Vương Hồng Sển “xỉa răng cọp", Ngô Đình Diệm "đỏ tai trốn mặt"

(PLO) - Tính bạo chúa, tổng thống ngụy Ngô Đình Diệm khiến nhiều người sợ hãi. Ấy vậy mà có lần bạo chúa này “đổi ngôi”, sẵn sàng làm thông ngôn cho cụ Vương. Thú vị hơn, với sự châm biếm, khôi hài thâm thúy, cụ Vương đã nhiều lần làm ông Diệm phải đỏ mặt tía tai.
Phần 7: Ông lão bạo gan 
Tình huống bất ngờ, thú vị trong cuộc viếng thăm bất ngờ của Ngô Đình Diệm và vị khách đến từ Bắc Kinh bắt đầu từ tính kỹ lưỡng, thích dùng từ thanh lịch của ông Diệm lại gặp phải người gàn dở, ương bướng và hay châm biếm. 
Cụ Vương thuật lại: “Tôi mãi theo sau lưng, suy nghĩ lung tung, bỗng ông dừng bước, ngó ngay mặt tôi và chăm bằm nói trống: “Hãy nói tiếng Việt, tôi sẽ dịch lại. Không được dùng ngay tiếng Pháp. Nhớ chứ?”.
Nguyên do là ông Diệm và vị khách bất đồng ngôn ngữ, mỗi lần chủ khách trao đổi ý kiến, ông Diệm nói tiếng Pháp, ông khách nói rặt giọng Bắc Kinh. Một sĩ quan tùy viên cho ông khách phải nghe tiếng Pháp, dịch lại tiếng Hoa, như vậy chủ và khách mới hiểu được nhau. 
Cụ Vương nhiều năm làm thư ký, thông ngôn cho dinh thống đốc Nam Kỳ, có thể nói tiếng Pháp lưu loát với khách nhưng ông Diệm muốn kiểm duyệt nội dung nên muốn mình làm phiên dịch. Cái tính cà rỡn, chọc ngoáy cụ Vương đã nổi lên sau đề nghị này và ông đã quyết định chơi trò "xỉa răng cọp".
Cụ Vương viết: “Ông dặn bấy nhiêu lời, tôi dạ một tiếng cụt ngủn, nhưng nhỏ nhẹ lễ phép. Trong lòng, tôi mừng còn hơn trúng số độc đắc. Vô tình, ông đưa cán dao cho tôi nắm để ông cầm dao phần lưỡi. Ông giành nghề thông ngôn với tôi, rồi sẽ biết. 
Ông là tổng thống, tôi chẳng qua một thư ký quèn, ăn lương công nhật. Ngoài mặt tôi làm tuồng cung cung kính kính, trong thâm tâm tôi trúng tủ, giữ phần ăn chắc như đánh bài cào, ông chín nút, tôi chộ ba Tây?. Làm nơi viện bảo tàng suốt mười mấy năm nay, tôi đã quá cháo chan thông thuộc và biết éo le từng món cổ vật như đồ chơi để trong túi”.
Ông tổng thống đi đến giữa phòng Cổ Cao Miên, đứng lại lấy gậy nhịp nhịp vào một khối đá vuông và to, đầu tròn, đặt ngay trung tâm phòng nầy và hỏi trống:
- Cái chi đây?
- Thưa tổng thống, viên đá này, chữ Phạn gọi linga, tiếng Việt dịch sợ khó nghe.
- Cho phép nói.
- Dạ thưa, đó là cái ngọc hành, đạo Bà la môn thờ dương vật làm thần tạo hoá, sinh sinh biến biến, vũ trụ cũng là đó. Phạn tự gọi linga, Pháp giữ y cũng gọi linga, không đổi.
Tôi vừa nói câu này, bỗng thấy tổng thống đỏ mặt nhưng thản nhiên dịch lẹ:
- Đây là hòn đá thiêng của đạo Bà la môn, gọi linga, các người biết chứ? (Cesl une pierre sacrée du culte brahmanique, le linga, vous le savez bien?). Rồi ông lật đật xách gậy, lẹ làng bước qua chỗ khác. 
Tôi chạy theo định giới thiệu ông đứng lại xem một tượng Phật đá ngồi buông thòng hai chân xuống đất theo điệu ngồi Tây phương, không như các tượng Phật khác, ngồi xếp bằng theo điệu tham thiền thường thấy, nhưng ông chưa hết đỏ mặt, giả chước không nghe và vẫn bước tới trước, tự tìm những cổ vật lạ để ngắm xem lấy mình.
Linga, một linh vật của đạo Bà La Môn.
Linga, một linh vật của đạo Bà La Môn. 
Tôi thầm phục ông là người có bản lĩnh, không phải bất cứ ai muốn dẫn dắt, “xỏ mũi” ông thế nào ông cũng nghe. Đến đây tôi giật mình, tự xét tốt hơn là phải biết an phận, ông hỏi gì sẽ liệu mà ứng đối, không nên láu táu mà bỏ mạng sa tràng với ông. Nãy giờ tôi mới hiểu thâm ý của tổng thống. 
Sở dĩ ông bắt buộc tôi nói tiếng Việt cho ông dịch lại tiếng Pháp là đề phòng sợ tôi nói ngay Pháp ngữ rủi có sơ hở lỡ lời, lấy lại không kịp, và như vậy là ông cố ý muốn duyệt lại những gì tôi trình bày, liệu cái gì chính đáng ông sẽ dịch, cái gì thừa thãi có hại ông sẽ bỏ bớt, như vậy ông sẽ làm chủ câu chuyện và giữ được bí mật. Quả ông cao thâm lắm và vì tôi còn thấp trí nên khinh thường. 
Tổng thống thông qua chuyện linga là nhẫn nhịn lắm, xong rồi nu na đi tới trước. Tôi lại có dịp so sánh và cân nhắc các nhân vật hiện diện bữa ấy. Nhưng tôi để ý nhất là ông tuỳ giá quan, ông này mới là một nhân vật đặc biệt. 
Ông mặc quân phục cấp tướng, rất vừa vặn đúng thời trang, và có lẽ ông ở đất Pháp và học Pháp văn lâu năm lắm cho nên ăn nói văn hoa bóng bảy giọng đúng giọng kinh thành Paris lắm. Còn ông tổng thống chúng tôi, thật ra tôi không dám khinh thị ông, nhưng nghe ngóng và dò xét buổi tiếp kiến này thì ông sử dụng tiếng Tây cũng không chi đặc sắc, bất quá là bá quốc, ông nói tiếng Pháp y một kiểu với bọn xơ-krê-téc quét bu-rô (thư ký) như tôi, chớ gẫm lại không hơn, và về giọng nói thì Ơ-nam Huế rặt”.
Thông ngôn đâu phải dễ
Sự phong phú của thiên nhiên miền Nam cũng trở thành vấn nạn. Vừa thoát cái linga, cụ Vương lại gặp phải một “tai nạn” khác là loại cây đặc biệt của miền Nam. Nhưng lần này ông Diệm khá bản lĩnh vượt qua bằng kỹ thuật tóm lượt nội dung. 
Cụ Vương kể: “Tổng thống vui vẻ bước qua phòng Đế Thiên Đế Thích. Nhưng đến đây ông khách thân mật lấy tay chỉ một pho tượng phật bằng gỗ cao trên ba thước dựng sát vách và lấy mắt hỏi tổng thống. Ông tổng thống lấy cây gậy nhịp nhịp dưới sàn gạch hoa, tôi biết ý bước lại gần, ông hất hàm hỏi: 
- Phật này bằng gỗ gì, làm đời nào?
- Thưa tổng thống, vị phật này trước năm 1945 nhà học giả Malleret đem về từ ruộng sâu làng Phong Mỹ ở Đồng Tháp Mười. Phật làm bằng gỗ mù u và có lẽ đã có từ đời tiền Đế Thiên tiền Đế Thích, tức đã lâu đời lắm. Gỗ mù u, danh từ chuyên môn La tinh gọi gỗ “Calophyllum inophyllum”.
- Gỗ chi? - Tổng thống cắt ngang lời tôi nói, vì có lẽ ông không biết nên dịch ra làm sao danh từ lạ tai “Calophyllum inophyllum” này.
- Dạ thưa, gỗ mù u. - Và để ông dễ hiểu, tôi lật đật nói trớ lại - Thứ gỗ này, ở miền Nam mọc nhiều, quả nó tròn làm gáo múc dầu, mủ nó xức ghẻ mau lành lắm.
- Đây là tượng phật bằng gỗ - Tổng thống nương lời tôi nói mà dịch lại - Gỗ tìm gặp ở Đồng Tháp Mười, xưa gần ngàn năm làm bằng gỗ mù u, thứ gỗ này mủ nó dùng trị ghẻ. 
Tổng thống dịch và đưa mắt liếc tôi, tựa hồ nói: “Ta dịch sao, mi không cần biết”. Thú thật tôi đâu dám bất kính tìm hiểu tổng thống dịch sát nghĩa hay dịch không sát nghĩa. Tôi cần ông đừng la lối rầy rà tôi là quý.
Một lần gặp vua là một vinh hạnh cả đời, huống hồ chi lần này lại được vua làm phiên dịch cho một vị thượng khách nước ngoài, lại cắc cớ chơi trác vua bằng những chuyện lắc léo, thế nhưng khi xong việc cụ Vương vẫn điềm nhiên xem đây là chuyện qua sông thoát nạn. 
Cụ Vương kết lại câu chuyện thật ý nhị: “Tổng thống và vị tân khách bước qua phòng mỹ thuật Trung Hoa, đến đây tôi mừng được thoát nạn như kẻ tắm sông sắp lội vào bờ, vì đối với một ông Tàu và một ông cựu quan thượng triều đình Huế, trước mỹ thuật Trung Hoa tôi nào dám “ban môn lộng phủ” (múa rìu qua mắt thợ). 
Qua tới phòng mỹ thuật Việt Nam, hai ông dừng lại trước một tủ kính, trong có chưng một bức bình phong Pháp lam (cloisonné) xinh xinh, đế làm bằng gỗ trắc quý trổ ra hình chữ “Vương” có vân mây bao trùm, xem khéo lắm.
- Cái ni là cái chi? - Tổng thống hỏi.
- Dạ thưa, đây là bức bình phong Pháp lam của vua Minh Mạng, có bài thi ngự chế.
Ông chống gậy cúi xuống xem, hai người cùng đọc bài thi chữ Hán. Bỗng ông tổng thống dõng dạc nói: 
- Mấy người biết chứ! Các vị tiên vương nước Đại Nam đều là thi sĩ. Đây là một bài ngự chế của ngài Minh Mạng đó.
Cắt nghĩa xong, tổng thống đưa khách qua phòng mỹ thuật Ốc Eo. Không ngó vật nào, và ông bước đi thoăn thoắt, không cần biết đến ai, tay xách gậy ngoe nguẩy bước ra đại môn. Bọn tuỳ tùng ráp lại tiền hô hậu ủng và tôi thoát nạn. 
Vị tân khách Tàu nán lại day qua tôi, nói một tràng tiếng Quan thoại. Trong xâu dài dọc tôi chỉ hiểu được hai tiếng “tố chè” (đa tạ). Ông tướng quân to lớn xiết tay từ giã, niềm nở như bạn quen từ thuở nào”.
Kết thúc buổi tham quan cùng tổng thống ngụy và ông Khách, cụ Vương Hồng Sển đúc kết: “Cũng chưa phải là thần thánh gì. Vậy mà có đứa vào chầu, khi trở ra, đi thụt lùi làm chi đến bể chậu quý? Lại có thằng nào đó, nịnh thôi là nịnh, bỏ cả cha mẹ ông bà, để xin rửa tội nhập đạo Thiên chúa, rốt cuộc rồi cũng bị cho ra rìa. Còn mình, biết chừng nào được thảnh thơi, khỏi kiếp làm công chức tạm, khỏi chào cờ, khỏi chầu hầu phiền phức? Lại khỏi mỗi thứ hai hát bài “suy tôn”. Ông không nắm tay tôi, mà ông tự làm thông ngôn cho tôi. Còn khoái gì bằng, ráng nhớ để viết bài trước khi đậy nắp quan”.

Đọc thêm