Chất lượng ĐH giảm đi 60%?
Đơn cử, Đại học (ĐH) Y năm nay lấy điểm đầu vào 27 nhưng có tới 90% các em được cộng điểm ưu tiên. Như vậy, ngay điểm ưu tiên cũng không còn... ưu tiên khi tỷ lệ khá cao như vậy. TS Võ Thế Quân (Trường THPT Đông Đô) thẳng thắn đánh giá, đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua có cấu trúc chưa hợp lý, dẫn đến việc đánh giá chất lượng tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH không chính xác.
Bộ quy định 60% (6 điểm) câu hỏi mức cơ bản phục vụ xét tốt nghiệp, 40% (4 điểm) câu hỏi mức nâng cao phục vụ xét ĐH, cao đẳng (CĐ). Trong thang 10 điểm thì có tới 6 điểm là dành cho xét tốt nghiệp, 4 điểm là thi ĐH dẫn tới chất lượng đầu vào ĐH giảm đi 60%. Ví dụ: một học sinh đạt 10 điểm thì điểm xét ĐH thực chất là: 6 điểm phổ thông + 4 điểm ĐH... Do đó điểm xét vào ĐH thực chất chỉ có 4 điểm. Điều đó có nghĩa là chất lượng vào ĐH giảm đi 60%. (Đây là ví dụ mang tính tượng trưng - PV). Như vậy dẫn đến chất lượng đầu vào ĐH năm nay giảm sút.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS Văn Như Cương hết sức bức xúc khi cho biết, kỳ thi vừa qua được cho là thành công, đánh giá được năng lực học sinh, đó cũng chỉ là cách nói theo cảm tính. Thực tế, bài thi toán của kỳ thi vừa qua không khác gì bài thi toán của 10 năm, 20 năm về trước. Năm nào cũng là “Khảo sát hàm số”, “Giải phương trình, bất phương trình, không gian” sẽ không thể đánh giá được năng lực của học sinh ở trong đó.
Đồng thời, việc đưa môn thi tự chọn vào các môn thi tốt nghiệp đã dẫn tới tình trạng học lệch nghiêm trọng trong học sinh. Đánh giá tầm quan trọng của đề thi, GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) nhấn mạnh, trắc nghiệm phản ánh chất lượng kỳ thi, còn tự luận phụ thuộc năng lực người chấm, vì vậy, cần chuẩn bị thật tốt câu hỏi cho đề trắc nghiệm. GS Thiệp đề xuất nên chuyển tất cả các môn thi sang trắc nghiệm, riêng Toán và Văn có câu tự luận ngắn. Điều này cũng rút ngắn thời gian thi và giảm áp lực cho người học.
Đừng bận tâm tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao
PGS Văn Như Cương chia sẻ: “GS Hoàng Tụy nói quay lại kiểu thi cũ là tội ác đối với con em chúng ta. Tôi không độc ác, nhưng chúng ta cần xem có nên giữ kỳ thi THPT quốc gia? Nhiều chuyên gia giáo dục đề xuất tách thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH. Điều này đồng nghĩa việc trở về kỳ thi cũ nhưng được thực hiện dưới tinh thần mới: Tốt nghiệp giảm nhẹ, tăng tự chủ cho các trường trong tuyển sinh ĐH. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là 99% hay 100% không phải vấn đề quan trọng”.
Cùng quan điểm, GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng GD-ĐT nêu ý kiến, thi tốt nghiệp THPT nên theo hướng mang tính kiểm tra và giao cho các Sở GD-ĐT. “Chúng ta không nên quá quan tâm đến tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao” - GS Quân nói và cho rằng, có thể tạo nhiều kỳ thi tốt nghiệp THPT trong năm để giảm áp lực về một kỳ thi duy nhất.
Về số lượng môn thi tốt nghiệp, GS Trần Hồng Quân cho rằng nên thi tất cả các môn, tránh tình trạng học lệch, tăng cường học toàn diện. Việc tồn tại môn thi tự chọn dẫn đến ngay từ đầu vào THPT, học sinh chỉ học 4 môn dự kiến thi mà lơ là môn học khác. Ông Quân cũng cho rằng, thí sinh được đăng ký tới 16 nguyện vọng xét tuyển là không hợp lý, mà chỉ nên đăng ký 1-2 nguyện vọng về ngành thay vì vào trường, bởi ngành học mới là điều quan trọng sẽ theo đuổi các em cả đời.
Đối với việc tuyển sinh, PGS Văn Như Cương cũng đề nghị đây là việc của các trường ĐH, các trường muốn làm theo mô hình nào, cách thức tuyển sinh như thế nào là do các trường, miễn tuyển được người học có năng lực.
“Phải tách hai kỳ thi này ra, kỳ thi tốt nghiệp làm rất gọn nhẹ, xem như là kỳ thi học kỳ II của lớp 12. Tập trung cho kỳ tuyển sinh vào ĐH và để cho các trường tự làm kỳ thi này. Với các trường ĐH, tùy theo điều kiện, đặc thù để tuyển sinh. Về luật pháp, đã tốt nghiệp phổ thông là có quyền vào bất kỳ một trường ĐH nào nếu trường đó nhận” - PGS Văn Như Cương đề xuất.
Giám đốc Trung tâm Kiểm định Hiệp hội các trường CĐ, ĐH Việt Nam đề xuất, Bộ GD-ĐT nên thành lập và chuẩn hóa ngân hàng đề thi, tạo mặt bằng chung cho các trường trong việc tuyển sinh ĐH. Điều này cũng đồng nghĩa có thể tổ chức kỳ thi nhiều lần trong năm để giảm áp lực.
GS Trần Hồng Quân cũng cho rằng, phía Bộ GD-ĐT chỉ nên xây dựng nguyên tắc, quy chế. Bởi ở bậc ĐH, quan trọng nhất là quá trình học chứ không phải đầu vào, việc xét tuyển theo ngành cũng quan trọng hơn xét tuyển theo trường. Trường top trên nên lấy điểm xét tuyển cao ngay từ đầu để tránh tình trạng nộp - rút hồ sơ nhiều, giảm lượng thí sinh ảo; tránh việc tự chủ ĐH thành tự trị ĐH.../.