Vụ ca sĩ Sơn Tùng : “Chỉ có cá nhân mù luật mới nói “cấm” người khác biểu diễn”

(PLO) - Bị công ty quản lý cấm diễn trong 6 tháng, ca sĩ Sơn Tùng đã yêu cầu được chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Vụ việc nảy sinh, nhiều người mới đặt câu hỏi “ông bầu” hay hợp đồng quản lý ca sĩ là gì, ai có quyền cấm ca sĩ biểu diễn? Thạc sỹ Nguyễn Thế Anh (Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam) trả lời bạn đọc.
Ca sĩ Sơn Tùng
- Thưa ông, bản chất pháp lý của hợp đồng quản lý ca sĩ là gì?
Bản chất pháp lý của hợp đồng quản lý ca sĩ là một hợp đồng dịch vụ. Điều 518 Bộ luật Dân sự (BLDS) quy định: “Hợp đồng dịch vụ là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên thuê dịch vụ, còn bên thuê dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ”.
- Là bên thuê dịch vụ, ca sĩ có quyền và nghĩa vụ như thế nào trong hợp đồng quản lý ca sĩ?
Căn cứ quy định tại BLDS và Luật thương mại điều chỉnh về hợp đồng dịch vụ thì ca sĩ có các quyền và nghĩa vụ sau:
- Yêu cầu công ty quản lý thực hiện công việc theo đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và các thoả thuận khác;
-Trong trường hợp công ty quản lý vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì ca sĩ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại…
- Vậy Luật quy định như thế nào về Quyền và nghĩa vụ của công ty quản lý đối với ca sĩ?
Công ty quản lý có quyền và nghĩa vụ như sau:
- Yêu cầu ca sĩ cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện;
- Được thay đổi điều kiện dịch vụ vì lợi ích của ca sĩ, mà không nhất thiết phải chờ ý kiến của ca sĩ, nếu việc chờ ý kiến sẽ gây thiệt hại cho ca sĩ, nhưng phải báo ngay cho ca sĩ.
- Yêu cầu ca sĩ trả tiền dịch vụ.
- Thực hiện công việc đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và các thoả thuận khác. 
- Không được giao cho người khác thực hiện thay công việc, nếu không có sự đồng ý của ca sĩ;
- Bảo quản và phải giao lại cho ca sĩ tài liệu và phương tiện được giao sau khi hoàn thành công việc;
- Báo ngay cho ca sĩ về việc thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện không bảo đảm chất lượng để hoàn thành công việc;
- Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian thực hiện công việc;
- Bồi thường thiệt hại cho ca sĩ, nếu làm mất mát, hư hỏng tài liệu, phương tiện được giao hoặc tiết lộ bí mật thông tin.
- Hợp đồng quản lý ca sĩ thường có quy định công ty quản lý sẽ đại diện cho ca sĩ trong việc tham gia các buổi diễn, quảng cáo…Vậy, khi nào hành vi đại diện này sẽ chấm dứt?
Tư cách đại diện của công ty quản lý phát sinh khi ca sĩ có thoả thuận uỷ quyền cho công ty quản lý nhân danh ca sĩ nhân danh và vì lợi ích của ca sĩ xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện. Khoản 2 Điều 147 BLDS quy định đại diện theo uỷ quyền của cá nhân sẽ chấm dứt trong các trưởng hợp sau:
- Thời hạn uỷ quyền đã hết hoặc công việc được uỷ quyền đã hoàn thành;
- Người uỷ quyền huỷ bỏ việc uỷ quyền hoặc người được uỷ quyền từ chối việc uỷ quyền;
- Người uỷ quyền hoặc người được uỷ quyền chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự,  mất tích hoặc là đã chết.
- Theo ông, nên hiểu thế nào khi công ty quản lý thường hay sử dụng cụm từ “ký hợp đồng độc quyền đối với ca sĩ”?
Ký hợp đồng độc quyền đối với ca sĩ thường liên quan đến quyền của người biểu diễn theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ. Trong trường hợp ca sĩ không đồng thời là chủ đầu tư (công ty quản lý) thì người biểu diễn có các quyền nhân thân và chủ đầu tư có các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn. Khi đó, theo quy định tại Khoản 2 Điều 29 Luật Sở hữu trí tuệ, thì ca sĩ  có các quyền sau:
- Được giới thiệu tên khi biểu diễn, khi phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát sóng cuộc biểu diễn;
- Bảo vệ sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của mình.
Công ty quản lý ca sỹ có quyền tài sản bao gồm độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau đây:
- Định hình cuộc biểu diễn trực tiếp của mình trên bản ghi âm, ghi hình;
- Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp cuộc biểu diễn của mình đã được định hình trên bản ghi âm, ghi hình;
- Phát sóng hoặc truyền theo cách khác đến công chúng cuộc biểu diễn của mình chưa được định hình mà công chúng có thể tiếp cận được, trừ trường hợp cuộc biểu diễn đó nhằm mục đích phát sóng;
- Phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao cuộc biểu diễn của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.
- Công ty quản lý khi khai thác, sử dụng các quyền độc quyền trên có phải trả thù lao cho ca sĩ?
Theo quy định Khoản 4 Điều Điều 29 Luật Sở hữu trí tuệ quy định thì công ty quản lý sẽ phải trả tiền thù lao cho người biểu diễn theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận trong trường hợp pháp luật không quy định.
- Hợp đồng quản lý ca sĩ bị đơn phương chấm dứt khi nào?
Căn cứ quy định tại Điều 525 BLDS, thì hợp đồng quản lý ca sĩ sẽ bị đơn phương chấm dứt trong các trường hợp sau:
"1. Trong trường hợp việc tiếp tục thực hiện công việc không có lợi cho bên thuê dịch vụ thì bên thuê dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nhưng phải báo cho bên cung ứng dịch vụ biết trước một thời gian hợp lý; bên thuê dịch vụ phải trả tiền công theo phần dịch vụ mà bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện và bồi thường thiệt hại.
2. Trong trường hợp bên thuê dịch vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện không đúng theo thoả thuận thì bên cung ứng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại".
- Công ty quản lý ca sĩ Sơn Tùng vừa tuyên bố cấm ca sĩ này biểu diễn 6 tháng. Nói vậy có đúng, thưa ông?
Một quyết định cấm ca sĩ biểu diễn chỉ có hiệu lực pháp luật khi được ban hành bởi cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về văn hoá. Chỉ có cá nhân mù luật mới nói “cấm” người khác biểu diễn. Trong trường hợp này, theo tôi nghĩ, ý của công ty đó chỉ là cấm trong phạm vi công ty, nghĩa là trong thời gian nào đó công ty này sẽ “nghỉ chơi” với Sơn Tùng. 
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Tối 7/11, giám đốc công ty Văn Production ký quyết định cấm mọi hoạt động biểu diễn, ghi hình của ca sĩ Nguyễn Thanh Tùng - nghệ danh Sơn Tùng M-TP - từ 1/11 đến 30/4/2015, với lý do vi phạm hợp đồng với công ty. Bên cạnh đó, công ty tạm thời tháo toàn bộ hình ảnh và âm nhạc của Sơn Tùng trên mạng xã hội, các trang nghe nhạc và chia sẻ video để “cảnh cáo”.
Sáng 8/11, phía nam ca sĩ cho biết, anh đã gửi văn bản đề nghị chấm dứt hợp đồng với Văn Production từ ngày 1/11, gửi đi ngày 2/10, yêu cầu công ty thanh lý hợp đồng trong vòng 30 ngày. Sơn Tùng khẳng định: "Mọi phát ngôn, quyết định của Công ty Văn Production liên quan đến tôi đều không còn giá trị từ ngày 2/11. Tôi đề nghị công ty Văn Production ngừng cung cấp, phát tán những thông tin liên quan đến tôi". 
Văn bản đề nghị chấm dứt hợp đồng nêu rõ lý do Sơn Tùng muốn thanh lý hợp đồng sớm là điều kiện sức khỏe không cho phép anh chạy show quá dày đặc như trong thời gian vừa qua. Việc chạy show cũng khiến anh không có thời gian đảm bảo chương trình học tại Nhạc viện TP HCM. Nam ca sĩ còn nói, suốt hai năm qua, anh không được bổ sung, đào tạo thêm kiến thức, kỹ năng trình diễn cũng như không có chiến lược phát triển rõ ràng nào từ công ty như cam kết trong hợp đồng. Ngoài ra, nhiều quyền lợi cá nhân của nam ca sĩ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng./.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật... Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com