Cần làm rõ việc “bầu” Chủ tịch huyện Sốp Cộp
Như PLVN đã đưa tin, trong đơn cầu cứu gửi tới báo PLVN, hàng chục bị hại cho hay họ đã bị Đào Thị Quy (SN 1977, trú tại bản Hua Mường, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) lừa đảo hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể, Quy đã đưa ra các thông tin gian dối như vay tiền để đầu tư vào các công ty để làm ăn, đầu tư vào công trình kè Sông Mã, vay để cho người khác vay lại với lãi suất cao hơn, vay cho người khác đáo nợ ngân hàng, cộng thêm việc Quy luôn giới thiệu có quan hệ với các lãnh đạo trong ngành Công an và Quy đang làm ăn với họ nên hàng chục bị hại đã giao tiền cho Quy.
Ngày 14/1/2019, vụ án được TAND tỉnh Sơn La đưa ra xét xử công khai trong Trại giam Công an tỉnh Sơn La.
Tại tòa, trả lời HĐXX các bị hại trình bày, trong quá trình “xây dựng hình tượng” của mình bị cáo Quy có trao đổi cần huy động tiền để “lo lót” cho việc chạy chức chủ tịch huyện Sốp Cộp lên đến gần 10 tỷ đồng.
Dẫn chứng cụ thể, chị Bùi Thị Thu Hà (SN 1985, trú tại Thị trấn Sông Mã) là bị hại vụ án cho biết, ngày 6/8/2017, bị cáo Quy (thời điểm là cán bộ Khối Đoàn thể và Trung tâm bồi dưỡng Chính trị huyện Sốp Cộp) đã nhắn tin trao đổi về việc bầu ông Lê Tiến Lợi – Phó Chủ tịch huyện Sốp Cộp lên chức Chủ tịch huyện Sốp Cộp đã “diễn ra tốt đẹp”.
Nội dung tin nhắn bị cáo trao đổi với bị hại về việc chạy chức Chủ tịch huyện Sốp Cộp (Ảnh: bị hại cung cấp) |
Cụ thể, trong nội dung cuộc trao đổi bằng tin nhắn với chị Hà, bị cáo Quy cho biết: “Trong chị bầu xong chủ tịch rồi đấy, may mà trúng, tý nữa là không trúng chênh nhau với anh Phúc Hà có 3 phiếu (ông Bùi Vĩnh Phúc – Chủ nhiệm UBKT huyện ủy Sốp Cộp, vợ là Hà sinh sống tại huyện Sông Mã – PV)”.
Sau đó, Quy cho biết phía doanh nghiệp Trang Quang (Công ty TNHH Trang Quang) đã ứng ra trước cho việc “chạy chức, chạy quyền” 3 tỷ đồng.
“Chạy chức Chủ tịch gần 10 tỷ mà, toàn các Doanh nghiệp đầu tư thôi.” – Quy nhắn tin.
Nói về số tiền Cty TNHH Trang Quang bỏ ra để lo lót cho việc “chạy chức chạy quyền”, Quy an ủi bị hại: “Tiền Trang Quang cũng là tiền của mình mà.”
Theo bị cáo Quy thì vào ngày 31/7 phía Cty TNHH Trang Quang đã “lấy” thêm 1 tỷ đồng của Quy để tiếp tục cho việc chạy chức Chủ tịch huyện.
Trong tin nhắn với chị Hà, bị cáo Quy cho hay bầu chức Chủ tịch huyện đã được “chạy từ Trung ương. Việc tổ chức bầu chủ tịch huyện đã được sắp xếp hết cả rồi. Nếu bỏ phiếu công khai dân chủ thì sẽ không trúng. Anh Phúc Hà Sông Mã nhà mình sẽ phiếu cao hơn nhưng có sự can thiệp của tỉnh”.
Ngạc nhiên về số tiền “chạy chức chạy quyền” với số tiền khủng khiếp. Quy nhắn tin: “kinh khủng, chị không nghĩ chạy đến gần 10 tỷ”.
Có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án?
Tại phiên tòa ngày thứ hai (15/1/2019), bị cáo Quy phân trần đã không còn khả năng trả nợ 15 bị hại vì đã làm thất thoát tiền vào việc trả tiền lãi cao cho Cựu Trung úy Đặng Thị Tuyết Nhung (cán bộ Công an huyện Sốp Cộp) và đã sử dụng một phần số tiền của các bị hại để đánh lô, đánh đề đối với ba người là bà Vũ Thị Xuân Hồng (trú tại xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La), bà Hoàng Minh Thế (là chị gái của Hoàng Minh Thỏa (Thỏa là chị dâu chồng của Quy), anh Nguyễn Ngọc Dương (trú tại xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La)
Trả lời HĐXX, bà Hồng cho biết, bà là Kế toán của Trung tâm pháp y tỉnh Sơn La và bà không hề ghi số lô, số đề, lời khai của Quy là không đúng.
Trả lời về nguồn tiền mà Quy sử dụng tài khoản của Quy và các bị hại chuyển vào tài khoản của bà Hồng với số tiền 10 tỷ đồng, bà Hồng cho rằng đó là số tiền cho Quy vay và Quy trả lại chứ không Quy trả tiền đánh lô đề. Tuy nhiên, bà Hồng lại không có bất kỳ giấy tờ gì để chứng minh có việc vay mượn giữa bà và bị cáo Quy.
Đối với bà Hoàng Minh Thế, theo lời của Quy khai tại tòa thì chơi lô đề với bà Thế từ năm 2016 đến năm 2017. Trong bản Kết luận điều tra (KLĐT) của Công an tỉnh Sơn La, qua việc rà soát các giao dịch chuyển, nhận tiền giữa Quy và bà Thế từ 8/8/2016 đến 18/7/2017 Quy đã chuyển cho bà Thế 180 lượt với tổng số tiền hơn 12,8 tỷ đồng và bà Thế đã chuyển lại cho Quy 18 lượt với số tiền hơn 3,1 tỷ đồng. Tổng số tiền chênh lệch được ra soát trên tài khoản là hơn 9,7 tỷ đồng. Trong số tiền này Quy xác định thua lô đề và trả lãi cho bà Thế là hơn 7,4 tỷ đồng còn hơn 2,3 tỷ đồng là tiền Quy trả nợ cho bà Thế do Quy vay tiền của bà Thế (cả lãi và gốc).
Tại tòa, bà Thế cho biết bà có cho bị cáo Quy vay tiền và đó là số tiền mà Quy trả cho bà Thế, bà Thế cho biết bà có đầy đủ giấy tờ về việc vay mượn nhưng bà Thế lại không xuất trình tài liệu này cho tòa.
Đối với Nguyễn Ngọc Dương, anh này cho biết có cho Quy vay mượn tiền nhưng không có giấy tờ gì chứng minh đồng thời phản đối việc Quy có đánh lô đề với mình.
Bản KLĐT của Công an tỉnh Sơn La xác định, từ 03/01/2017 đến ngày 25/08/2017 Quy đã chuyển cho Dương 184 lượt với tổng số tiền hơn 17,3 tỷ đồng và Dương đã chuyển lại cho Quy 33 lượt với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng.
Từ ngày 04/01/2016 đến ngày 18/08/2016 Quy chuyển vào tài khoản của Nguyễn Việt Dũng (em trai Dương) 86 lượt với tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng và Dũng cũng đã chuyển lại cho Quy 24 lượt với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Từ ngày 01/10/2016 đến 21/07/2017 quy đã chuyển vào tài khoản của Nguyễn Thị Trang (vợ Dương) 16 lượt với tổng số tiền hơn 3,2 tỷ đồng, Trang đã chuyển lại cho Quy 12 lượt với tổng số tiền là hơn 2,4 tỷ đồng.
Kết thúc phiên tòa ngày thứ hai, Luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 01 số bị hại) cho biết, vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm là tội Đánh bạc và Tổ chức đánh bạc, bởi trong suốt quá trình giải quyết vụ án cũng như tại tòa, bị cáo Quy đều thừa nhận mình có chi đến vài chục tỷ đồng để đánh bạc với bà Hồng, bà Thế và anh Dương.
Trong đơn tố cáo Nhung trước khi bị bắt, bị cáo Quy cũng thừa nhận có sử dụng tiền chiếm đoạt của các bị hại để chơi lô đề. Khi kiểm tra điện thoại, zalo, tin nhắn của Quy thì CQĐT cũng đã phát hiện ra những ảnh chụp, tin nhắn về việc chơi lô đề, trong đó rất rõ về ngày chơi, số lô, số đề, số tiền. Tài liệu này phù hợp với các thông tin chuyển khoản mà CQĐT thu thập được tại Ngân hàng về việc Quy chuyển tiền qua Ngân hàng để chơi lô đề đối với các đối tượng trên.
Ngoài ra, theo lời khai của bị cáo Quy và diễn biến tại phiên tòa cho thấy nhiều tình tiết trong vụ án chưa được làm rõ, nhiều tài liệu quan trọng chưa được đưa vào hồ sơ vụ án dẫn đến có khả năng sót người, lọt tội. Bởi vậy, việc trả hồ sơ điều tra bổ sung là cần thiết để đảm bảo công bằng, nghiêm minh và đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho những người bị hại.
Tại tòa, bị cáo Quy khai nhận trong quá trình điều tra, cán bộ điều tra có thu giữ, kiểm tra điện thoại, thu thập rất nhiều tài liệu liên quan đến việc chơi lô đề và có đưa cho bị cáo xem rồi ký nhận. Tuy nhiên, sau đó KSV gặp gỡ bị cáo để làm rõ về việc đánh bạc thì KSV cho bị cáo biết là những tài liệu đó không còn trong hồ sơ. Bị cáo cũng không hiểu vì sao lại như vậy.
Trao đổi với PV, Luật sư Huỳnh Mỹ Long – Đoàn LS TP Hà Nội (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại Hà) cho hay, trong bản thống kê tài liệu hồ sơ vụ án chỉ có một số tài liệu thể hiện về việc đánh bạc của Quy chứ không có nhiều tài liệu như bị cáo Quy mô tả tại tòa, tuy nhiên cũng có đủ căn cứ để xác định về hành vi đánh bạc giữa Quy và 03 đối tượng trên.
Ngoài ra, CQĐT cũng không thu giữ, kiểm tra điện thoại của 3 đối tượng trên. Như vậy, nếu nội dung lời khai của Quy là đúng thì vụ việc có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án, bỏ lọt tội phạm.
Mặc dù, tại tòa các đối tượng không thừa nhận chơi lô đề với Quy. Tuy nhiên, các chứng cứ mà CQĐT thu thập được có đủ căn cứ để xử lý các đối tượng này về tội đánh bạc. Đồng thời, những số tiền mà bị cáo Quy chiếm đoạt của bị hại dùng để đánh bạc phải được xác định là vật chứng của vụ án, cần phải được thu hồi để trả lại cho người bị hại.
Báo PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vụ án này./.