Hậu quả là tất cả họ đều đã bị lừa, lâm cảnh “tiền mất tật mang”, gia đình ly tán. Được sự vận động, giúp đỡ của các lực lượng chức năng như Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Công an các địa phương, những người “vỡ mộng” đã trở về trong vòng tay rộng mở của chính quyền và nhân dân địa phương.
Giấc mơ ảo vọng
Thời gian qua, trên địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới thuộc 4 tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum đã và đang tái xuất hiện tình trạng người dân địa phương vượt biên trái phép sang Cam-pu-chia.
Một số bà con dân tộc thiểu số do thiếu hiểu biết nên đã bị các đối tượng xấu dụ dỗ rằng, nếu họ bán nương rẫy, đồ đạc, nhà cửa để theo chúng sang Cam-pu-chia sẽ có người đón sẵn và gia nhập các trại tị nạn của UNHCR (Tổ chức phi chính phủ Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn) để đi nước thứ 3. Sang bên đó sẽ có cuộc sống sung sướng, được ở nhà cao tầng, đi xe hơi sang trọng, có công ăn việc làm nhẹ nhàng mà thu nhập lại rất cao, thậm chí không cần có việc làm vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp cao gấp mấy lần làm nương rẫy…
Với những viễn cảnh hết sức hấp dẫn như vậy nên nhiều người dân ảo tưởng về một cuộc sống giàu có nơi xứ người đã lén lút bán nhà cửa, đất đai, nương rẫy, trâu bò hoặc vay mượn tiền đưa cho kẻ xấu dẫn đường vượt biên sang Cam-pu-chia và Thái Lan hòng tìm cơ hội sang nước thứ 3 định cư.
Ông Rơ Lan Chim, Chủ tịch UBND xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai cho biết, được sự quan tâm của Đảng, chính quyền các cấp, những năm qua, đồng bào các dân tộc ở các buôn làng của huyện Chư Prông đã chăm chỉ làm cà-phê, hồ tiêu, cao su, lúa, bắp cũng như chăn nuôi trâu, bò, heo, gà... nên đời sống đã ngày càng được nâng cao.
Mặc dù là ở vùng sâu, vùng xa, nhưng trong các buôn - trong đó có nhiều buôn ở vùng sâu, vùng xa, những ngôi nhà to, rộng, khang trang của đồng bào cứ theo nhau mọc lên. Trong các hộ gia đình, xe máy, xe cày, tivi, tủ lạnh... phục vụ sinh hoạt và sản xuất ngày càng nhiều hơn. Hầu hết người dân đều yên tâm, tin tưởng, vui hưởng cuộc sống yên bình, no ấm trên quê hương của mình.
Tuy nhiên, thời gian qua trên tuyến biên giới của xã này có tới 42 người vượt biên trái phép đã bị phía nước bạn Cam-pu-chia bắt giữ và trao trả lại. Điều đáng nói là các đối tượng này không cư trú tại các địa bàn biên giới mà là người ở các vùng nội địa.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hầu hết các đối tượng câu móc, lừa phỉnh đưa người vượt biên trái phép đều là các đối tượng thuộc tàn quân FULRO hiện đang phải tìm cách làm tiền bằng việc dụ dỗ những người vượt biên. Chúng núp dưới danh nghĩa nhân quyền và mượn danh nghĩa UNHCR để duy trì hoạt động.
Trao đổi với chúng tôi về việc này, Đại tá Vũ Trọng Tiệp, Chỉ huy trưởng BĐBP Gia Lai cho biết: Hiện tượng người vượt biên tái xuất hiện trở lại ở các tỉnh Tây Nguyên từ tháng 10/2014. Qua các vụ án đã được lực lượng BĐBP phát hiện, bắt giữ và xử lý cho thấy rõ thủ đoạn và phương thức hoạt động của các đối tượng xấu này. Bọn chúng chủ yếu thuộc các nhóm tàn quân FULRO tại Cam-pu-chia, liên lạc với người thân, người quen cũ của chúng hiện đang ở Việt Nam để tổ chức vượt biên. Việc nghe tin phong thanh rằng Nhà nước Cam-pu-chia sẽ cho phép trại tị nạn đặt tại Đông Bắc Cam-pu-chia, tiếp giáp với Tây Nguyên Việt Nam là tiền đề để các phần tử phản động FULRO thất thế hoạt động trở lại.
|
Rô Phiong, Rcăm Y Pin, Nay Biên, Rmah Y Jang và Kpă Y Nek kể lại “bài học” đắt giá của mình |
Thời gian gần đây, tại một số xã vùng sâu, vùng xa của huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk, đồng bào các dân tộc thiểu số đã bị một số đối tượng xấu rủ rê vượt biên trái phép, gây bất ổn đến tình hình an ninh trật tự (ANTT) tại đây, thêm nữa là đồng bào bị thiệt hại về kinh tế chỉ vì nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu.
Điển hình là 5 người, gồm Rcăm Y Pin (SN 1973), trú buôn Săm B, xã Ea Hleo, Rmah Y Jang (SN 1973), trú buôn Dang, xã Ea Hleo, Nay Biên (SN 1980), trú buôn Bung, xã Ea Sol, Rô Y Phiong (SN 1966) và Kpă Y Nek (SN 1971), cùng trú buôn Drài, xã Dlei Yang, huyện Ea Hleo. Từ ngày chồng vô cớ bỏ đi, Kpă Hyuch (vợ Rô Y Phiong) và lũ con nhỏ rất buồn khổ, lo lắng. Nương rẫy, cà-phê thiếu người chăm sóc nên chẳng thu được bao nhiêu, những việc nặng nhọc không có người làm, mấy đứa con nhỏ không có bố bên cạnh nên bơ vơ, ngơ ngác.
Ở nhà, Hyuch phải thay chồng gánh vác nhiều việc nên rất mệt nhọc và cuộc sống của mẹ con Hyuch càng lúc càng lâm cảnh khó khăn. Tại nhà của Rcăm Y Pin, Nay Biên, Rmah Y Jang và Kpă Y Nek cũng vậy. Vắng chồng, vợ của Y Nek là HPloăt Niê không buồn đi làm nương rẫy nữa mà cứ nằm trong căn nhà rộng và trống vắng. Nhà tuy đông người nhưng toàn là phụ nữ, có 7 đứa con thì 5 đứa còn nhỏ, chỉ mỗi mình Y Nek là đàn ông, là trụ cột thì lại bỏ đi đâu mất nên những việc lớn trong gia đình không có người làm.
Cho đến tháng 7/2015, cả 5 người kia được chính quyền, BĐBP, Công an tỉnh Đắk Lắk và huyện Ea Hleo đưa về nhà thì mọi người mới biết là họ đã lén lút vượt biên ra nước ngoài. Trong những ngày qua, trước đông đảo bà con buôn làng, cả 5 người đã đến nhiều buôn trong huyện lần lượt kể lại chuyện họ bị một số đối tượng xấu lừa đảo lôi kéo, dụ dỗ lấy hết tiền rồi đưa sang Cam-pu-chia và Thái Lan, sau đó bỏ mặc họ trong tình cảnh không tiền bạc, không có nơi ăn ở.
Nếu ai đi xin làm thuê được thì cũng chỉ là rửa chén, phụ hồ, hút hầm vệ sinh... hết sức cực nhọc, hôi hám nhưng tiền công rất ít, có khi còn bị chủ thuê cướp trắng. Trong đó, Kpă Y Nek và Rô Y Phiong đã bị Kpă Y Rin (người cùng buôn Drài, từng vi phạm luật tục buôn làng và pháp luật của Nhà nước, đi theo bọn phản động FULRO gây rối ANTT) dụ dỗ, lừa phỉnh khiến họ mất trắng hơn 30 triệu đồng/người. Gia đình Kpă Y Nek từ lâu đã là một hộ khá giả trong buôn, có nhà xây to, đẹp, nhiều đất đai, máy móc sản xuất, nhưng vì lòng tham và ảo tưởng mà bị lừa bỏ đi vượt biên.
Kpă Y Nek kể: “Y Rin nói là sang Cam-pu-chia nó sẽ bảo lãnh cho mình và Y Phiong đi Mỹ. Nó nói ở bên đó đi làm được trả công đến 300USD/ngày. Mình tính ra, thấy mỗi tháng làm được gần 200 triệu đồng nên đồng ý rồi đưa cho nó và đồng bọn 27,5 triệu đồng. Khi đến Cam-pu-chia, thấy bị bỏ mặc trong đói khổ, mình biết là bị lừa rồi, muốn quay về nhưng không biết đường. Một số người khác thì bị bọn chúng đe dọa nên không dám tìm đường về. Không những vậy, Y Rin còn vay mượn của nhiều người khác 245 triệu đồng rồi bỏ trốn sang Cam-pu-chia."
|
Anh Rô Phiong đang kể lại những ngày tháng cơ cực nơi đất khách quê người |
Trước diễn biến phức tạp về tình hình người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên vượt biên trái phép, đầu năm nay, Bộ Tư lệnh BĐBP cùng với các cơ quan chức năng và các địa phương thuộc 4 tỉnh Tây Nguyên đã nhanh chóng tăng cường các hoạt động đấu tranh ngăn chặn.
Đặc biệt, ngay đầu năm 2015, các lực lượng chức năng đã phối hợp chặt chẽ với BĐBP tập trung bám sát địa bàn biên giới tuần tra, chốt chặn nhằm dập tắt làn sóng vượt biên trong đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đang manh nha hình thành. Bên cạnh việc triển khai thêm nhiều tổ chốt với các lực lượng tuần tra mật phục, các địa phương cũng tăng cường công tác đối ngoại, phối hợp với các lực lượng của Cam-pu-chia cùng tuần tra bảo vệ biên giới, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Quy chế biên giới.
Các đơn vị BĐBP còn cùng với chính quyền địa phương và các đoàn thể liên tục tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân không tin, không nghe theo kẻ xấu xúi giục vượt biên hoặc dẫn đường cho các đối tượng vượt biên trái phép. Nhờ vậy, những tháng qua, tình trạng vượt biên và nghi vượt biên trái phép ở khu vực Tây Nguyên đã giảm.
Tuy nhiên, tình hình an ninh nông thôn ở khu vực này vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định; một bộ phận người dân còn khó khăn về kinh tế, dễ bị kẻ xấu lôi kéo lừa phỉnh, dụ dỗ vượt biên sang Cam-pu-chia. Nhằm đấu tranh ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép, bên cạnh làm tốt công tác tuần tra, mật phục bảo vệ biên giới, bóc gỡ các đối tượng gây rối kích động, lôi kéo người dân, các cấp, các ngành, các địa phương cần thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người dân tộc thiểu số, giúp bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, nâng cao trình độ dân trí…
Đại tá Phạm Quang Hùng, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Chúng ta phải phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh ở trên toàn tuyến biên giới Tây Nam để cùng đấu tranh ngăn chặn mới có hiệu quả. Ngoài ra, cần hướng dẫn cho bà con áp dụng khoa học kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm, cho bà con vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật, đảm bảo ổn định cuộc sống thì việc lôi kéo sẽ giảm thiểu hơn”.
Sau chuyện 5 người lầm lỡ vượt biên, vỡ mộng trở về, bà con các buôn làng bảo nhau phải cảnh giác, không để bị kẻ xấu lừa đảo. Còn các già làng, trưởng buôn, dân làng cũng mở lòng đón những đứa con trót lỡ lầm, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng.
Qua những ngày tháng lưu lạc, khốn khổ ở đất Cam-pu-chia và Thái Lan, Rô Phiong, Rcăm Y Pin, Nay Biên, Rmah Y Jang và Kpă Y Nek đã tỉnh ngộ, tự rút ra bài học đắt giá, thấy rằng không đâu bằng quê hương, buôn làng của mình, từ đó gắn bó với ruộng rẫy, chăm chỉ lao động hơn để kiếm tiền, làm giàu bằng chính bàn tay, công sức của bản thân và trên chính mảnh đất cha ông của mình.