Vụ cháy 5 nhà tại Hoàng Mai: Dùng hóa đơn để xác định giá trị hàng hóa bị cháy có chính xác?

(PLO) - Liên quan đến vụ cháy 5 nhà tại phố Tam Trinh (Hà Nội) vào năm 2008, TAND quận Hoàng Mai đã tuyên phạt một bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” và một bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động”.
Bị cáo Ngọc và Quyền tại phiên tòa sơ thẩm
Bị cáo Ngọc và Quyền tại phiên tòa sơ thẩm

Riêng ông Nguyễn Duy Bộ (chủ của 1 trong năm ngôi nhà bị cháy) được Tòa sơ thẩm xác định không phải chịu trách nhiệm dân sự trong vụ án này.

Từng bị khởi tố, nay được xác định “không phải chịu trách nhiệm”

Theo nhận định của HĐXX sơ thẩm thì đám cháy xảy ra tại 5 nhà (số 481, 483, 485, 487, 489 phố Tam Trinh) vào sáng 27/10/2008 là do Nguyễn Văn Quyền (SN 1986, quê Phú Thọ) hàn cắt khung sắt trước cửa nhà 485 (nhà của vợ chồng ông Bộ, bà Tuyết) không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) gây nên. Còn Lê Văn Ngọc (SN 1974, chủ cửa hàng cơ khí thuê Quyền làm việc) đã không trang bị và kiểm tra, đảm bảo an toàn lao động cho Quyền khi thực hiện hàn cắt.

HĐXX TAND quận Hoàng Mai đã tuyên phạt Lê Văn Ngọc 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động”; Nguyễn Văn Quyền 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về PCCC”, buộc hai bị cáo phải liên đới bồi thường tổng thiệt hại cho các bị hại là hơn 2,7 tỷ đồng

Riêng đối với ông Vũ Duy Bộ, HĐXX sơ thẩm cho rằng không có đủ cơ sở khẳng định ông này đã thuê Quyền, Ngọc tháo dỡ phần khung sắt trước cửa nhà 485 Tam Trinh. Tuy là chủ ngôi nhà này nhưng vợ chồng ông Bộ cho biết đã cho vợ chồng bà Đặng Thị Lý thuê và thời điểm xảy ra cháy thì bà Lý vẫn chưa bàn giao xong cho vợ chồng ông. Phần cơi nới trước cửa nhà 485 Tam Trinh thì vợ chồng bà Lý vẫn đang cho thợ tháo dỡ. Hết ngày 26/10/2008 vẫn chưa tháo dỡ xong.

Cần nhắc lại rằng, ông Vũ Duy Bộ đã từng bị CQĐT khởi tố về tội “Vi phạm quy định về PCCC” vào tháng 3/2010. Sau nhiều lần tiến hành điều tra bổ sung do bị trả hồ sơ, CQĐT đã ra quyết định “đình chỉ bị can” và “miễn truy cứu trách nhiệm hình sự” đối với ông Bộ vì cho rằng nguyên nhân trực tiếp của vụ cháy là do hành vi hàn cắt của Quyền. 

Còn tại phiên tòa, khi phát biểu quan điểm giải quyết về phần dân sự, Kiểm sát viên VKSND quận Hoàng Mai vẫn đề nghị HĐXX buộc bị cáo Ngọc, bị cáo Quyền và ông Bộ có trách nhiệm liên đới bồi thường toàn bộ thiệt hại cho các bị hại là hơn 2,7 tỷ đồng. 

Trước đó, tại bản Cáo trạng, VKSND quận Hoàng Mai cho biết: “Sau khi kiểm tra thực tế tại địa điểm xảy ra vụ cháy, Hội đồng định giá tài sản thấy rằng toàn bộ số tài sản nơi bị cháy đã bị biến dạng, cháy rụi, than hóa không thể xác định được chủng loại, chất lượng, số lượng tài sản nên Hội đồng định giá không xác định được giá trị tài sản sau khi vụ cháy xảy ra”. Vì vậy, CQĐT và VKSND quận Hoàng Mai đã căn cứ số lượng, chủng loại, đơn giá hàng hóa mà bà Lý kê khai (giá trị hơn 4 tỷ đồng), đối chiếu với hóa đơn nhập đã xác minh nguồn gốc chỉ đủ căn cứ kết luận hàng hóa bà Lý bị thiệt hại là hơn 1,4 tỷ đồng.

Phản bác quan điểm này, ông Bộ khẳng định mình không hề có lỗi trong vụ cháy và cho rằng bà Lý đã cố tình “phóng đại” số tài sản bị cháy.

Sau khi nghị án, HĐXX xác định ông Bộ không có trách nhiệm bồi thường trong vụ án này nhưng vẫn cho rằng Cty TNHH Thương mại và Sản xuất Minh Ngọc (do bà Lý làm đại diện) bị thiệt hại về hàng hóa, nhà xưởng là hơn 1,7 tỷ đồng (buộc hai bị cáo phải liên đới bồi thường).

Không thể xác định thiệt hại “trên giấy” 

Tuy đã được tòa sơ thẩm loại trừ trách nhiệm dân sự trong vụ án nhưng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, ông Bộ vẫn có đơn gửi Tòa cấp phúc thẩm đề nghị phải xem xét chính xác những thiệt hại trong vụ án, trong đó có phần tài sản bị cháy của bà Lý.

Theo ông Bộ thì các cơ quan tiến hành tố tụng quận Hoàng Mai xác định thiệt hại của vụ án trên cơ sở công nhận những hóa đơn nhập của bà Lý là không khách quan mà phải căn cứ vào vào hiện trường vụ án.    

Là người đã từng kinh doanh những mặt hàng đồ điện của Trung Quốc, vợ chồng ông Bộ cho rằng, hàng hóa thể hiện tại các hóa đơn mua hàng của bà Lý chưa chắc đã được để tại 487 Tam Trinh. Nếu hàng để tại 487 Tam Trinh thì ngoài hóa đơn mua hàng, còn phải có phiếu nhập kho vì hàng có thể được bán đi ngay mà không nhập kho hoặc để ở các nơi khác nhau. Mặt khác, hồ sơ vụ án và nhiều lời khai thể hiện nhà 487 là nhà xưởng (để máy móc và công nhân ngồi lắp ráp linh kiện) chứ không phải kho chứa hàng. Hơn nữa, việc cho rằng các “cục sắt” (như  máy phát điện, nồi áp suất, nồi hầm…) bị “than hóa” là vô lý. Một số hàng hóa khác như siêu điện, quạt điện, chảo điện, bếp từ, đèn phi sắt, bếp từ… nếu cháy thì cũng chỉ biến dạng vì chỉ cháy phần nhựa, vẫn còn lại phần sắt thép nên cũng không thể coi là cháy rụi hoàn toàn. 

Ngoài ra, theo Biên bản khám nghiệm hiện trường thì “bên trong nhà xưởng 487 Tam Trinh có nhiều đồ điện gia dụng như ấm đun nước bằng điện, nồi cơm điện, đèn tích điện, máy thủy điện…Tại giữa nhà có có hai cánh chớp gỗ sơn nâu. Cửa phía đông tác dụng nhiệt mạnh cháy 1 cánh rơi xuống dưới”.

Với tài liệu trên, vợ chồng ông Bộ cho rằng, “sau khi cháy, ngay tại giữa nhà 487 Tam Trinh vẫn xác định được được các vật dụng như nồi đun nước, nồi cơm điện (thậm chí là 1 trong 2 cánh cửa bằng gỗ cũng không bị cháy hết) thì việc coi hàng ngàn sản phẩm tương tự bị cháy “không dấu vết” là vô lý. Vì vậy, nếu hiện trường không có dấu vết hàng hóa bị biến dạng thì coi như không có hàng chứ không thể coi là có hàng nhưng đã bị cháy được.  

Cần 5 nhà kho để xếp số hàng bị cháy

Theo phụ lục kèm theo Cáo trạng thể hiện số hàng hóa mà bà Lý bị “cháy rụi hoàn toàn” gồm: hơn 2.000 máy phát điện (công xuất từ 300kw đến 2000kw hiệu Quiri) và hơn 900 tổ máy phát hiện loại từ 300kw đến 2.000kw; hơn 2.600 nồi cơm điện các loại; hơn 700 quạt điện các loại; hơn 500 máy xay đa năng; gần 6.000 đèn sạc điện các loại; hơn 15.000 vợt muỗi dùng pin; gần 500 đèn pin sắt…

Theo tính toán của vợ chồng ông Bộ thì để xếp hết số hàng trên (không có vỏ thùng) thì phải cần 5 nhà như nhà 487 Tam Trinh, với điều kiện xếp hàng kín từ mái nhà, không chừa lối đi.

Đọc thêm