Tuy nhiên, bà Đan và luật sư của mình đều phản đối việc Tòa từ chối thụ lý yêu cầu chia tài sản chung trên và cho rằng, việc Tòa “né” như vậy là do khối tài sản chung của đương sự có nhiều vấn đề “nhạy cảm”.
Biên bản lấy lời khai có dấu hiệu vi phạm
Vụ án ly hôn giữa bà Đan (bị đơn) và chồng là ông Trần Văn Công (SN 1966) được TAND huyện Kim Sơn thụ lý giải quyết từ tháng 10/2016. Tuy nhiên, theo thông tin từ bà Đan và Luật sư Trương Quốc Hòe (Văn phòng Luật sư Interla, Hà Nội - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Đan) thì hiện nay, TAND huyện Kim Sơn chỉ thụ lý giải quyết việc hôn nhân và tranh chấp nuôi con chung chứ không giải quyết tranh chấp tài sản chung.
Lý do được Thẩm phán đưa ra là: “Theo nội dung của buổi làm việc ngày 6/12/2016 thì bà Đan chỉ có yêu cầu về phạm vi giải quyết vụ án là giải quyết việc ly hôn và phân chia nuôi dạy con cái mà không đề nghị giải quyết việc phân chia tài sản”. Ngoài ra, Tòa án còn cho rằng đã quá 15 ngày mà bà Đan không nộp tạm ứng án phí nên Toà chỉ xử ly hôn, vấn đề tài sản sẽ xử ở một vụ án khác nếu có yêu cầu.
Phản đối cả hai lý do nêu trên, cả bà Đan và Luật sư của mình đều cho rằng, biên bản làm việc ngày 6/12/2016 không có giá trị vì có vi phạm nghiêm trọng. Biên bản này thể hiện việc Thẩm phán Nguyễn Hữu Mạnh làm việc với bà Đan tại nhà mẹ đẻ với sự chứng kiến của ông Phạm Xuân Tình (công an viên, Phó trưởng xóm 7c xã Cồn Thoi) nhưng lại không có chữ ký của bà Đan.
Ngoài ra, theo xác nhận của ông Tình với bà Đan thì ông này chỉ dẫn 2 cán bộ TAND huyện Kim Sơn xuống nhà bà Đan để đưa giấy triệu tập và hướng dẫn bà Đan làm bản tự khai để nộp tòa án vào ngày 13/12/2016. Buổi làm việc không hề lập biên bản. Ông Phạm Xuân Tình còn xác nhận chữ ký trong các biên bản do Tòa lập ngày 6/12/2016 không phải là chữ ký của mình.
Ngoài tài liệu trên thì trong hồ sơ của Tòa hiện còn có một biên bản làm việc được ghi cùng ngày 6/12/2016, thể hiện nội dung làm việc giữa Thẩm phán Nguyễn Hữu Mạnh với ông Tình và Trưởng Công an xã Cồn Thoi. Tuy nhiên, biên bản này không có chữ ký của ông Tình (chỉ có chữ viết Nguyễn Xuân Tình). Và theo như xác nhận của ông Tình như trên thì ông cũng không tham dự buổi làm việc này.
Trước nội dung này, Luật sư Hòe đã có văn bản đề nghị Tòa giám định chữ ký của ông Tình trong các biên bản làm việc trên để làm rõ việc có hay không buổi làm việc ngày 6/12/2016; có hay không việc bà Đan không yêu cầu chia tài sản chung?
Theo Luật sư Hòe thì nội dung biên bản trên còn vô lý ở chỗ, nếu Tòa đã xác định bà Đan không có yêu cầu chia tài sản chung thì tại sao Tòa này còn ban hành cái gọi là “Thông báo nộp tạm ứng án phí” cho bà Đan? Rồi sau đó lại cho rằng bà này không nộp tạm ứng án phí đúng thời hạn.
Trong khi đó, bà Đan khẳng định không hề nhận được bất kỳ văn bản tống đạt nào của Tòa án về việc nộp tạm ứng án phí. Vậy thì không biết Tòa đã thực hiện thủ tục tống đạt Thông báo này như thế nào? Ai là người nhận Thông báo và nhận vào ngày nào?
Tài sản chung có nhiều yếu tố “nhạy cảm”?
Theo bà Đan thì ngay từ đầu, khi Tòa án thụ lý vụ án theo đơn khởi kiện của ông Công, bà đã có yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng. Bà đã từng trình bày rõ ràng với Tòa yêu cầu của mình là “tôi có mong muốn được phân chia tài sản chung của vợ chồng trong cùng vụ án ly hôn và tạm tính tài sản chung của hai vợ chồng là hơn 16 tỷ đồng (yêu cầu chia đôi theo đúng quy định).
Bà Đan đã khai với Tòa về một loạt tài sản chung của vợ chồng. Đáng chú ý, nhiều tài sản trong số này được bà Đan cho là chồng mình đã “nhờ người khác đứng tên” vì ông Công hiện là Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Sơn nên không tiện đứng tên. Đơn cử như tài sản hình thành từ việc thu hoạch ngao, cho thuê lại các bãi nuôi thả ngao ven biển (từ năm 2009 đến nay) gồm: Hợp đồng thuê bãi ngao đứng tên ông T (phía Đông ngánh Đứt); Hợp đồng đứng tên ông V ở phía Tây ngánh Kim; Hợp đồng đứng tên ông P ở Cồn Nổi; Hợp đồng đứng tên ông Q ở phía Bắc Lạch Nghẽn; Hợp đồng đứng tên bà T ở phía Đông ngánh Kim…
Ngoài 5 hợp đồng mà chồng bà không trực tiếp đứng tên như trên, bà Đan còn cho rằng vợ chồng bà còn có một số khoản thu nhập từ việc chuyển nhượng bãi nuôi ngao (như năm 2014, chuyển nhượng bãi cho ông H được 100 triệu đồng).
Nếu trình bày của bà Đan trên đây là đúng sự thật thì rõ ràng tài sản chung của vợ chồng bà trong vụ án này là khá “nhạy cảm” vì các bãi ngao đều thuộc lĩnh vực mà ông Công được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước (nuôi trồng thủy sản). Thậm chí, ông Công còn là người được UBND huyện Kim Sơn phân công đo đạc, khảo sát, ký hợp đồng cho các hộ dân thuê bãi nuôi ngao.
Phải chăng, vì những tài sản mà bà Đan khai báo có nhiều bất minh, liên quan đến quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ của ông Công, liên quan đến việc chuyển nhượng trái phép “quyền thuê” bãi ngao… nên TAND huyện Kim Sơn không muốn “động chạm” và đã “đẩy” tranh chấp tài sản của vợ chồng ông này thành một vụ kiện khác?
PLVN sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến của phiên tòa sơ thẩm tại TAND huyện Kim Sơn tới đây.