Vào thời nhà Tùy đã có cả gia tộc một vị khai quốc công thần đã bị thảm sát oan ức chỉ vì tính đa nghi của hoàng đế.
Lý Mục – Khai quốc công thần nhà Tùy
Vào thời Tây Ngụy (535 -557), tập đoàn quân sự Quan Lũng (Thiểm Tây và Cam Túc ngày nay) bắt đầu trỗi dậy, xuất hiện nhiều tướng lĩnh tài ba, xuất sắc, trong đó nổi lên là Lý Mục. Lý Mục là người dòng họ Lý ở Lũng Tây, lúc đầu là tiểu tướng dưới trướng Vũ Văn Thái (Vũ Văn Thái, tự Hắc Thát là quan Thượng trụ quốc nhà Tây Ngụy thời Nam Bắc triều trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt cơ sở cho sự ra đời của nhà Bắc Chu.
Sau khi ông qua đời, con trai là Vũ Văn Giác, tức Hiếu Mẫn Đế, lập ra nhà Bắc Chu, truy tôn miếu hiệu ông là Thái tổ, thụy hiệu là Văn Hoàng đế). Lý Mục kiêu dũng thiện chiến, lập nhiều công lao, đến thời kỳ sau của nhà Bắc Chu được phong Đại tướng quân, Thượng trụ quốc, Thân quốc công, trở thành chư hầu một phương.
Cuối thời Bắc Chu, Dương Kiên chuẩn bị thoán đoạt nhà Chu để lập ra nhà Tùy thì bị đám quan do đại tướng Bắc Chu Úy Trì Quýnh cầm đầu phản đối. Họ liên kết quân đội chống lại Dương Kiên, thanh thế rất mạnh. Khi đó Lý Mục nắm tinh binh trong tay, đóng vai trò quyết định tình thế. Úy Trì Quýnh cho người đến móc nối, lôi kéo Lý Mục hợp tác với mình, nhưng bị Mục cự tuyệt.
Sau đó Lý Mục đã giúp Dương Kiên xuất binh dẹp loạn, lại còn viết thư khuyên nhủ những người khác, khiến cho Dương Kiên lên ngôi hoàng đế một cách thuận lợi. Do đó, Lý Mục trở thành “Đệ nhất khai quốc công thần” của nhà Tùy, được phong làm Thái sư, chức vị cao nhất.
Tùy Văn Đế Dương Kiên rất cảm kích trước công lao phò tá của Lý Mục, nên hạ chiếu: “Lý Mục phò tá xã tắc, công lao hàng đầu, vị trí đứng đầu các đại thần…Từ nay về sau, trừ phi phản nghịch, dù mắc trăm tội chết cũng không truy vấn”. Điều này có nghĩa là, hoàng đế khai quốc nhà Tùy đã ban cho ông “Kim bài miễn tử”, chỉ cần không làm phản, thì có mắc cả trăm tội chết cũng không hề gì.
Người Trung Quốc có câu “Nhất nhân đắc đạo, kê khuyển thăng thiên” (một người làm quan, cả họ được nhờ); các con của Lý Mục cũng đều “cao quan hậu lộc”: Lý Đôn là Thích sử Phong Châu, Lý Di là Thích sử Vị Châu, Lý Nhã là Đại tướng quân, Tổng quản Kinh Châu, Lý Hồn là Hữu Kiêu Vệ Đại tướng quân, Thành Quốc công. Cả nhà họ Lý có hơn trăm người là quan Ngũ Phẩm trở lên, trở thành họ tộc hiển hách nhất của đương triều, không ai sánh bằng!
Thế nhưng, một đại tộc công danh hiển hách như thế, bỗng chốc chỉ sau một đêm bị chuốc họa diệt tộc. Nguyên nhân chỉ vì chữ “Lý” là tên của dòng họ này…
|
Hình ảnh Tùy Dạng Đế trên màn ảnh |
Họa từ lời đồn, bị kẻ xấu hãm hại
Lý Mục qua đời năm 77 tuổi khi đang ngủ; con cháu ông tiếp tục được giữ các chức quan cao như trước. Đến khi Tùy Dạng Đế Dương Quảng (569 – 618) lên nối ngôi cha Tùy Văn Đế, là người hiếu thắng, thích làm những việc lớn khác thường để thể hiện mình như đào Vận Hà, xây dựng cung điện, 3 lần đem quân đánh Cao Ly (Triều Tiên), lòng dân oán thán, nghĩa quân nổi dậy khắp nơi, thiên hạ đại loạn.
Lúc này ngoài dân gian lan truyền nhiều tin đồn, câu ca, như “Dương hoa lạc, Lý hoa khai” (Hoa Dương rụng, hoa Lý nở), “Đào lý tử, hữu thiên hạ” (theo họ Lý, có thiên hạ), “Lý Hồng đương vương” (Lý Hồng làm vua)…Tùy Dạng Đế cảm thấy giang sơn bất ổn, trong lòng bắt đầu nghi hoặc về những lời đồn đoán này…
Sử tịch ghi lại, vào lúc Tùy Dạng Đế chinh phạt Cao Ly lần thứ 3, có một cư sĩ bản địa là An Gia Đà xin gặp, tự xưng là người có thể đoán biết được tương lai, nói với Tùy Dạng Đế: “Lý thị ứng vi thiên tử” (Người họ Lý sẽ làm thiên tử) và khuyên nhà vua hãy tận diệt hết người họ Lý trong thiên hạ. Thần kinh mẫn cảm của Tùy Dạng Đế lại bị kích thích mạnh, nhưng thiên hạ họ Lý quá đông, rốt cục là ai định cướp ngôi?
Khi đó, Tùy Dạng Đế có một đại thần tâm phúc tên là Vũ Văn Thuật. Người này là anh vợ của Thạch Kiêu Vệ Đại tướng quân Lý Hồn, con trai thứ 10 của Lý Mục, nhưng Vũ Văn Thuật lại có mâu thuẫn lớn với Lý Hồn nên luôn tìm cách làm hại. Sau khi nghe được những lời xúc xiểm tào lao của An Gia Đà, Vũ Văn Thuật bèn nhân đó chớp lấy cơ hội để vu cáo Lý Hồn.
Thuật tâu với hoàng đế: “Thần thân với Lý Hồn, nhưng nghe nói Lý Hồn gần đây có những hành động bất thường, thường cùng với người cháu là Lý Mẫn (khi đó đang là Trụ quốc, Quang Lộc đại phu) ngày đêm bàn mưu gì đó. Lý Hồn là tư lệnh cấm binh. Đề nghị bệ hạ minh xét”.
Vũ Văn Thuật còn sai người khác dâng biểu vu cáo Lý Hồn mưu phản. Vốn đã nghi hoặc, lại liên tiếp nghe những lời sàm tấu nên Tùy Dạng Đế Dương Quảng lập tức hạ lệnh bắt Lý Hồn, Lý Mẫn và một số người trong gia tộc họ Lý tống giam.
Quyết định tru di vì cơn ác mộng
Điều khiến tôn tộc họ Lý bị tru diệt, ngoài những lời sàm tấu vu cáo của Vũ Văn Thuật, còn liên quan đến một giấc mộng của Tùy Dạng Đế Dương Quảng. Theo truyền thuyết, Dương Quảng đã nằm mộng thấy kinh đô Đại Hưng Thành (tức Trường An – Tây An, Thiểm Tây ngày nay) bị lũ lụt dâng ngập, nước tràn vào điện Kim Loan khiến Dương Quảng giật mình tỉnh giấc, nghĩ rằng đó là triệu chứng đại cát. Hòang đế bèn cho người nghe ngóng dò la thì được biết Lý Mẫn có tên cúng cơm là “Hồng Nhi”, Hồng Nhi cũng chính là “Hồng Thủy” (nước lụt), có nghĩa là Lý Hồng Nhi ứng với nước lụt.
|
Tùy Dạng Đế Dương Quảng (tranh cổ) |
Khi đó Lý Mẫn đang theo Tùy Dạng Đế Dương Quảng đi chinh phạt Cao Ly, đảm nhận việc đốc vận lương thảo ở Lê Dương. Dương Quảng lo sợ, bèn cho gọi Lý Mẫn đến, ép buộc Mẫn tự xử. Theo “Tùy thư. Lý Mẫn truyện”, vì Tùy Dạng đế muốn Lý Mẫn tự sát, Mẫn vô cùng sợ hãi, nên mới thường cùng với chú là Lý Hồn to nhỏ, kết quả là bị Vũ Văn Thuật nhìn thấy và nhân đó vu cáo.
Cuối cùng, sau khi kết hợp cả chuyện nằm mộng với những lời sàm tấu của Vũ Văn Thuật, Tùy Dạng Đế Dương Quảng bắt đầu ra tay giết chóc. Ngày 5 tháng 3 năm 615, 32 người trong gia tộc họ Lý bị đem ra chém đầu, còn những người khác bị đưa đi lưu đày đến những vùng đất hoang nơi biên viễn. Chỉ vì chữ Lý trong họ của họ mà con cháu của bậc khai quốc công thần Lý Mục bị tàn sát một cách oan khuất.
Vẫn bị cướp ngôi bởi họ Lý khác
Nhưng điều khiến Tùy Dạng Đế không thể ngờ được là, mấy năm sau đó, câu ca tiên tri “Lý thị ứng vi thiên tử” vẫn trở thành hiện thực, nhưng họ Lý này không phải là người họ Lý của Lý Mục, mà là người họ Lý khác – Đường Cao Tổ Lý Uyên.
Lý Uyên sinh năm 566, cha là Lý Bỉnh, Tổng quản An Châu nhà Bắc Chu, Đường Quốc công. Năm Uyên 7 tuổi thì cha qua đời, Lý Uyên được kế tục tước vị Đường Quốc công của cha. Năm 581, Dương Kiên thoán đoạt nhà Bắc Chu lên ngôi, lập ra nhà Tùy.
Lý Uyên được giao chức Thiên Ngưu Bị thân (võ quan Cấm Vệ quân), sau đó làm Vệ Úy thiếu khanh, từng theo Tùy Dạng đế đi đánh Cao Ly. Năm 616 được thăng làm Hữu Kiêu Vệ tướng quân. Năm 617, Lý Uyên khởi binh, chiêu mộ binh mã, mượn 500 quân kỵ của Đột Khuyết đánh thành Đại Hưng, đến tháng 12 thì chiếm được, đến năm sau thì đổi tên thành Tràng An.
Lý Uyên dựng Dương Hựu lên làm vua bù nhìn Tùy Cung đế, tôn Tùy Dạng Đế Dương Quảng làm Thái Thượng Hoàng; mình làm Đại thừa tướng, nắm quyền phụ chính, tước hiệu Đường Vương. Năm 618, Tùy Dạng Đế bị sạt hại, Lý Uyên đã ép Dương Hựu phải nhường ngôi, lập ra nhà Đường, trở thành Đường Cao Tổ.../.