Bình dị một huyền thoại
Tôi “diện kiến” võ sư “mèo” Lý Xuân Hỷ vào một ngày đầu thu. Lối vào nhà quanh co, nhỏ hẹp. Nhà cấp 4 có phần xưa cũ nằm trong con hẻm nhỏ của thôn Tây Phương Danh, thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn (Bình Định. Từ nụ cười của lão võ sư đến không gian đơn sơ của sân tập đều toát lên sự bình dị, khiêm nhường…
Tôi muốn ghé thăm ông, như để hiểu thêm và đất và người Bình Định, để từ ông, rọi cái nhìn vào lịch sử. Đôi mắt ông chợt vui đó, rồi chợt buồn nhìn xa xăm. Chỉ có duy nhất câu chuyện của ông cứ lặng lẽ chảy, như dòng sông Côn quê ông.
Cảnh nhà của võ sư cũng chẳng khác gì những nhà dân xung quanh. Bởi nghề võ ở quê không đủ để nuôi sống gia đình. Dù nổi danh trong giới võ thuật nhưng cảnh nhà của ông cũng hết sức thanh bần. Ánh hào quang của ngôi nhà có lẽ chỉ hắt lên từ bốn bức tường vôi cũ, ở đó treo vài món binh khí, mấy bức tranh và những tấm bằng khen, huy chương của một thời oanh liệt. Ông nghèo, nhưng chưa bao giờ ông than vãn về sự nghèo của mình. Với ông, võ là nghiệp. Mình chọn võ và võ chọn mình, thế là đủ!
Ông hồn nhiên và nụ cười đã ở tuổi gần bát tuần nhưng vẫn sang sảng, đầy khí phách con nhà võ. Dù là võ sư nổi tiếng nhưng thu nhập chính của gia đình ông vẫn là mấy sào ruộng. Ban ngày, ông vẫn cùng bà và các con trông coi, chiều tối ông lại cũng đám học trò “xoay trần” ra sân nhà luyện võ. Những ngày mùa nhiều việc, học trò mỗi đứa đến giúp thầy một vài công. “Học trò quê nghèo, nhưng tình nghĩa lắm”
Giọng ông tự nhiên nhỏ lại, nói chỉ để cho mình tôi nghe thấy: “Ngày ấy, mỗi lần thượng đài, mấy cô gái mê lắm. Sau đó, họ cứ đi theo hoài. Nhưng khi đó tôi lại sợ mấy trò “mĩ nhân kế” nên họ có mời đi uống nước hay đi chơi tôi cũng không dám đi”. Như để minh chứng cho điều mình nói, ông đứng dậy, kéo tay áo để khoe “con chuột” chắc nịch trên vế tay. Ông cười nói: “Cô xem, gần 80 tuổi rồi mà cơ bắp tôi còn ngon chứ bộ”.
Quả đúng là con nhà võ, đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” mà thân pháp của ông vẫn lanh lẹ, uyển chuyển. Tôi thỏ thẻ: “giờ nghĩ lại bác có tiếc không”. Ông cười khề khà, giọng cười vỡ òa cả chiều thu, nhưng lại nói rất nhỏ: “Nghĩ lại tiếc thiệt”. Nghe tiếng bác gái ở trong bếp. Tôi hiểu tại sao ông lại nói nhỏ vậy! Hai bác cháu nhìn nhau cười.
Võ sư Lý Xuân Hỷ đang biểu diễn bài “Miêu quyền”. Hình: Uyên Thu |
Tôi hỏi: “giờ đánh nhau bác “chấp” được mấy cậu trai trẻ cùng lúc”?. Ông cười hiền: “ Mình già rồi ai nỡ đánh mình cơ chứ”. Tôi vẫn nghe người ta nói câu “học võ để không dùng tới võ” tôi không tin, nhưng khi nghe câu nói chân chất của ông tôi mới hiểu rằng “học võ để làm sao không dùng tới võ, học võ là học làm người “ là ở đây chứ đâu nữa.
Dạo quanh ngôi nhà ông. Bàn thờ tổ vẫn còn khói hương nghi ngút. Vài phong bánh học trò đến tết đầu năm vẫn nằm trong trọng trên ban thờ. Võ sư thỉnh thoảng hút điếu thuốc lá quấn, thở những vệt khói dài, nhìn ông lúc này như một “lão nông tri điền” đích thực. Đất Bình Định là thế, người Bình Định là thế. Cái chất mộc mạc, ấm áp, hồn hậu của võ sư trong cuộc trò chuyện hình như vẫn vây lấy tôi khi đang ngồi viết bài này.
Cái đạo “miêu quyền”
Câu chuyện trong dòng họ kể lại rằng: một buổi sáng ông tổ của ông vô tình nhìn thấy một con mèo nhảy từ cửa sổ xuống đất với sự uyển chuyển, nhẹ nhàng lạ lùng. Từ đó, hàng ngày ông tổ bắt đầu quan sát con mèo từ khi nó mới ngủ dậy. Lúc đó, con mèo đưa hai chân lên mặt vuốt râu, xoa mặt cho tỉnh táo rồi nhẹ nhàng nhảy xuống đất. Sau nhiều lần quan sát như vậy, ông tổ đã sáng tạo ra bài thảo Miêu tẩy diện với những đường thảo mô phỏng theo các động tác mà con mèo rửa mặt.
Qua nhiều thế hệ lần sáng tạo, hoàn chỉnh, bài thảo Miêu tẩy diện có hơn 20 động tác chuyển tải lý thuyết ẩn tàng, di chuyển hết sức nhẹ nhàng, không gây tiếng động song lại là những thế đánh hết sức nguy hiểm đối với đối phương khi bị tấn công.
Ông Hỷ chia sẻ: “Học bài quyền này phải biết lúc nào thì sử dụng trảo như hổ, lúc nào thì dùng ngón điểm chỉ vào tử huyệt đối phương. Chính phong thái nhẹ nhàng làm nên đặc trưng tấn trụ linh hoạt cho người tập luyện”.
Tuyệt kỹ Miêu tẩy diện mang đến cho ông nhiều thành công nhưng cũng không phải không có những xót xa.
Khi được hỏi, trong các thế võ thì thế nào là nguy hiểm nhất? Ông không khoe khoang mà nói rằng “ khi thi đấu đối kháng, không có thế võ nào thắng thế võ nào. Phải làm thế nào để đánh đối phương mà đối phương không tránh kịp. Đó chính là nhờ vào sự lanh lẹ của thân pháp, dùng trí thắng lực”. Có lẽ, điều ông nói đã được minh chứng trong bài thảo tuyệt kỹ “miêu tẩy diện (mèo rửa mặt) mà nó gắn liền với võ đường và tên tuổi của dòng họ Lý.
Từ mảnh vườn này, nhiều thế hệ võ sinh đã trưởng thành. Hình: Uyên Thu |
Ông bắt đầu hoàn thiện hơn bài quyền Miêu tẩy diện bởi cũng theo ông “ võ thắng được hay không còn ở cái đạo”. Bên cạnh việc nghiên cứu những động tác của cha ông, ông còn tự mình nghiên cứu để bổ sung vào đó những tinh túy của tinh thần võ đạo.
Một lần, ông thấy con mèo đang ngồi trên bàn. Ông lấy cây đập nó chỗ này, nó nhanh nhẹn nhảy qua chỗ khác. Từ đó, ông thấy việc tránh đòn của mèo rất hay. Chính vì thế, trong các trận thượng đài sau này, ông chủ yếu tránh đòn của đối phương và chỉ tấn công lại khi “bất đắc dĩ”, nhưng nếu có tấn công thì cũng chỉ là “làm cho ngoại thương chứ tránh nội thương” bởi theo ông “ những người học võ có mấy ai giàu đâu. Mình đánh họ nội thương, họ không có tiền thuốc thang thì chỉ có nước chờ chết”
Trong một cuộc liên hoan võ quốc tế, ông Chủ tịch Hội võ thuật phương Đông, người Nga có hỏi rằng “ở nước tôi, người ta học võ là để đánh nhau. Còn ở nước bạn có phương pháp nào để nhiều người cùng học võ”. Ông trả lời “Võ gia ngũ luyện pháp”. Ngũ luyện pháp là: Phong dạ đăng sơn/ hắc dạ đả quyền/ Nguyệt dạ luyện kiếm/ Vũ dạ cán binh/ trí dạ tọa tĩnh (Buổi tối trời gió lên núi / Đêm tối đánh quyền/ Trăng sáng luyện kiếm/ Đêm mưa đọc kinh/ Dùng trí ngồi luyện thiền). Nghe tới đây, ông chủ tịch nọ cúi đầu bái lạy.
Chiều rơi thật nhanh. Trước khi chào ông ra về, ông còn khề khà khoe rằng: “Trước đây tôi từng làm Phó chủ tịch liên đoàn võ cổ truyền Bình Định đấy, nhưng nghĩ đi nghĩ lại làm võ sư vườn vẫn khoái hơn”. Trong câu nói của ông có gì đó chân chất rất “nẫu” nhưng làm cho người viết bài không khỏi chạnh buồn!
Là “võ sư vườn” bởi ông đều là những người nông dân chân chất, ngày cày sâu cuốc bẫm trên những cánh đồng và đêm lại đổ mồ hôi trên những sàn tập. Ông cứ lặng thầm đóng góp vào nền võ học của Bình Định với võ đường là mảnh sân nằm khuất sau những bụi tre, dưới những bóng dừa bên dòng sông vẫn chảy. Và cái sân ấy, cũng như chủ nhân của nó. Ban ngày dùng phơi rơm rạ, tối đến để dạy học trò.
Đơn giản vậy, chẳng xứng tầm một võ đường đâu nhưng đã bao lớp võ sinh trưởng thành từ mảnh sân ấy. Ông vẫn lặng lẽ sống, hồn nhiên với cuộc sống thanh bần. Ông không coi đó là một nghề mưu sinh vì cuộc sống ở quê vốn vất vả lắm, học trò quê nghèo lắm, khi biếu thầy con cá hay bơ gạo nếp. “Trót đa mang phải đèo bòng”. Võ là một cái nghiệp đủ sức mê hoặc ông suốt một đời.