Vợ vay nợ, chồng bị siết nhà, trừ lương

(PLO) -Vợ chồng sống ly thân lâu năm, ông Mai bỗng nhận được “trát” tòa về việc liên đới bồi thường trong vụ “vay nợ” của vợ. 
Ông Mai: “Cái sai rành rành vậy mà Chánh án tỉnh còn bao che. Nếu không sai, sao bản án bị hủy”.

Trong lúc ông chờ quyết định giám đốc thẩm bản án thì cơ quan chức năng bán đấu giá ngôi nhà đứng tên ông, trừ lương hưu hàng tháng. Giám đốc thẩm hủy án. Vụ tranh chấp của vợ ông bị đình chỉ nhưng nhà mất, ông đi khiếu nại thì tòa bác bỏ trách nhiệm.

Vội vã thi hành án 

Từ năm 2005 đến năm 2007, vợ ông Lê Thanh Mai (SN 1945, ngụ phường Bửu Long, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) là bà Nguyễn Thị Nầy (SN 1955) vay mượn của 8 người số tiền khoảng 1,5 tỷ đồng, bị các chủ nợ đưa đơn kiện đòi tiền.

Trong thời gian giải quyết vụ án, bà Nầy thừa nhận có nợ tiền và đồng ý trả. Bà Nầy yêu cầu chồng phải liên đới bồi thường vì số nợ bà vay mượn trong thời kỳ hôn nhân, dùng để phục vụ kinh doanh, sinh hoạt cho cả gia đình.

Còn ông Mai phản ánh: “Tôi và vợ sống ly thân từ năm 2002. Tôi sống cùng con gái ở nhà B6 khu tập thể trong Trường công nhân kỹ thuật Giao thông vận tải phường Bửu Long (gọi là trường lái), bà Nầy sống với con gái khác ở ngôi nhà khác.

Thời gian sống ly thân, tôi dùng tiền lương hưu của mình vào sinh hoạt. Với bà Nầy, tôi để lại một sạp tạp hóa ở trong chợ, mỗi tháng thu nhập gần 25 triệu nuôi hai đứa con, một đại học, một học phổ thông. Việc bà Nầy vay nợ của 8 người trên, tôi không hề hay, không biết sử dụng vào mục đích gì”.

Tại tòa, ông Mai yêu cầu bà Nầy đưa ra bằng chứng chứng minh số tiền vay mượn dùng vào sinh hoạt trong gia đình nhưng bà Nầy không đồng ý, hai cấp tòa cũng bỏ qua tình tiết quan trọng này. 

Đáng lưu ý, bà Nầy lúc này số tiền mượn dùng để chơi hụi và sử dụng cho sinh hoạt gia đình vì ông Mai không hỗ trợ. Trong hai bản án sơ và phúc thẩm, tòa đều buộc ông Mai phải liên đới trả nợ bằng cách bán đấu giá căn nhà mà ông Mai mua hóa giá từ 1996, khấu trừ 1 triệu đồng/tháng tiền lương hưu.

Không đồng ý, năm 2009, ông Mai làm đơn đến TAND tối cao đề nghị xem xét giám đốc thẩm. Trong lúc tòa tối cao đã nhận hồ sơ, đang xem xét giám đốc thẩm theo trình tự thì ngôi nhà của ông Mai bị đưa ra bán đấu giá. Ông Mai cho biết căn nhà có diện tích gần 200 m2 đất thời điểm đó có giá hơn 1 tỷ, nhưng chỉ được bán gần 500 triệu.

Năm 2011, TAND tối cao ra Quyết định kháng nghị tất cả những bản án của hai cấp tòa tỉnh Đồng Nai. Bản kháng nghị nhận định:

“Tòa sơ và phúc thẩm cần yêu cầu bà Nầy cung cấp tài liệu chứng minh và tiến hành đối chất giữa bà Nầy và ông Mai để làm rõ số tiền vay mượn được sử dụng vào mục đích gì?

Cấp sơ thẩm, phúc thẩm chưa xem xét làm rõ mà đã căn cứ vào Điều 25 Luật Hôn nhân Gia đình 2001 để buộc ông Mai phải có trách nhiệm liên đới cùng bà Nầy trả nợ cho 8 nguyên đơn là chưa đủ căn cứ vững chắc”. Quyết định nêu rõ hủy án, trả hồ sơ về cấp sơ thẩm xét xử lại.

Quá trình xét xử lại, trong 8 nguyên đơn, có người rút đơn khởi kiện, có người được tòa triệu tập hợp lệ nhiều lần nhưng không đến. Vì thế, Tòa Biên Hòa ra quyết định đình chỉ vụ tranh chấp dân sự.

Quyết định kháng nghị và quyết định đình chỉ vụ án đã có, tuy nhiên ông Mai phải gánh chịu mọi hậu quả xử sai.

Tòa sai, dân lãnh hậu quả

“Các nguyên đơn không còn kiện hoặc không muốn kiện, tòa đình chỉ vụ án. Nhưng sau đó, không một ai đả động đến căn nhà mang bán của tôi. Không ai lên tiếng chịu trách nhiệm trả lại căn nhà hoặc bồi thường thiệt hại”, ông Mai nói.

Trong đơn yêu cầu tòa Đồng Nai bồi thường vì gây thiệt hại, ngoài bồi thường giá trị căn nhà bị bán, ông yêu cầu bồi thường tiền đi lại, khiếu nại, tiền nhà trọ, tổng số gần 600 triệu. Những yêu cầu này bị Chánh án tỉnh Đồng Nai bác bỏ.

Trong kết luận trả lời khiếu nại giữa tháng 7/2014, Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai cho rằng: “Chưa có cơ sở để cho rằng ông Mai không có nghĩa vụ liên đới đến việc trả nợ cùng với bà Nầy cho các chủ nợ.

Vì thời điểm bà Nầy làm ăn, mua bán kinh doanh rồi nợ tiền của các nguyên đơn là trong thời gian hôn nhân. Bà Nầy làm ăn và nợ nần cũng là nhằm để chăm sóc cho gia đình.

Vì vậy, không có căn cứ cho rằng, các thẩm phán bị khiếu nại trong quá trình xét xử 8 vụ án phúc thẩm đã có sai phạm ra Quyết định, bản án trái luật. Không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu bồi thường của ông Mai”.

Ông Mai phản bác: “Trả lời trên của Chánh án là trái với nhận định kháng nghị của Tòa án tối cao. Các thẩm phán đã làm sai, thiếu sót trong việc yêu cầu bà Nầy cung cấp chứng cứ và đồng thời đối chất với tôi về số tiền vay mượn, nhưng vẫn tuyên án gây thiệt hại cho tôi. Cái sai rành rành vậy mà Chánh án tỉnh còn bao che. Nếu không sai, sao bản án bị hủy”.

Từ ngày căn nhà bị bán đấu giá đến nay đã 7 năm, ông Mai và vợ chồng người con trai phải dắt nhau đi ở trọ. Cuộc sống quá bức bách, con dâu ông bỏ đi lấy chồng khác. Nay đồng lương hưu của ông Mai không đủ lo cho cháu, tiền nhà trọ, thi hành bản án và chữa bệnh.

Buồn, bất lực, ông Mai kể về cuộc đời mình. Những tưởng cuối đời được yên bình trong cuộc sống hưu trí, con đàn cháu đống sum vầy. Ông Mai là con trai của Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ông có cha và em trai là liệt sĩ, hi sinh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Bản thân ông cũng là thương binh hạng 3/4, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương kháng chiến.

Cuộc sống của ông có lẽ thay đổi từ năm 1984, khi cưới vợ thứ 2 là bà Nầy. Trong quá trình chung sống, vợ chồng không thuận thảo nên ly thân. Đến năm 2008 ông quyết định dứt khoát hôn nhân, tiến tới ly dị.

“Bà ấy vay tiền phục vụ mục đích cá nhân thì phải tự chịu. Trừ khi bà ấy chứng minh được là dùng tiền lo cho con cái, gia đình, tôi sẵn sàng liên đới trả nợ. Hai năm mà sinh hoạt gia đình hết 1.5 tỷ đồng. Tôi không hiểu tiêu xài cái gì”, ông Mai phẫn uất.

Mới đây nhất, sau nhiều lần kiên trì gửi đơn, ông Mai được Ban nội chính tỉnh ủy mời lên cung cấp hồ sơ vụ việc để xem xét. Người đàn ông tỏ ra vui mừng, “hi vọng công lý sớm được thực hiện”.

Theo một luật sư, ông Mai có thể khởi kiện tòa tỉnh Đồng Nai theo Bộ luật dân sự mới, yêu cầu đòi lại giá trị căn nhà và bồi thường thiệt hại. Còn căn nhà đã bán đấu giá, người mua hợp pháp, ngay tình, thì khó có thể thể trả lại cho ông.

Đọc thêm