàu SE19 lúc 20h10, còn chị Yến đi chuyến Quảng Bình 1 ngay sau đó lúc 21h35. Rạng sáng 24/5, đang trực trên tàu chị nhận được tin chuyến tàu chồng chị lái gặp tai nạn lật cả toa ở khu gian Khoa Trường, Trường Lâm (Tĩnh Gia, Thanh Hoá).
Chị vội vã đi taxi vào Thanh Hóa, trên đường đi chị vẫn hy vọng chồng không gặp vấn đề gì, làm trong ngành nhiều năm chị biết từ trước đến nay tai nạn đường sắt rất hiếm khi lái tàu bị nạn.
Đến nơi, thấy cảnh tượng tan hoang, chị không khỏi bàng hoàng khi thấy cả đoàn tàu lật khỏi ray, cabin nơi chồng chị ngồi lái bị lật ngang xuống dưới ruộng nước ngập quá nửa. Chị sốc quá, định chạy sang nhưng không được, đồng nghiệp báo anh khó lòng qua được. Chị chỉ được nhìn thoáng qua anh: Anh vẫn ngồi trên ghế, cả cabin đổ ập vào đè người, bên dưới thì bùn nước, nhìn cảnh đó chị xót vô cùng.
Cách nhau cánh đồng, đứng từ bờ bên này chị dõi theo từng giây phút cứu hộ, đến 6h30 sáng thi thể anh được đưa ra.
|
Lái tàu chính, anh Nguyễn Thế Hùng |
Bà Hà Thị Nhinh (66 tuổi, mẹ đẻ anh Hùng) cho biết bà đang ngủ thì con dâu gọi điện báo con trai bà gặp nạn, bà vội gọi người thân tức tốc đi xe vào Thanh Hóa, đến nơi thấy cảnh ngổn ngang mà không thấy con đâu, bà chỉ biết khóc đứng chờ cùng con dâu.
Bà nhớ trước khi đi chuyến tàu này, ở nhà anh chỉ kịp chào như mọi ngày: 'Mẹ ơi, con đi làm nhé", bà cũng chưa kịp đáp lại thì anh đã đi mất.
20 năm vẫn phải ở nhờ nhà bố mẹ
Bà Nhinh buồn bã chia sẻ anh Hùng lương tháng khoảng hơn 10 triệu, vợ anh chỉ khoảng 3 triệu, tích góp lại cũng chỉ đủ nuôi 2 cháu ăn học và trang trải sinh hoạt hằng ngày. Hai gia đình nội ngoại vẫn phải giúp đỡ phần nào.
|
Cabin nơi anh Hùng ngồi lái bị lật xuống ruộng, phải mất nhiều giờ cứu hộ mới đưa được thi thể anh ra ngoài |
Chị Yến kể, với hơn 20 năm lái tàu, chồng chị được đánh giá là người giàu kinh nghiệm, chưa từng gặp sự cố nào. Hai vợ chồng tuy làm chung ngành nhưng lịch hoàn toàn khác nhau, trong đời chị chỉ có 2 lần được làm chung trên một chuyến tàu với chồng.
“Chuyến tàu chồng tôi gặp nạn và chuyến tàu tôi làm việc cũng là 2 chuyến di chuyển gần nhất mà vợ chồng tôi từng làm. Trước chuyến tàu, tôi vẫn đi làm, các con đi học, anh chỉ kịp ăn cơm nguội một mình… đến giờ tôi vẫn không tin là chồng mình đã đi xa”, chị Yến nức nở.
|
Căn phòng nhỏ nơi anh chị sống được bố mẹ cấp cho |
Chị Yến khắc khoải khi nói về chồng: “Anh ấy thương và rất chiều con, lần nào đi làm về cũng mua quà cho con, nhất là đứa con gái. Cháu còn nhỏ nên chưa hiểu hết chuyện, khi tôi thu dọn đồ đạc cho chồng, cháu nói muốn giữ lại để làm kỷ niệm với bố”.
Trước đó, vào 0h30 sáng qua, đoàn tàu khách SE19 do đầu máy 927 kéo, chở theo 407 hành khách, khi đến đường ngang có gác tại Km 234+050, khu gian Khoa Trường - Trường Lâm, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM (Trường Lâm, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đã va chạm với xe tải chở đá BKS 37C-15138.
Vụ tai nạn khiến đầu máy bị đổ và 6 toa xe bị trật bánh khỏi đường sắt, ô tô bị hư hỏng. 2 người tử vong gồm lái tàu là anh Nguyễn Thế Hùng và phụ lái tàu, anh Nguyễn Xuân Đệ (33 tuổi, Hưng Yên). 4 hành khách, 3 nhân viên đường sắt và lái xe bị thương nặng đã được đưa đi cấp cứu.