Vụ “tranh chấp đất và chia thừa kế” tại Gia Lâm: Giấy khai sinh của người hưởng di sản thiếu rõ ràng

(PLVN) -  Cho rằng quá trình giải quyết vụ kiện “tranh chấp quyền sử dụng đất và chia thừa kế”, Hội đồng xét xử TAND huyện Gia Lâm (TP Hà Nội) chưa xem xét đầy đủ, toàn diện các tình tiết chứng cứ của vụ án, phía bị đơn đã có khiếu nại gửi các cơ quan chức năng.
Ông Uyên trao đổi sự việc với phóng viên.

Theo hồ sơ, cụ Đinh Bá Hà (đã mất) có hai vợ, vợ đầu là cụ Vũ Thị Nhạn; có hai người con là bà Đinh Thị Phượng và Đinh Thị Vượng. Sau khi cụ Nhạn mất, cụ Hà kết hôn với cụ Trần Thị Ngân (thôn Kiêu Kỵ, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm) và có hai người con là bà Đinh Thị Thu Hân và Đinh Thị Thuấn. Theo cụ Ngân, cụ và cụ Hà không có con chung, bà Hân và bà Thuấn là con riêng của cụ Hà, được bà và cụ Hà mang về nuôi từ nhỏ cho đến khi cụ Hà mất. Ngoài ra, cụ Hà còn có một người con riêng với một người khác là bà Vũ Thị Lan.

Cụ Hà mất đi để lại tài sản gồm QSD 1.415m2 đất tại thửa số 357, tờ bản đồ số 4 xã Kiêu Kỵ và 1 ngôi nhà bê tông 1,5 tầng trên đất và đất nông nghiệp tại địa phương…

Cụ Ngân sau đó khởi kiện bà Vượng, bà Phượng ra tòa đề nghị tòa án chia tài sản chung giữa cụ Ngân và cụ Hà cho cụ một nửa 1.415m2 đất; một nửa giá trị ngôi nhà 1,5 tầng, phần còn lại của cụ Hà thì chia thừa kế theo pháp luật. Đồng thời cụ Ngân đề nghị tòa án xác định cụ Hà có 5 người con gồm các bà Phượng, Vượng, Hân, Thuấn, Lan.

Theo cụ Ngân, bà Lan trong giấy khai sinh không có tên cha (cụ Hà) “do cụ Hà sợ mang tiếng nên đã không khai sinh tên cha cho bà Lan, còn trong sổ hộ khẩu vì khai sinh không có tên cha nên phải nhận là cháu”.

Ngày 30/9/2020, TAND huyện Gia Lâm đưa vụ kiện “tranh chấp QSDĐ và chia thừa kế” giữa nguyên đơn cụ Trần Thị Ngân và bị đơn bà Đinh Thị Vượng, bà Đinh Thị Phượng ra xét xử và quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ Ngân.

Tòa án xác nhận cụ Hà kết hôn với cụ Nhạn năm 1952, tài sản chung gồm quyền sử dụng 1377,2m2 đất tại thửa đất số 24, tờ bản đồ số 17 thôn Kiêu Kỵ (theo bản đồ năm 1993-1994). Năm 1977 cụ Nhạn qua đời. Thanh toán giá trị tài sản chung vợ chồng, cụ Nhạn được hưởng 3 phần giá trị tài sản tương đương 413,2m2 đất, cụ Hà được hưởng 7 phần giá trị tương đương 963,9m2 đất. Phân chia di sản thừa kế của cụ Nhạn năm 1977, có 3 người được hưởng di sản của cụ Nhạn gồm: cụ Hà, bà Vượng, bà Phượng, mỗi người 137,66m2 đất. Tổng tài sản cụ Hà có sau khi phân chia tài sản chung vợ chồng và nhận di sản của cụ Nhạn có 1.101,6m2 đất.

Xác nhận cụ Hà kết hôn với cụ Ngân năm 1978, tài sản chung có tại thời điểm cụ Hà mất năm 2007 gồm quyền sử dụng 1.101,6m2 đất tại thửa đất số 24, tờ bản đồ số 17 xã Kiêu Kỵ (theo bản đồ năm 1993-1994). Xác nhận ngôi nhà 1,5 tầng thuộc quyền sở hữu của vợ chồng bà Vượng. Thanh toán giá trị tài sản chung vợ chồng của cụ Hà, cụ Ngân mỗi người được hưởng 50% giá trị tài sản tương đương 550,8m2 đất.

Chia thừa kế tài sản của cụ Hà để lại theo pháp luật. Hàng thừa kế thứ nhất của cụ Hà gồm: cụ Ngân, bà Vượng, bà Phượng, bà Hân, bà Thuấn, bà Lan. Xác định công sức người chăm sóc người để lại di sản và công sức tôn tạo di sản thừa kế tính bằng 1 kỷ phần cho cụ Ngân được hưởng một nửa kỷ phần, bà Vượng, bà Phượng mỗi người được một nửa kỷ phần….

Bà Vượng, bà Phượng và ông Nguyễn Bá Uyên (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn) cho biết, trong vụ việc này, trên thực tế, cụ Hà kết hôn với cụ Nhạn năm 1952 và có 2 người con chung là bà Vượng, bà Phượng và toàn bộ QSDĐ là tài sản chung của cụ Hà và cụ Nhạn. Cụ Ngân về sống với cụ Hà không có giấy đăng ký kết hôn, cụ Ngân yêu cầu chia thừa kế và chia tài sản vợ chồng thì cụ Ngân không có tài sản để chia.

Mặt khác, giữa cụ Hà và cụ Ngân cũng không có con chung. Cụ Ngân mang bà Hân và bà Thuấn về nuôi nhưng không làm thủ tục đăng ký con nuôi. Tại giấy khai sinh của bà Hân cũng có điểm mâu thuẫn. Có giấy khai sinh của bà Hân ghi cụ Hà sinh năm 1938, nơi sinh của bà Hân ở xã Lệ Chi (huyện Gia Lâm), có giấy thì ghi cụ Hà sinh năm 1928, nơi sinh của bà Hân là tại Trạm Y tế xã Kiêu Kỵ. Còn giấy khai sinh của bà Thuấn, phần chữ ghi trong giấy khai sinh thì bị mờ, không thể đọc được. Trong khi đó, bà Lan trong giấy khai sinh không có tên cha (cụ Hà) nên việc các bà này nhận được di sản thừa kế của cụ Hà để lại là chưa thỏa đáng.

“Sau khi xét xử vụ án, 46 ngày sau tôi mới nhận được bản án. Trong quá trình giải quyết, tôi cho rằng vụ án còn nhiều tình tiết, chứng cứ khách quan chưa được HĐXX cấp sơ thẩm xét toàn diện”, ông Uyên nói.

Đọc thêm