Dư luận Zimbabwe và quốc tế nhận xét bà Grace Mugabe có ý muốn tiếp nhận chức vụ của chồng.
Đánh tiếng để nhằm kế nhiệm chồng
Tại Đại hội Liên minh phụ nữ của đảng Liên minh Dân tộc châu Phi cầm quyền (Zimbabwe African National Union - ZANU) họp hôm 27/7, trước diễn đàn, bà Grace Mugabe đã phát biểu kêu gọi ông chồng 93 tuổi của mình “hãy nhanh chóng chỉ định người kế nhiệm”.
Bà khẳng định ông Robert Mugabe có quyền chỉ định người kế nhiệm mình và tuyên bố: “Tổng thống, ngài đừng sợ, hãy cho chúng tôi biết sự lựa chọn của ngài, chúng tôi sẽ tuân theo!”. Bà nói: “Tổng thống lựa chọn và chỉ định người kế nhiệm không có gì là sai, ngược lại, sẽ thúc đẩy thêm sự đoàn kết giữa các thành viên trong đảng cùng nhau ủng hộ người được lựa chọn. Sự lựa chọn của Tổng thống là sự lựa chọn cuối cùng!”.
Ông Robert Mugabe cũng đến dự đại hội, nhưng không đưa ra bất cứ phản ứng gì trước yêu cầu của bà vợ. Trước đây, ông từng bày tỏ mình không có quyền lựa chọn hay chỉ định người kế nhiệm và cho rằng việc đó do ZANU quyết định.
Từ sau khi Zimbabwe giành độc lập năm 1980 đến nay, ông Robert Mugabe liên tục đảm nhiệm vai trò nguyên thủ quốc gia; hiện ông là người lãnh đạo tuổi cao nhất ở châu Phi. Đảng ZANU cầm quyền mới đây đã tiếp tục giới thiệu ông là ứng cử viên ra tranh cử tại cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2018 tới đây. Nếu tái đắc cử, khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm, ông sẽ tròn 99 tuổi.
|
Ông Robert Mugabe và bà vợ Grace |
Từ đầu năm nay, báo chí Zimbabwe đã bày tỏ lo ngại về tình trạng sức khỏe của ông Mugabe; sau đó ông đã 3 lần sang Singapore điều trị; tuy nhiên, Văn phòng Tổng thống ra tuyên bố, ông “chỉ đi kiểm tra sức khỏe bình thường chứ không có bệnh tật gì”.
Hiện nay hai phái chính trị đối lập lớn nhất Zimbabwe đang tranh giành chức vụ Tổng thống; một bên là cánh trẻ trong ZANU được sự ủng hộ của bà Grace Mugabe; bên còn lại là những người ủng hộ đương kim Phó tổng thống Emmerson Mnangagwa. Ông Mnangagwa là một cựu binh từng tham gia cuộc chiến tranh giành độc lập của Zimbabwe, đã xuất ngũ, đồng thời cũng là một nguyên lão trong ban lãnh đạo ZANU; những người ủng hộ Mnangagwa cho rằng ông đương nhiên xứng đáng là người kế nhiệm Tổng thống Robert Mugabe.
Grace Mugabe năm nay 52 tuổi là một trong số những đệ nhất phu nhân có ảnh hưởng mạnh nhất ở châu Phi. Trước khi trở thành “Đệ nhất phu nhân Zimbabwe”, bà là một nhân viên đánh máy của văn phòng quốc hội; sau khi kết hôn với ông Robert Mugabe, Robert Mugabe đã thành lập các cô nhi viện, tổ chức từ thiện, trường học, đồng thời kinh doanh nông trang và lập công ty chế biến sữa.
Năm 2014, Grace Mugabe chính thức bước vào chính trường, trở thành Chủ tịch Liên minh phụ nữ của ZANU. Bà tỏ ra là người có tính cách mạnh mẽ, từng công khai chỉ trích các nhân sĩ phe đối lập và khởi xướng phong trào chính trị quật ngã cựu Phó tổng thống Joice Mujuru.
Trong mắt những người ủng hộ ông Robert Mugabe, bà Grace Mugabe là một fan trung thành của ông, đã ngăn cản thành công cuộc chính biến của J.Mujuru, Tháng 2 năm nay, tại một cuộc mít tinh của ZANU, bà Grace Mugabe đã khiến mọi người kinh ngạc với những phát biểu mạnh mẽ đến khác thường: “Sự ủng hộ, hoan nghênh mà mọi người giành cho Robert Mugabe không ai có được. Dù có là một xác chết tham gia tranh cử vào năm tới thì ông vẫn chiến thắng”(!).
|
Lễ cưới của Grace Mugabe và ông Robert Mugabe |
Trước những thông tin về việc này, khi được hỏi ông Robert Mugabe có quyền chỉ định người kế nhiệm hay không? Ông Munyaradzi Paul Mangwana, quan chức phụ trách về pháp luật của ZANU nói: “Điều lệ ZANU quy định rõ: tổng thống không được chỉ định người kế nhiệm. Người nào muốn kế nhiệm phải nộp đơn đề nghị; sau đó trong đảng sẽ bỏ phiếu quyết định qua bầu cử, tổng thống cũng chỉ được bỏ 1 phiếu”.
Có nhà phân tích cho rằng, bà Grace biết rõ ông Mugabe không thể chỉ định người kế nhiệm, nhưng vẫn phát biểu những lời lẽ đó, mục đích chính là nhằm “thả mồi” để xem những ai ủng hộ ông Robert Mugabe rời bỏ ghế Tổng thống và những ai ủng hộ bà. Theo luật định, Zimbabwe sẽ tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 21/7/2018, nhưng do tình trạng sức khỏe không tốt, ông Robert Mugabe rất có thể sẽ tuyên bố tiến hành bầu cử trước thời hạn.
Đệ nhất phu nhân với những rắc rối
Bà Grace Mugabe tên thật là Grace Marufu, sinh ngày 23/7/1965, là người vợ thứ hai của ông Robert Mugabe. Grace Marufu vốn là vợ của Stanley Goreraza – một sĩ quan cơ giới trên không của không quân Zimbabwe, đã có con trai với ông này. Bà là nhân viên đánh máy trong văn phòng quốc hội, rồi đảm nhiệm vai trò thư ký riêng của ông Robert Mugabe. Trở thành người tình của tổng thống, bà đã sinh cho ông 2 người con, một trai và một gái.
Sau khi Đệ nhất phu nhân Sally Hayfron qua đời, năm 1996, Grace chính thức trở thành Đệ nhất phu nhân sau một đám cưới đình đám. Đám cưới này cực kỳ xa hoa, phô trương lãng phí, bị báo chí gọi là “đám cưới thế kỷ”. Sau khi cưới, bà sinh thêm một cô con gái. Do lối sống xa hoa và hay can thiệp vào chính sự nên Grace Mugabe bị báo chí và dân chúng gọi là “Dis Grace” (Grace tiểu nhân).
|
Bà Grace Mugabe |
Sau khi trở thành Đệ nhất phu nhân, Grace Mugabe đã cho xây dựng hai công trình cho riêng mình. Một là “Công viên vui chơi Grace”. Nơi này bị phê phán là quá tốn tiền, nhưng Grace giải thích số tiền đầu tư là của riêng bà chứ không phải lấy từ ngân sách quốc gia; nơi còn lại là công trình chi phí 27 triệu USD hoàn thành năm 2007, ông Robert Mugabe nói ZANU tài trợ để phục vụ mục đích chính trị.
Năm 2002, bà Grace đi thị sát các nông trang khắp cả nước để tìm cho gia đình một trang trại. Cuối cùng bà mua đất của 2 nông dân để lập ra trang trại gia đình, đặt tên là “Iron Mask Estate” (Trang trại Mặt nạ Sắt). Gia đình Mugabe còn có các tài sản ở Malaysia.
Đầu năm 2008, Grace từng bày tỏ muốn đưa các con di cư sang Malaysia, mục đích là tránh áp lực chính trị và thoát khỏi những âm mưu ám sát. Báo chí cũng cho biết gia đình Mugabe còn có nhà ở khu Long Thành, Hoàng Phố, Hongkong – nơi cô con gái Bona đang theo học trường Đại học Hongkong. Báo chí suy đoán, đó là nơi gia đình Mugabe chuẩn bị sẵn để sang Trung Quốc sinh sống phòng khi bị lật đổ.
Trong mắt những người phản đối thì giống như chồng, Grace Mugabe cũng là “kẻ độc tài”, “hoành hành bá đạo”, “sống xa hoa lãng phí”. Bà Grace đã nhiều lần ra nước ngoài vung tiền mua sắm, chỉ một lần tới Paris, bà đã tiêu xài hết 120 ngàn USD cho việc mua sắm; mấy năm gần đây bà đã rút từ Ngân hàng trung ương Zimbabwe số tiền hơn 5 triệu Bảng Anh.
Năm 2009, một nhà báo người Anh đã tố cáo bà sai vệ sĩ đánh đập ông ta. Ngày 15/1/2009, khi sang Hongkong du lịch do bực mình với việc bị đeo bám chụp ảnh, ở trước cửa khách sạn Shangri La, Grace Mugabe đã ra lệnh cho người vệ sĩ quật ngã Richard Jones, phóng viên ảnh của tờ “The Sunday Times” sau đó bà trực tiếp lao vào tấn công người này. Chiếc nhẫn trên tay bà đã gây nên 9 vết thương trên đầu và mặt người phóng viên.
Sau đó, khi bị một phóng viên khác là Tim O'Rourke chụp ảnh, bà đã túm tóc và đấm đá định giật lấy máy ảnh để đập nhưng không được. Sau đó, cảnh sát đến hiện trường điều tra, đưa vệ sĩ của bà Grace đi, nhưng sau đó lại thả ra. Đến tháng 3/2009, sau khi nắm đầy đủ chứng cứ, cảnh sát Hongkong định khởi tố bà, nhưng Thống đốc Hongkong xét thấy, xuất phát từ quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Zimbabwe, bà Grace được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao trên lãnh thổ Trung Quốc nên đã quyết định miễn tố.
|
Tờ bạc mệnh giá 100 tỷ ZD của Zimbabwe |
Việc Bona Mugabe, con gái Tổng thống sang Hongkong du học đã gây nên cuộc biểu tình của sinh viên trường Đại học Zimbabwe ngày 3/2/2009. Cảnh sát đã dùng vũ lực đàn áp khiến 30 người phải nhập viện. Sau đó đông đảo học sinh Zimbabwe đã kéo đến cơ quan ngoại giao Trung Quốc tại Harare biểu tình, đòi đưa Bona về nước học tập trong môi trường giống như họ. Xảy ra tình trạng này là bởi từ năm 2008, các trường đại học của Zimbabwe không thể khai giảng do nạn lạm phát kinh hoàng và kinh tế suy thoái.
Được biết, ở Zimbabwe lạm phát lên tới 11 triệu %, đồng tiền mệnh giá 100 tỉ đôla Zimbabwe (ZD) chỉ đủ mua một ổ bánh mì và tỷ lệ mắc bệnh AIDS vào loại cao nhất châu Phi còn tuổi thọ thì vào hàng thấp nhất thế giới. Tỷ lệ thất nghiệp của Zimbabwe là 70% và ít nhất 80% dân số sống dưới ngưỡng nghèo đói. Mức lạm phát của Zimbabwe tăng hàng năm tới 993,6%, thuộc hàng cao nhất thế giới…/.