Vụ “dân chết mòn vì… ô nhiễm” ở Hải Dương: Chính quyền bó tay?

(PLO) - Những ngày qua, hàng trăm hộ dân thôn Kỹ Sơn, xã Tân Dân, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương vẫn phải tiếp tục sống chung với tiếng ồn và ô nhiễm không khí do Nhà máy nhôm Đông Á, nhà máy gạch gây ra. Người dân đã nhiều lần kiến nghị và chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc. Nhưng sự việc đâu lại vào đó.
Người dân thôn Kỹ Sơn luôn phải hứng chịu bầu không khí ô nhiễm.
Người dân thôn Kỹ Sơn luôn phải hứng chịu bầu không khí ô nhiễm.

Dân “than trời”…

Như Báo PLVN đã phản ánh, năm 2009, Công ty nhôm Đông Á (xã Tân Dân, huyện Chí Linh, quy mô rộng 6ha) đi vào sản xuất. Cũng từ đó, người dân xung quanh phải sống trong cảnh ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí nghiêm trọng. 

Ông Vũ Văn Hội (thôn Kỳ Sơn, xã Tân Dân) cho biết: “Suốt 10 năm nay, kể từ khi đi vào hoạt động, nhà máy nhôm Đông Á đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường xung quanh. Vào những ngày trời gió nhẹ, độ ẩm cao thì khói bụi của nhà máy càng trở nên đậm đặc và tuôn vào nhà mù mịt, gia đình tôi phải bỏ nhà, tạm thời sơ tán. Thỉnh thoảng có tiếng nổ ùng oàng, trẻ thơ đang ngủ say bị giật mình, người già thì thức trắng. Chưa hết, nhiều lần vào khoảng nửa đêm, khói trùm kín làng. Có người phải chạy khỏi làng trong tâm trạng hoảng sợ vì tưởng là xảy ra sự cố”.

Ông Đỗ Văn Thanh (một người dân sống gần nhà máy) cho biết: “Buổi tối chúng tôi không ngủ được. Nếu mở tivi cũng không nghe được vì quá ồn. Đêm khuya lại nghe tiếng nổ lớn. Người dân chúng tôi đã nhiều lần đến công ty kiến nghị nhưng họ không cho dân vào nhà máy. Ô nhiễm khiến người dân chúng tôi khổ quá, chỉ biết than trời”.

Người dân đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền sở tại nhưng tình hình không giảm và còn có dấu hiệu nghiêm trọng hơn. 

Theo ghi nhận của phóng viên, phía sau Cty Đông Á có hệ thống kênh mương thoát nước thải từ nhà máy. Hiện công ty đã cho xây dựng bể chứa nước thải để xử lí. Tuy nhiên, bể chứa nước này luôn bị rò rỉ và thấm ra ngoài. Ngoài ra còn có hàng loạt đường ống nước nhỏ được xây nối từ phía trong nhà máy ra ngoài phục vụ việc xả nước thải. 

Phản ánh với phóng viên, nhiều người dân bức xúc cho biết, tại chỗ xả thải, nước màu vàng đục bốc mùi tanh rất khó chịu. Còn khi khói lớn từ nhà máy bốc ra, gặp đúng hướng gió sẽ bay vào khu dân cư, bao trùm cả hai thôn, tạo thành lớp không khí như sương mù… đứng gần cũng khó nhận

ra nhau. 

…Chính quyền bó tay?

Trước tình trạng trên, ông Hội hoài nghi: “Suốt 10 năm nay, chúng tôi kêu than, gửi đơn kêu cứu khắp nơi nhưng đến nay sự việc vẫn đâu vào đó. Chẳng nhẽ chính quyền lại bó tay?”. 

Để làm rõ hơn về phản ánh trên, phóng viên đã đặt lịch để trao đổi với đại diện chính quyền địa phương và được ông Trần Trường - Chủ tịch UBND xã Tân Dân cho biết: “Chúng tôi chưa nắm bắt được thông tin Nhà máy nhôm Đông Á, nhà máy gạch gây ô nhiễm môi trường. Nhà máy thì đã có giấy phép kinh doanh và đảm bảo an toàn về môi trường. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền các cấp tiến hành kiểm tra và đề xuất biện pháp xử lý”.

Ông Trường còn cho hay: “Hoàn toàn không có việc người dân bỏ hoang ruộng canh tác phía sau nhà máy và không nhận được đơn thư khiếu nại của nhân dân về việc này. Chúng tôi đã cung cấp mặt bằng cho nhà máy nhưng không có quyền giải quyết ô nhiễm và không được ra vào vì bảo vệ rất nghiêm ngặt, vì đó là doanh nghiệp nước ngoài… Muốn vào kiểm tra phải có sự đồng ý của cấp trên”. 

Điều này đồng nghĩa với việc người dân thôn Kỹ Sơn, xã Tân Dân sẽ phải tiếp tục sống chung với ô nhiễm ngay chính quê hương mình. Hơn nữa, có phần một số lãnh đạo chưa thực sự sát sao để xử lý tình trạng trên. Đã nhiều năm trôi qua, không biết kêu ai, nhiều người dân tự khắc phục bằng cách bỏ nhà đi nơi khác sinh sống, thậm chí bỏ cả đất canh tác… 

Tình trạng trên đòi hỏi có sự vào cuộc trở lại của các ngành chức năng, thường xuyên kiểm tra việc xả thải, gây ô nhiễm môi trường đã và đang tiếp tục làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe và tình trạng canh tác của nhân dân thôn Kỹ Sơn./.

Đọc thêm