Vòng hào quang thiện tâm

(PLVN) - Nghệ sỹ làm từ thiện không phải chuyện xưa nay hiếm mà ngược lại, khá phổ biến và thường xuyên. Tuy nhiên, phải thừa nhận một thực tế rằng việc làm đó ít được đánh giá cao mà còn mang lại những điều tiếng thị phi như một kiểu “đánh bóng tên tuổi, hình ảnh” hoặc “lấy điểm” mà thôi. 
Nghệ sĩ Việt chung tay quyên góp chống dịch Covid-19 và hạn mặn.
Nghệ sĩ Việt chung tay quyên góp chống dịch Covid-19 và hạn mặn.

Thậm chí, ngay trong chính giới nghệ sĩ với nhau, thỉnh thoảng lại rộ lên sự “bóc mẽ” lẫn nhau trong chuyện làm từ thiện, cho rằng người kêu gọi đóng góp “xà xẻo”, “ăn chặn” những đồng tiền thiện nguyện đó. Trước những thông tin này, người phẩy tay cho qua, người dè bỉu chỉ là chuyện “dìm hàng” lẫn nhau nhưng hiệu ứng nghi ngờ do nó gây ra trong dư luận không phải là ít.

Song, lần này khi các nghệ sỹ chung tay chống dịch Covid-19 và giúp đỡ đồng bào vùng bị khô mặn tại Nam bộ thì mọi sự khác đi nhiều. Dư luận không chỉ ủng hộ, xúc động trước tấm lòng nghệ sỹ và nghĩa cử công dân mà còn ca ngợi, trân trọng trước những thịnh tình và sự thiện nguyện đó.

Cũng không phải chuyện gì mới bởi chỉ cần nhìn sang xứ Hàn trong dịch cúm thì thấy sự đóng góp, ủng hộ của giới nghệ sỹ nước này như thế nào. Cả làng Kbiz xứ Hàn “dậy sóng” từ thiện mà báo giới gọi là sự “rung chuyển” các lời kêu gọi và hành động chống dịch, điển hình là nữ ca sỹ IU với những khoản tiền ủng hộ khổng lồ, nhiều lần và bản thân gương mẫu cách ly, từ chối và không tham gia một sự kiện quốc tế âm nhạc hoặc thời trang nào, được vinh danh là “Nàng tiên từ thiện”.

Hoặc khi Vũ Hán lâm nguy thì lập tức các “sao” Hoa ngữ hành động bằng sự thiện nguyện và phát đi thông điệp kêu gọi sự hảo tâm, đồng lòng chung sức và chia sẻ. Ngược lại với thời gian, trong lịch sử thời phong kiến ở nước ta khi xưa, cũng có không ít các trường hợp những cung tần, ca nữ bỏ tiền của ủng hộ, giúp đỡ dân nghèo trong thiên tai hay địch họa.

Các nghệ sỹ của chúng ta đóng góp sức lực và tiền của trong cuộc chiến đại dịch này bằng những hình thức khác nhau. Nhưng có lẽ sự tác động về mặt tinh thần của họ mới mang một ý nghĩa lớn lao, hiệu ứng của thông điệp mà họ gửi tới toàn xã hội mới là đáng giá.

Càng ý nghĩa và nhân văn hơn khi cả nước căng sức chống đỡ đại dịch mà có phần lơ là với cảnh khốn đốn của bà con trong vùng hạn mặn Đồng bằng sông Cửu Long thì chính những nghệ sỹ này nhắc nhớ điều đó.

Các doanh nghiệp, doanh nhân ở nước ta cũng đóng góp tiền của vào chống dịch và giúp đỡ đồng bào trong vùng hạn mặn nhiều tỷ đồng nhưng rõ ràng, hiệu ứng tích cực mà các nghệ sỹ tạo ra có tiếng vang và mạnh mẽ hơn nhiều trong cộng đồng xã hội. Đó là mặt mạnh mà “người của công chúng” mang lại, có sức lan tỏa rất cao.

Những đóng góp về vật chất và tinh thần này của giới nghệ sỹ càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết khi trước đấy, đây đó còn có những người phát biểu trên trang cá nhân “ca ngợi” đại dịch có mặt tốt của nó là “chết bớt cho rộng chỗ”, hoặc có vài trường hợp đáng buồn về các phát ngôn, đưa tin không chính xác của những nghệ sỹ trên trang cá nhân mạng xã hội mà bị triệu tập, bị nhắc nhở, bị phạt tiền. Hành động thực tế của người nghệ sỹ đã nói lên tất cả, đó là tấm lòng chứ không phải là chuyện “đầu môi, chót lưỡi” hay cố tình gây “xì-căng-đan” để tạo sự chú ý nhất thời.

Hành động thiện nguyện rất kịp thời của giới nghệ sỹ nước ta đã mang lại mối thiện cảm lớn cho công chúng và cho tất cả các thành phần xã hội.

Và, đặc biệt hơn tất cả là những hành động xuất phát từ thiện tâm của người nghệ sỹ này đã đánh bay các thị phi thường có, thường xuất hiện sau những việc làm của họ. Đó là điều mà cả xã hội ghi nhận và cũng là điều đáng ghi tâm của những người của công chúng, thuộc về công chúng!