Vụ “Chính quyền bức tử doanh nghiệp” tại Đồng Nai: Thường trực Chính phủ sẽ làm việc với Tổng Thanh tra Nhà nước?

(PLVN) - Hôm qua, 28/11/2019, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cùng các ĐBQH là ông Bùi Xuân Thống, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai và bà Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh đã có buổi tiếp xúc cử tri tại TP.Biên Hòa. Dự buổi tiếp xúc có Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng và đông đảo cử tri TP Biên Hòa.
Cụ Lê Thị Phương Mai và con gái tại buổi tiếp xúc cử tri

Tại buổi tiếp xúc, cụ Lê Thị Phương Mai (SN 1942, ngụ tại 325, khu 3, ấp 2, xã An Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai) cùng nhiều cử tri đã phản ánh vụ việc khiếu kiện, khiếu nại kéo dài hàng chục năm trời tại địa phương này nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. 

Ngồi trên xe lăn do con gái đẩy tới, cụ Mai chỉ thốt được vài câu rồi tắc nghẹn. Lời nói ngắn gọn của một người 80 tuổi đã gần đất, xa trời nhưng chất chứa bao nỗi oan khiên “mảnh đất của gia đình đã bị Cty Dona Coop lấy chục hecta. 

Tiền đền bù không có, bây giờ phần đất còn lại cũng bị lấy hết luôn. Họ đuổi hết gia đình ra ngoài. Cuối cùng tôi không rõ ràng đất bị lấy bao nhiêu, đền bù bao nhiêu, tài sản gia đình mất hết. Tôi bị bệnh không có tiền điều trị”.

44 năm trước, thực hiện chủ trương xây dựng kinh tế mới cụ Lê Thị Phương Mai (chủ DNTN Thuận An 2, sau này là Công ty TNHH Thành Thuận tại TP Biên Hòa) đã dắt díu đàn con thơ bỏ Sài Gòn lên xã Phước Tân, huyện Long Thành (nay thuộc TP Biên Hòa) khai hoang khẩn hóa hồi.

Sau hơn 20 năm, trước đám rừng thiêng nước độc, mỗi ngày người mẹ và đàn con đã phải chiến đấu với sốt rét, bệnh tật, đói ăn… để có một trang trại bờ xôi ruộng mật. Trang trại đã tạo công ăn việc làm cho hàng xóm láng giềng, đỡ đần người neo đơn nghèo khó… 

Sự dũng cảm ấy đáng ra phải được xã hội, Nhà nước khen tặng và xưng tụng về một tấm gương dám nghĩ, dám làm. Thế nhưng những thành quả đáng trân trọng ấy đã bị “nhóm lợi ích” cấu kết với một bộ phận cán bộ ở địa phương lạnh lùng tước đoạt. 

Cay đắng hơn, trước những hoài bão, dự định tốt đẹp của cụ Mai là thành lập doanh nghiệp du lịch sinh thái, họ đã “vẽ” ra các điều kiện để buộc cụ phải làm 11km, xây cầu bê tông dài hơn 25m bắc qua sông, Chưa hết, sau khi cụ Mai bỏ ra nhiều tỷ đồng để thực hiện xong các yêu cầu từ cơ quan trong tỉnh để xin lập Khu du lịch sinh thái thì mảnh đất máu thịt của gia đình cụ bất ngờ rơi vào quy hoạch mỏ đá Tân Cang. 

Một lần nữa, người phụ nữ một nách con xin chuyển sang được khai thác đá trên đất của mình phù hợp với quy hoạch của Nhà nước, để thu hồi vốn đầu tư, thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Nhưng bằng những chủ trương trái quy định về đầu tư kinh doanh, Đồng Nai đã không chấp nhận đề nghị của cụ. Họ cho rằng, tỉnh “chủ trương” chỉ cho các doanh nghiệp Nhà nước khai thác khoáng sản.

Những cuộc “rượt đuổi” chính sách luôn làm cụ Mai hụt hơi, trong khi tiền của, mồ hôi công sức đã đổ xuống nhiều không thể kể hết. Con đường xây dựng một doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, lương thiện trên chính mảnh đất, sức lực của mẹ con cụ Mai dường như đã đóng khép. Người mẹ và đàn con chỉ còn một lối thoát là trông chờ vào khoản tiền thỏa thuận của chủ đầu tư dự án mỏ đá Tân Cang 6 – Dona Coop. 

Mặc dù Dona Coop khẳng định với tỉnh “đây là dự án đầu tư muốn lấy đất phải thỏa thuận với người có đất” nhưng sau khi ôm được mỏ đá, Dona Coop trở mặt, để TP. Biên Hòa ra quyết định thu hồi đất. Số tiền bồi thường ban đầu là hơn 30 tỷ đồng nhưng đã bị Đồng Nai hạ dần, chỉ còn hơn 7 tỷ đồng. Người mẹ và đàn con phản ứng thì ngay lập tức bị cưỡng chế, mang toàn bộ tài sản của gia đình đi đâu chưa rõ. Tài sản hơn 40 năm lao tâm lao lực của một gia đình bỗng chốc tan tành. 

Số đất còn lại hơn 5 ha, cụ Mai tiếp tục xin được khai thác đá nhưng vẫn không được chấp nhận. Diện tích đất này hiện nằm giữa mỏ đá bụi mù mịt, không thể làm ăn được gì và đang có dấu hiệu bị Dona Coop lấn chiếm đất. 

Sau khi Báo PLVN đăng tải sự việc, kêu oan cho cụ Mai, nhiều cơ quan chức năng như Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam… đã vào cuộc tìm hiểu sự việc. Thanh tra Bộ TN&MT đã có ít nhất hai văn bản chỉ đạo, yêu cầu tỉnh Đồng Nai làm rõ những khuất tất, bất thường trong vụ việc thu hồi đất, bồi thường trong vụ việc này. 

Đặc biệt, trong tháng 4/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai xem xét giải quyết sự việc và báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/8/2019. Công văn nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đã nhận được phản ánh về khiếu nại của cụ Lê Thị Phương Mai và Công ty TNHH Thành Thuận bị gây khó khăn, phân biệt đối xử trong việc cưỡng chế, thu hồi đất để giao cho Dona Coop khai thác đá.

Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai xem xét, giải quyết những phản ánh của Báo PLVN về khiếu nại, kiến nghị của gia đình bà Mai theo đúng quy định pháp luật, thông báo kết quả cho Báo PLVN và báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/8/2019”.

Tuy nhiên, Đồng Nai dường như như đã chọn giải pháp im lặng trước những chỉ đạo trên.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Võ Văn Thưởng cho biết: Trong tổng số đơn thư thì đã có 7 đơn thư giải quyết khiếu nại lần thứ hai; hai đơn thư giải quyết khiếu nại lần thứ nhất. Số còn lại đã có văn bản trao đổi qua lại nhưng chưa đạt được sự thống nhất giữa các bên, từ những chuyện khó như Long Hưng, Sơn Tiên tới dự án Nhà máy dệt Thống Nhất đều cần phải có thời gian giải quyết.

 Ông Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri TP Biên Hòa.

Ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: “Có những vấn đề không giải quyết thấu đáo sẽ kéo dài, có những vấn đề hơn 20 năm chưa xử lý dứt điểm. Tôi đã đề nghị kỳ họp này hệ thống lại, tiếp tục báo cáo Thường trực Chính phủ làm việc với Tổng Thanh tra Nhà nước để làm sao hướng dẫn, giải quyết dứt điểm khiếu kiện, khiếu nại trên địa bàn”.

Nhưng liệu những người như cụ Mai có còn chờ đợi được đến khi giải quyết dứt điểm vụ việc của mình? 

Đọc thêm