Hoài nghi quanh chiếc xe sang Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang sử dụng

(PLO) - Việc cán bộ sử dụng xe tư gắn biển số xanh là một biệt lệ đè lên pháp luật. Khi cán bộ giữ kỷ cương pháp luật lại phạm luật thì người dân sẽ ra sao?. Người dân làm sai bị phạt còn quan chức làm sai, ai phải chịu trách nhiệm?
Chiếc xe Lexus từng mang biển số xanh của Hậu Giang 95A-0699...
Chiếc xe Lexus từng mang biển số xanh của Hậu Giang 95A-0699...

Sau khi dư luận xôn xao bàn tán chiếc xe sang Lexus 570 mang biển xanh 95A-0699 (của cơ quan nhà nước tỉnh Hậu Giang) thường xuyên qua lại trên đường phố, lãnh đạo có trách nhiệm của địa phương đã lên tiếng giải thích, nhưng càng giải thích thì dư luận lại càng bất đồng vì những thông tin này cho thấy cách làm việc bất minh và chà đạp lên pháp luật.

Không có chế độ xe riêng nên mới đi “mượn”

Ngày 31/5, trao đổi với báo chí, ông Trần Công Chánh (Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang) cho biết, chiếc xe hiệu Lexus màu đen mang biển xanh trên do ông Trịnh Xuân Thanh (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang) đang sử dụng đi lại làm việc. “Tôi khẳng định Hậu Giang không dùng tiền ngân sách mua chiếc xe này. Chiếc xe này là xe cá nhân ông Thanh mượn người quen đưa từ Hà Nội vào sử dụng đi lại, làm việc”, Bí thư tỉnh nói. 

Theo ông Chánh, vào tháng 5/2015, ông Trịnh Xuân Thanh (Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí - Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam) được điều động giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Lúc đó thường trực UBND tỉnh thống nhất bố trí cho ông Thanh đi một chiếc xe bốn chỗ duy nhất mà Văn phòng UBND tỉnh đang sử dụng phục vụ văn phòng. Tuy nhiên ông Thanh từ chối với lý do tỉnh đang thiếu xe, nếu ông dùng thì không còn xe cho anh em đi, mà nếu mua thêm xe thì là gánh nặng cho ngân sách. Ông Thanh đề xuất sẽ mang chiếc xe từ Hà Nội vào sử dụng. 

Ông Thanh cũng xác nhận chiếc xe trên là ông mượn của một người em bà con bên vợ, mang từ Hà Nội vào sử dụng gần một năm nay. “Khi về Hậu Giang công tác, thấy địa phương khó khăn quá nên tôi mượn xe dùng để đỡ bớt gánh nặng ngân sách cho địa phương. Nay dư luận quy kết tôi dùng xe sang, nọ kia là không đúng”. Ông Thanh còn cho rằng người bán hàng rong nếu dành dụm tiền cũng mua được ô tô.

Theo lý lẽ này, ông Thanh có tinh thần tiết kiệm cho ngân sách là đáng khen. Ông có người em vợ quá tốt bụng. Nhà nước cũng không cấm việc cán bộ sử dụng xe tư nhân đi công tác. Nhưng đối chiếu vào quy chế sử dụng xe công của Chính phủ thì việc ông Thanh lấy xe tư nhân đeo biển xanh là “có vấn đề”. 

Về giá cả, chiếc xe Lexus 570 giá mới là khoảng sáu tỉ đồng, xe ông Thanh sử dụng là xe cũ được giới kinh doanh xe đánh giá từ 2 - 2, 5 tỉ đồng, quá cao so với ngưỡng quy định về giá xe dành cho quan chức. Theo Quyết định 32, trừ bốn chức danh lãnh đạo cấp cao (Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng) được dùng xe không khống chế giá, các chức danh khác đều có khống chế giá tối đa. 

Theo đó, cấp Trưởng ban của Đảng ở Trung ương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ… được sử dụng thường xuyên trong thời gian công tác một xe ô tô với giá mua tối đa 1.100 triệu đồng/xe. 

Phó Trưởng ban của Đảng ở Trung ương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách các tỉnh, thành, mức giá mua xe tối đa 920 triệu/xe. 

Như vậy, về giá, chiếc xe Lexus dù cho là cũ đã khấu hao, giảm  giá còn 2,5 tỉ cũng cao gấp đôi so với tiêu chuẩn xe của Bộ trưởng hay Bí thư Tỉnh ủy, gấp ba lần so với tiêu chuẩn của thủ trưởng trực tiếp của ông là Chủ tịch tỉnh. Liệu sự chênh lệch bậc thang giá trị này có ảnh hưởng đến thứ bậc quyền lực chức vụ ở địa phương?

...nay được thay lại biển số trắng.
...nay được thay lại biển số trắng.

Cấp bảng số xanh cho xe tư là phạm luật

Vấn đề quan trọng khác là dấu hiệu vi phạm pháp luật của hàng loạt cơ quan, cá nhân có trách nhiệm ở tỉnh Hậu Giang trong việc cấp biển số xanh cho xe tư nhân mà ông Thanh sử dụng. Thế nhưng một số quan chức địa phương và cả bản thân ông Thanh đều có vẻ xem đây là chuyện bình thường. Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang giải thích với báo chí rằng: “Lúc đó tôi là Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, rất hoan nghênh tinh thần chia sẻ khó khăn với tỉnh của ông Thanh. Sau khi ông Thanh mang xe vào, lãnh đạo tỉnh thấy rằng nếu ông Thanh dùng chiếc xe mang biển số trắng đi làm việc cũng không tiện, nên đã đề nghị Công an tỉnh cấp tạm một biển số xe công để ông Thanh tiện đi lại, làm việc trên địa bàn tỉnh”.

Quan niệm của ông Chánh “ngại” việc cán bộ nhà nước sử dụng xe tư nhân là không phù hợp với pháp luật. Khoản 4 Điều 6 Quyết định 32 đã quy định: “Trường hợp các chức danh … tự túc phương tiện, được khoán kinh phí sử dụng xe ô tô theo quy định tại Điều 14 Quyết định này”, nghĩa là Chính phủ cho phép cán bộ được sử dụng xe riêng, tự túc và có chế độ khoán kinh phí. Nếu ông Thanh sử dụng xe riêng, ghi đúng bảng số xe đã đăng ký thì việc đi xe sang chỉ mới là vượt chuẩn quy định; nhưng xe tư gắn biển số xanh là vi phạm pháp luật.

Việc đăng ký cấp biển số xe là công tác quản lý hành chính liên quan đến nhiều lĩnh vực như quản lý trật tự an toàn giao thông, quyền sở hữu của công dân, trách nhiệm dân sự trong bồi thường thiệt hại. Thẩm quyền cấp biển số là của ngành cảnh sát giao thông. Tuy nhiên đơn vị và cá nhân có thẩm quyền không thể tùy tiện cấp cho ai, biển số loại nào tùy thích, mà phải căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật.

Vậy nhưng Đại tá Võ Chí Thanh, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ (PC67), Công an tỉnh Hậu Giang cho rằng, nơi đây cấp biển số xanh cho ô tô ông Thanh là phù hợp, không sai. “Cấp biển số tạm cho lãnh đạo tỉnh là nghiệp vụ của ngành công an. Đây là việc được phép làm. Biển số xanh cấp cho xe cá nhân của Phó Chủ tịch tỉnh mang từ Hà Nội vào chỉ với mục đích sử dụng cho việc công chứ không có ý gì khác”, Đại tá Thanh nói. 

Không rõ Đại tá Thanh đã căn cứ vào quy định nào mà cho rằng việc cấp biển số tạm cho xe này là đúng? Chúng tôi tham khảo Thông tư 15/2014 của Bộ Công an quy định về việc đăng ký và cấp biển số xe, nhận thấy khoản 1 Điều 5 của Thông tư quy định cơ quan cảnh sát giao thông phải: “Thực hiện đúng quy định của Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến công tác đăng ký xe. Nghiêm cấm quy định thêm các thủ tục đăng ký xe trái quy định tại Thông tư này”. 

Cũng ở Điều 16 của Thông tư này quy định bảy trường hợp đăng ký cấp biển số tạm thời. Xe Lexus ông Thanh đi hoàn toàn không phù hợp với điều nào trong bảy điều này. 

Luật sư Nguyễn Trường Thành (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) cho rằng, không có quy định nào của Bộ Công an về việc cấp biển số xanh cho xe tư nhân. Chiếc xe trên có giấy tờ nguyên thủy là 29A-790.93, nay “đeo biển tạm” sai quy định, nghĩa là biển số sau về nguyên tắc là biển số giả. “Người nào cấp và sử dụng biển số giả là vi phạm pháp luật”, Luật sư Thành nói.

Theo Luật sư Thành, nếu xe tư nhân nào cũng được cấp biển số xanh như ở Hậu Giang thì việc cấp biển số sẽ “loạn”, không kiểm soát được. “PC67 nói lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo cấp biển số xanh cho xe tư nhân thì việc họ làm là sai. PC67 có quyền từ chối, vì làm sai trong trường hợp này là phạm pháp”, vị luật sư nêu quan điểm.

Những dẫn chứng đã nêu cho thấy việc quan chức sử dụng xe tư gắn biển số xanh là một biệt lệ đè lên pháp luật. Khi mà quan chức giữ kỷ cương pháp luật lại phạm luật thì người dân sẽ ra sao? Dân làm sai bị phạt, còn quan chức làm sai, ai phải chịu trách nhiệm?