Vương Hồng Sển kinh hãi trước "gu" ẩm thực của ông Cố vấn

(PLO) - Cụ Vương là người sành điệu trong ẩm thực, tinh tế với các món ăn cả Việt, Hoa, Kmer nhất là các món ăn hoang dã Nam bộ. Đến với Huế, ông rất sùng bái các món dân gian nhưng khi thưởng thức món ăn nhà cụ Cố Trầu thì ông như đụng phải cực hình. 
Vương Hồng Sển kinh hãi trước "gu" ẩm thực của ông Cố vấn
Kể về nỗi hụt hẫng đó, vẫn là những trang văn hài hước, hấp dẫn của ông: “Tôi sẵn đói và khát từ ban chiều, nay thấy trước mặt một ly bia lạnh mát là tôi không nhịn được, cứ việc hớp và ngà ngà lúc nào không hay? Trong nhà dọn ra để trước mặt mỗi vị quan khách một chén lớn bánh canh tôm, thịt và cua. 
Tôi múc một muỗng đầy đưa vào miệng, nhưng mùi tanh của tôm không mấy được tươi và mùi bánh canh nửa lạnh nửa nóng bắt tôi rùng mình, muốn ói ra. 
Tôi cúi gầm đầu xuống bên tay phải, định lén nhổ xuống đất giống gì nhờn nhờn ngậm lo trong miệng, bỗng tôi đánh thót giựt mình vì sát bên tôi có một con chó bẹt-rê a-lơ-măng (chó ngao Đức) to lớn, lưng đen hông vàng, cặp mắt sáng quắc, le lưỡi thè lè canh tôi nãy giờ. 
Tôi lật đật day đầu qua tay trái, cũng định nhả phứt cái gì đang ngậm xuống đất, nhưng chưa kịp nhả thì tôi thấy một con chó danois ngồi chồm hổm cách tôi không xa, và con chó nầy đầu chần vần trông còn dữ tợn bằng mấy con bẹt-rê kia nữa. 
Nguy quá tôi không còn dám nhúc nhích cục cựa gì được. Triết lý thầy Tàu đã dạy, phải biết “tiên bảo kỳ thân” (bảo vệ thân mình trước hết). Thôi thì, nay nhổ bên ni không được mà nhổ bên tê cũng không xong, bên nào cũng có tài cẩu (đại cẩu) chực hờ ra tay, không nhổ ra được thì chỉ còn một cách an toàn hơn cả là đừng cần biết vật kia tanh hôi đến bực nào và cứ nhắm mắt thủ tiêu nó vào bao tử. Đó là thượng sách!
 … Triết lý là đó! Ngẫm nghĩ tới đó, tôi buông cái muỗng bỏ mứa tô bánh canh và chụp lẹ ly bia thứ nhì, nuốt ực ực một hơi cho sạch miệng. 
Tôi đang bực mình, bỗng nghe một nữ sinh mời tôi xơi hột vịt lộn:
- Thầy ơi thầy, hột vịt lộn úp mề, ngon quá, thầy! Mời thầy xơi với chúng con?
- Hứ!, tôi trả lời, Ai đời ra đây mà ăn hột vịt lộn bao giờ? Muốn ăn hãy đợi về trong mình mà ăn. Trong Chợ Lớn bán rẻ rề, lại thêm được ở tại nhà, dẫu có chột bụng phá bụng thì cũng ít bất tiện như ở đây. 
Tuy vậy, lúc ấy tôi đã say nên không giữ lời và nói tiếp, nếu cháu ăn không hết thì cứ dời mấy đĩa hột vịt lại gần đây thầy thủ tiêu cho mà xem.
Lời nói là lời nói chơi, pha lửng với mấy cháu nữ sinh, không dè lọt vào tai ông cố vấn. Ông nghe được, nói tỉnh bơ: “Ăn hết cho về, ăn còn ở lại!”. 
Thế là kẹt! Ai biểu? Tôi trong bụng đánh lô tô từng hồi. Tôi phải nói nhỏ năn nỉ các cô nữ sinh, tội nghiệp thầy, lén dời mấy đĩa hột vịt ra xa, không thì thầy sẽ tử trận hôm nay tại Huế.
Tôi đang ngồi, trong ruột sôi ùng ục vì hai ly bia uống khi bụng trống, tôi liếc thấy mấy đĩa nem ngon lành sắp bên cạnh, vội gắp một chiếc cho vào mồm nhai trệu trạo, bỗng nghe dường như nem nầy khác lạ, sao lại nong nóng.
- Thưa ông, tôi hỏi nhỏ viện trưởng, nem ở đây như vầy hay sao? Tại sao nem lại ấm ấm nóng nóng như vầy?
- À, nem Huế thường người ta phải để cũ thì mới dai giòn, viện trưởng Luận đáp. Nay nem nầy chưa kịp cũ, còn mới quá. Muốn cho nó cũ đi, phải luộc sơ nên nóng”.
Ở đây, cụ Vương không chê trách món ăn về nguyên vật liệu nhưng cách chế biến, cách ăn làm ông vô phương tiếp nhận.

Đọc thêm