Tôi và vợ có một tình yêu thanh mai trúc mã. Chúng tôi thuộc thế hệ 8x, lớn lên cùng nhau ở một vùng quê gần thủ đô. Gia đình chúng tôi không giàu, bình thường như bao gia đình khác, không quá khó khăn về kinh tế, cũng chẳng có nhiều của ăn của để. Bố mẹ hai bên đều là cán bộ viên chức bình thường, được gia đình tạo điều kiện ăn học đoàng hoàng, đến nơi đến chốn. Vợ kém tôi một tuổi, mến nhau từ hồi học cấp 3 nhưng phải đến khi cô ấy đỗ đại học lên Hà Nội học hai đứa mới bắt đầu gặp nhau nhiều hơn và dẫn đến tình yêu như một lẽ đương nhiên.
Ngày đó cô ấy rất nhút nhát, sợ mọi thứ, ít nói, dịu dàng, rất ngại giao du chỗ đông người, bạn thân chỉ có vài người. Tình yêu chúng tôi cũng lặng lẽ như bản tính của cô ấy, nó cứ nhẹ nhàng việc nào rồi vào việc đấy. Khi hai đứa ra trường về xin phép hai gia đình tìm hiểu công khai sau một năm thì cưới. Thế rồi chúng tôi được bố mẹ hai bên mỗi người cho một nửa tiền mua một miếng đất nhỏ ở ngoại thành thủ đô và cuộc sống cứ nhẹ nhàng đi vào ổn định.
Chúng tôi có con ngay sau một năm cưới, đây chính là vấn đề. Sau khi đứa con đầu lòng ra đời, tôi thấy sự thay đổi của vợ, cô ấy bắt đầu nói nhiều hơn, nhanh nhẹn hoạt bát. Tôi mừng lắm, để có thêm thông tin về việc nuôi và chăm sóc con nhỏ, cô ấy tham gia nhiều diễn đàn trên mạng và mạnh dạn hơn hẳn. Tôi thực sự rất vui vì gia đình có thêm một thiên thần và vui hơn nữa là sự thay đổi của vợ. Nhưng sự thay đổi này mạnh quá, diễn ra nhanh quá nó làm cho tôi cảm giác không bình thường, tôi chỉ nghĩ như vậy chứ không dám nói ra.
Nhiều khi tôi không nhận ra vợ nữa, ngày xưa ít nói dịu dàng, bây giờ nói nhiều hơn, sôi nổi hơn, tích cực tham gia vào các công việc tập thể. Nói như mấy đứa em tôi vẫn đùa thì vợ tôi mắc hội chứng hồi teen. Rồi cô ấy phát hiện mình có năng khiếu hát hò. Ngày xưa thỉnh thoảng hát nhẹ nhàng tôi cũng thấy khá hay, nhưng bây giờ khi đi hát karaoke mới thấy giọng ca rất hay. Cô ấy say sưa hát, cứ nói đến đi hát là mắt rực sáng, khi cô ấy hát tôi thấy vợ trở thành một người khác, kể cả có tôi ở đó hay không ở đó cô ấy vẫn tình tứ hát sóng đôi với nhiều người. Khi hát vào cô ấy uống thêm bia hoặc rượu và càng hát khỏe.
Tại sao tôi nói sự thay đổi của vợ là có dấu hiệu bệnh lý? Vì cứ mỗi lần đi hát hò uống bia rượu như vậy là sáng sau tỉnh dậy vợ rất mệt mỏi, nhớ nhớ quên quên. Từ ngày đó, mỗi lần cơ quan vợ tổ chức tiệc hay liên hoan gì tôi cũng cố gắng đi cùng để còn hãm lại và chở vợ về. Biết cô ấy thích nên tôi cũng chiều để cho thoải mái hát hò, thể hiện, chỉ cản trở không cho uống nhiều bia rượu.
Cách đây một năm, công ty vợ làm việc có một buổi tổng kết cuối năm. Cũng như mọi năm họ ăn uống xong sẽ lại đi hát karaoke. Mọi năm tôi đưa vợ đi, nhưng năm nay công việc quá bận, dự án tôi phụ trách có tiến độ quá gấp để phục vụ cho tết âm lịch nên không thể đi được, mặt khác con lại ốm. Tôi nói với vợ là thôi ở nhà, chứ đi ai chăm con trong khi tôi đang làm, đến tết âm lịch cơ quan lại tổ chức tôi sẽ đưa vợ đi. Cô ấy buồn, thấy lặng lẽ làm việc nhà, cho con ăn và chấp nhận ở nhà. Thế nhưng cơ quan vợ cứ gọi dồn dập suốt, với họ thiếu một cây văn nghệ nhiệt tình sôi nổi như cô ấy là mất đi 50% niềm vui của buổi tiệc cuối năm.
Thấy vợ cứ ra ra vào vào, bồn chồn như ngồi trên đống lửa tôi cũng không đành lòng, nên cuối cùng bảo cô ấy cứ đi, còn việc trông con ốm để tôi lo. Cô ấy vui như trẻ em được quà chạy bay lên nhà thay quần áo và ra đi, khi đi tôi dặn đi dặn lại không được uống bia rượu và về sớm vì con đang ốm ở nhà mà việc cho con uống thuốc hay chăm con tôi không rành. Cô ấy hứa chỉ đi một hai tiếng rồi về ngay.
22h đêm, rồi 22h30 đêm vẫn không thấy về, tôi bắt đầu sốt ruột, trong nhà chỉ có hai bố con. Gọi điện cho mấy chị ở cơ quan, các chị bảo vừa mới tan về. 23h đêm rồi, tôi thấy bất an trong lòng, gọi điện xin địa chỉ quán karaoke, qua bên hàng xóm nhờ bác trông hộ con rồi phóng xe máy đến đó.
Hỏi lễ tân thì biết mọi người về khá lâu rồi, như miêu tả của họ, vợ tôi bị say rượu, về sau cùng với hai thanh niên trẻ, một người đi xe máy của vợ tôi còn một người đi cùng vợ tôi trên taxi, đi đâu họ không biết. Lại gọi điện và lấy được hai số điện thoại của hai thanh niên, gọi cho cậu đi cùng vợ thấy không bắt máy. Còn gọi cho cậu thanh niên đi xe, cậu ấy đã về đến nhà và mai đem xe ra cơ quan. Tôi phóng nhanh về nhà, điện thoại rung lên, vợ gọi cho tôi. Cô ấy khóc nức nở nói không thành lời. Cô ấy bảo vừa bị hiếp dâm, gặng hỏi mãi mới đọc được địa chỉ nhà nghỉ đang ở.
Tôi như bay, chạy đến đó, lên phòng và thấy cô ấy đang rúm ró trong góc giường, quần áo, tóc tai tả tơi rũ rượi. Tôi đến bên, cố gắng nén nỗi đau ôm cô ấy vào lòng và nhẹ nhàng mặc quần áo cho vợ. Hỏi lễ tân được biết thanh niên đi cùng cô ấy đã đi cách đây 30 phút, lúc đó gần 12h30 đêm. Tôi đưa vợ về nhà, cô ấy ốm liệt giường từ hôm đó.
Gần một tháng, vợ như người mất hồn, khóc thầm và lặng lẽ làm mọi việc trong nhà. Vợ không dám nhìn thẳng vào mặt tôi, cứ như cái bóng làm việc nhà rồi vào ôm con và khóc. Tôi đau lòng tột độ, xử lý thanh niên kia, gia đình hắn đưa lên quỳ trước vợ tôi và tôi van xin tha tội. Qua lời khai của hắn, tôi cũng lờ mờ đoán ra nguyên nhân.
Vợ khi hát uống rượu bia vào vẫn như mọi lần lại tình tứ, hát say sưa không biết trời đất gì. Hắn song ca tới bến với vợ tôi, thấy cô ấy như vậy tưởng là dễ dãi, cộng với có men rượu bia vào thế là làm càn. Nhà đó cũng là gia đình tử tế, bố mẹ là người tốt, đoàng hoàng. Khi biết tin con trai làm việc tày trời, họ đã cố gắng khắc phục hậu quả, còn về phần tôi và gia đình nghĩ chuyện đã rồi nên viết đơn bãi nại. Tuy nhiên, hắn cũng chỉ bị giảm nhẹ tội chứ không thể thoát được và lĩnh án 18 tháng tù giam.
Hậu quả của việc này là một năm qua gia đình tôi thiếu hẳn tiếng cười. Tôi không còn giận vợ nữa, nhưng bảo đã quên hết chuyện xảy ra là tôi nói dối. Giờ tôi đang cố quên, không làm tổn thương cô ấy nên tôi cố làm mọi việc như chưa có gì xảy ra, nhưng có lẽ là làm vụng nên cô ấy cảm nhận được. Cô ấy biết tôi cố làm việc đó nên càng suy nghĩ và khóc nhiều. Tôi thấy vợ hay lên mục Tâm sự này để đọc nên hôm nay viết dòng này với mong muốn vợ đọc được.
“Vợ ơi, việc xảy ra không may, anh sẽ cố quên để gia đình mình cần phải sống tiếp và phải sống vui vẻ hạnh phúc. Mỗi lần thấy em bần thần khóc thầm thực sự làm anh rất đau lòng. Nếu đọc được tâm sự này em nghe anh đi khám bệnh vì với những gì đọc được và quan sát em, anh biết em đang bị trầm cảm nặng”.
Qua câu chuyện của gia đình tôi, mong gửi đến các bạn một lời khuyên, nhất là các bạn gái có gia đình và chưa có gia đình: Tết đang đến gần, việc tổ chức liên hoan sẽ rất nhiều, cố gắng đừng vui hết mình, vui tới bến rồi chẳng may nhận được hậu quả đáng tiếc như gia đình tôi. Các anh chủ doanh nghiệp nếu có thể tổ chức liên hoan cuối năm thì nên tổ chức những bữa tiệc văn minh nhẹ nhàng, tiền còn lại tạo những quỹ phúc lợi cho anh em. Uống rượu bia vào không kiểm soát được bản thân gây tai nạn, gây tội lỗi, lúc đó từ vui sẽ là thảm họa.
(Hoàng)