Vụ “một gia đình chính sách bị mất đất” ở TP HCM: Năm thứ 32 vẫn trong vòng luẩn quẩn

(PLO) - Gia đình chính sách tha thiết được đối thoại với đại diện chính quyền để làm sáng tỏ vụ mất đất đã kéo dài 32 năm. Đáp lại điều này, UBND TP HCM chỉ vận động gia đình nhận “hỗ trợ” từ doanh nghiệp.
Ông Tạ Miên Linh đề nghị TAND TP HCM nhanh chóng đưa vụ việc ra xét xử

Yêu cầu đối thoại, nhiều lần được vận động nhận “hỗ trợ”

Ngày 1/4/2016, cơ quan chức năng quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) tiếp xúc với bà Y để thông báo kết quả giải quyết khiếu nại theo Công văn 4614/VPCP-KNTC ngày 14/7/2008 của Văn phòng Chính phủ. Trong đó công nhận việc Công ty TNHH MTV Khai thác Thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hoà (gọi tắt là Cty Dầu Tiếng, trước đây là Ban Kinh tế Dầu Tiếng) đồng ý hỗ trợ bà Y 2 tỷ đồng (trước đây chỉ là 81 triệu đồng). Tuy nhiên, bà Y không nhận vì mọi việc vẫn chưa làm rõ.

Bà Y tiếp tục khiếu nại nhưng đáp lại là việc Ban tiếp công dân thành phố chỉ đề nghị Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh kiểm tra việc tiếp xúc với bà Y để thông báo kết quả giải quyết khiếu nại theo Công văn 4614/VPCP-KNTC và thông báo của Văn phòng Chính phủ (công nhận việc hỗ trợ tiền). Trong khi đó, điều mà bà Y yêu cầu là có kết luận đúng, sai rõ ràng.

Bà Y sau đó nhiều lần đề nghị đối thoại với lãnh đạo UBND thành phố nhưng chỉ nhận được thông báo liên hệ với quận Bình Thạnh. Cho rằng quận Bình Thạnh chính là đối tượng bị khiếu nại và có dấu hiệu lảng tránh khi mình tới làm việc, bà Y kiên trì làm đơn đăng ký gặp Chủ tịch UBND thành phố để được đối thoại. Tuy nhiên, đề nghị này vẫn không được chấp nhận.

Ngày 19/8/2016, theo chỉ đạo của UBND TP HCM, UBND quận Bình Thạnh tiếp tục làm việc với bà Y để thông báo kết quả giải quyết khiếu nại theo Công văn 4614/VPCP-KNTC, vẫn chỉ đề cập việc Cty Dầu Tiếng chi hỗ trợ 2 tỷ đồng và lãi suất phát sinh. Bà Y tiếp tục từ chối và đề nghị được đối thoại với lãnh đạo thành phố.

Nguyện vọng của bà Y không được chấp nhận.  Thay vào đó, ngày 29/12/2016, bà Y chỉ được làm việc với Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh cùng đại diện các sở, phòng ban. Tại đây, bà Y lại được “năn nỉ” chấp thuận việc giải quyết khiếu nại bằng việc hỗ trợ của Cty Dầu Tiếng. Bà Y một lần nữa vẫn yêu cầu làm rõ trắng - đen thay vì nhận tiền.

Toà chờ thành phố đến bao giờ?

Hàng chục năm khiếu nại đến nhiều cơ quan từ địa phương đến trung ương, đề nghị đối thoại với lãnh đạo thành phố để làm sáng tỏ vụ việc nhưng bất thành, tháng 8/2016, bà Y khởi kiện UBND quận Bình Thạnh (cơ quan ban hành quyết định giao đất của gia đình bà cho đơn vị khác) đến TAND TP HCM. Tòa án đã thụ lý vụ kiện ngày 04/10/2016 nhưng đến nay vẫn chưa tổ chức hoà giải hay mở phiên tòa.

Theo diễn biến vụ kiện này thì vào tháng 11/2016, TAND TP HCM đã có Thông báo về việc thụ lý vụ án gửi cho UBND quận Bình Thạnh. Tuy nhiên, đến tháng 12/2016 thì toà án vẫn chưa nhận được văn bản ghi ý kiến và tham gia tố tụng của nên bị kiện. Sau đó, toà đã có văn bản nhắc nhở quận Bình Thạnh sớm có ý kiến, chuẩn bị hồ sơ vụ án và tham gia tố tụng.

Vụ kiện bị trì hoãn thời gian dài trong khi hiện trạng khu đất có nhiều thay đổi. Tháng 5/2017, bà Y kiến nghị toà có văn bản ngăn chặn hành vi làm thay đổi hiện trạng cũng như nhiều lần đề nghị sớm đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên đến tháng 7/2017, TAND TP HCM lại có văn bản gửi UBND TP HCM đề nghị trả lời 2 câu hỏi: “Trường hợp bà Y có phải thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN trước ngày 01/7/1991? Vì sao thành phố lấy đất của bà Y giao cho Công ty Khai thác Thuỷ lợi Dầu Tiếng?”.

Sau đó, cho rằng cần đợi UBND TP HCM cung cấp tài liệu chứng cứ, toà án đã ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án kể từ ngày 11/8/2017. Bà Y đã làm đơn gửi Viện trưởng VKSND TP HCM và Chánh án TAND TP HCM yêu cầu ra kháng nghị với quyết định này vì những câu hỏi mà Thẩm phán Đỗ Thị Kim Phượng (người được phân công giải quyết vụ án) yêu cầu UBND TP HCM trả lời là không cần thiết, làm chậm trễ việc xét xử vụ án.

“Gia đình tôi thuộc thành phần nông dân, không phải địa chủ hay tư sản, tư doanh nên không thuộc diện phải thực hiện cải tạo công thương nghiệp. Gia đình tôi là gia đình chính sách, có 3 liệt sỹ, tôi bị bại liệt từ bé thì sao lại có thể là đối tượng phải thực hiện cải tạo CHCN về đất đai. Thế nhưng tại sao toà vẫn yêu cầu thành phố trả lời?”- bà Y thắc mắc.

Sau nhiều tháng vụ án bị tạm đình chỉ, ông Tạ Miên Linh (người đại diện uỷ quyền của bà Y) vừa có đơn khiếu nại đến Chánh án TAND TP HCM về việc Toà hành chính TAND TP HCM chậm trễ đưa vụ kiện ra xét xử. “Đã hơn 1 năm từ khi toà thụ lý nhưng vẫn không tổ chức đối thoại hay hoà giải. Văn bản toà yêu cầu thành phố trả lời thông tin cũng không ấn định thời gian, như vậy nếu thành phố không trả lời thì toà cũng không xét xử? Tôi cho rằng đó là dấu hiệu cản trở tố tụng. Đề nghị toà sớm đưa vụ án ra xét xử”- ông Linh nói.

Đọc thêm