Tuân Úc nói: “Điền Phong cứng rắn nhưng hay phạm người trên. Hứa Du tham lam mà chẳng biết sửa mình. Thẩm Phối chuyên quyền nhưng vô mưu, Phùng Kỷ quả quyết nhưng tự phụ, hai người ấy ở lại chủ trì việc hậu phương, nếu gia quyến của Du phạm phép tắc, tất chẳng thể dung tha vậy, nếu chẳng tha, Du tất gây biến”, cuối cùng mọi việc “đều đúng như định liệu của Úc”.
Sự chính xác đến từng chi tiết ấy thực sự là lời Tuân Úc tiên tri, hay là lời của sử gia đời sau vẽ ra rồi nhét vào miệng Tuân Úc – giống như cách họ đã làm khi nhét câu chuyện con trai Viên Thiệu bị bệnh vào miệng Điền Phong?
Tiểu nhân và quân tử
Dù Tuân Úc có thực sự tiên đoán như vậy hay không, mâu thuẫn trong nội bộ tập đoàn Viên Thiệu là có thực. Trong suốt quá trình chiến dịch Quan Độ, ta thấy Quách Đồ gièm pha Thư Thụ, Trương Cáp; Thẩm Phối bắt giữ người nhà Hứa Du; Phùng Kỷ gièm pha Điền Phong mà thậm chí Thẩm Phối và Phùng Kỷ trước đó lại bất hòa. Sau khi Viên Thiệu chết, Thẩm Phối và Phùng Kỷ, Tân Bình với Quách Đồ lại chia làm hai phe đấu đá nhau.
Có thể nói, tập đoàn Viên Thiệu sụp đổ chủ yếu là do vấn đề xung đột nội bộ. Chung quy là do Viên Thiệu không có tài dùng người. Đúng như Trần Thọ phê phán Thiệu “bề ngoài khoan hòa, bên trong nghi kỵ, thích mưu mà không quyết đoán, có người tài mà chẳng thể dùng, nghe lời thiện mà chẳng đón nhận”, thất bại là chính xác, “chẳng phải là bất hạnh vậy”. Có thật thế chăng?
Trong số những mâu thuẫn đã kể, Thẩm Phối tấn công Hứa Du là vì người nhà Hứa Du phạm pháp. Đó là làm theo phép công nên không thể trách Phối. Thẩm Phối, Phùng Kỷ bất hòa, nhưng Phùng Kỷ rất quân tử. Anh hùng ký cho biết, lúc có người gièm pha Thẩm Phối, Thiệu đem việc hỏi Kỷ. Kỷ nói Phối “cứng cỏi, chính trực, có tiết tháo của cổ nhân, chẳng nên nghi ngờ hắn”.
Thiệu hỏi: “Ngài chẳng ghét hắn sao?”. Kỷ nói “lúc trước tranh giành là vì tư tình, còn ngày nay bày tỏ là vì việc nước”. Thẩm Phối bị đức độ của Phùng Kỷ cảm hóa. Phùng Kỷ đã không vì việc riêng mà tát nước theo mưa để hạ gục Thẩm Phối là kẻ đang được thời đắc thế, lẽ nào lại vì tư tình mà gièm pha Điền Phong đã thất bại, bị giam vào ngục?
Tiên hiền hành trạng khi viết về Điền Phong đã nói rằng Phùng Kỷ “sợ sự thành thật chính trực của Phong”. Nhưng Kỷ đã chẳng sợ sự “cứng cỏi, chính trực” của Thẩm Phối, há lẽ lại sợ sự “thành thật chính trực” của Điền Phong? Tác phẩm này mô tả Phùng Kỷ như tên gian thần, Viên Thiệu là chúa hôn ám, hát cùng một bài ca với Tam quốc chí. Tiên hiền hành trạng cho biết, Phùng Kỷ nói: “Phong nghe tin tướng quân lui về, vỗ tay cười lớn, mừng vì lời của mình đúng”.
Thiệu vì thế mới có ý giết Phong. Điều này tương hợp với lời của Tam quốc chí, Viên Thiệu nói: “Ta không dùng lời của Điền Phong, quả nhiên bị hắn chê cười”. Điền Phong là kẻ “cương trực mà phạm thượng”. Ông ta có chê cười Viên Thiệu hay không thì không rõ, nhưng nói xấu Viên Thiệu thì có thật. Điền Phong nói: “Nếu việc quân có lợi, ta tất vẹn toàn, nay quân bại trận, ta chắc chết rồi”. Điền Phong buông ra lời đó, khác nào bảo Viên Thiệu là tiểu nhân.
|
Viên Thiệu ban kiếm cho Điền Phong tự sát. Điền Phong bị giết là do uy tín quá cao, nhưng không còn ủng hộ Viên Thiệu nữa. |
Viên Thiệu cũng chưa chắc đã là kẻ hẹp hòi. Thư Thụ ban đầu khuyên Hàn Phức diệt Viên Thiệu, nhưng Thiệu vẫn trọng dụng Thụ. Tang Hồng chiếm giữ thành trì, làm phản Viên Thiệu. Thiệu vây đánh hơn một năm, đến lúc bắt được vẫn còn nói chuyện giả lả với Hồng, “ý muốn Hồng khuất phục, sẽ tha Hồng”. Tuy nhiên, cuối cùng Thiệu “thấy Hồng lời lẽ quyết liệt, biết rằng rút cục chẳng thể dùng được cho mình, bèn giết Hồng”.
Lời lẽ của Điền Phong tuy không quyết liệt, nhưng rõ ràng là cạn tình cạn nghĩa. So với Tang Hồng là cùng một tình thế. Huống hồ, Điền Phong “rút cục chẳng thể dùng được cho mình” không phải đợi đến khi Điền Phong buông ra câu nói đó.
Quân thần khác đường
Trong trận chiến Quan Độ có hai nhân vật bên phía Viên Thiệu bị mất đi quyền lực, đó là Điền Phong và Thư Thụ. Điền Phong là Biệt giá, là nhân vật số hai trong châu; còn Thư Thụ làm Giám quân, coi sóc quân đội. Về mặt chiến lược, hai người đều chủ trương chiến tranh dây dưa. Về mặt chính trị, hai người đều chủ trương cuộc chiến phò Hán.
Bản thân Thư Thụ trong lúc bàn luận đã mô tả quân đội của Viên Thiệu là kiêu binh chứ không phải đội quân chính nghĩa. Tập đoàn Viên Thiệu lúc ấy không ít người phản đối cuộc chiến vì lý do đó. Kỵ đô úy Thôi Diễm cũng cho rằng “thiên tử ở huyện Hứa”, nên “giữ lấy bờ cõi, tuân theo chức phận”. Đây là vấn đề chính trị lớn nhất mà Viên Thiệu gặp phải.
Cuộc chiến Quan Độ vốn nằm trong Long Trung sách của Viên Thiệu từ lúc họp quân đánh Đổng (“ngoảnh về nam để tranh thiên hạ”). Viên Thiệu muốn giành lấy thiên hạ để làm hoàng đế, không phải là phò tá bọn vua chúa nhà Hán để vừa mang danh Hán tướng, nhưng trở lại bị chửi là Hán tặc.
Viên Thuật muốn quy đế hiệu về cho Viên Thiệu. Thiệu đã chuẩn bị nhận lấy. Thiệu sai Chủ bạc Cảnh Bao tâu rằng: Xích đức của nhà Hán đã suy, mà vận của họ Viên đang lên, nên thuận ý trời. Thiệu đem việc ra bàn bạc, nhưng mọi người đều phản đối, cho rằng Cảnh Bao nói bậy, đòi giết đi. Hậu Hán kỷ cho biết: “Thiệu giết Bao để làm vui lòng mọi người, nhưng vẫn có mưu tiếm nghịch. Bởi thế Thiệu định xuất sư về nam để đánh Tào Tháo”.
Viên Thiệu nam chinh là bước trên con đường dứt khoát với nhà Hán, đồng thời cũng phải dứt khoát với đám thần tử thân ở Viên doanh tâm tại Hán. Biệt giá Điền Phong là quan văn, lập tức vì cớ can gián nhiều lần mà bị hạ ngục. Thư Thụ nắm binh quyền, nên phải mượn “lời gièm” của Quách Đồ. Thiệu chia Giám quân ra làm ba Đô đốc.
Thư Thụ, Quách Đồ, Thuần Vu Quỳnh mỗi người nắm một quân. Chức vụ Biệt giá của Điền Phong thì trao lại cho Thẩm Phối. Thẩm Phối hết sức trung thành với Viên Thiệu, còn Quách Đồ và Thuần Vu Quỳnh – theo Hiến Đế truyện - từng chủ trương nhà Hán đã đổ nát, đây là lúc nhà Tần mất hươu, ai bắt được thì làm vua.
Thư Thụ đã nhận ra xu thế chính trị này. Lúc chuẩn bị ra quân, Thư Thụ họp tông tộc đến chia của, than rằng: “thế đã mất thì chẳng giữ nổi tấm thân”. Đó là lo lắng cho bản thân. Em của Thư Thụ là Thư Tông không hiểu nguyên cớ sâu xa, cứ tưởng Thư Thụ sợ quân Viên thua trận nên hỏi một câu lãng nhách (“Quân mã của Tào Công chẳng địch nổi ta, sao anh lại sợ?”). Thư Thụ từ đó chuyển từ phe chủ trương dây dưa sang phe chủ bại, cuối cùng cáo bệnh không ra lo việc. Viên Thiệu lấy luôn số quân còn lại, trao cho Quách Đồ.
|
Thư Thụ biết rõ mình là đối tượng thanh trừng, nên trước khi xuất trận đã chia gia tài cho họ hàng. |
Tái sắp xếp quyền lực của Viên Thiệu là nguyên nhân sâu xa của thất bại Quan Độ. Thẩm Phối nắm quyền, liền trừng trị những điều phạm pháp của Hứa Du (Du là một trong những người bạn kết nghĩa vườn đào của Viên Thiệu). Quách Đồ mở rộng thế lực, liền mâu thuẫn với Trương Cáp. Kết quả, Hứa Du bỏ chạy, lương thảo bị đốt; Trương Cáp phản bội, quân Viên vỡ lở.
Tuy nhiên, đó là tiến trình tất yếu mà Viên Thiệu phải trải qua. Sau này Tào Tháo được thời đắc thế cũng đã phát động thanh trừng Hán thần. Tháo giết Khổng Dung, ép chết Tuân Úc, bức tử Thôi Diễm, trừ khử Dương Tu. Thôi Diễm thoát được độc thủ của Viên Thiệu, nhưng lại chết ở trong tay Tào Tháo – kẻ mà ông ta tưởng là trung thần quân tử.
Trận chiến Quan Độ được xem là thất bại chí mạng của tập đoàn Viên Thiệu. Kể từ đó Viên Thiệu sa sút, Tào Tháo phấn phát. Viên Thiệu lo buồn mà chết. Sự thật thế nào?
(Mời xem tiếp số sau)