Sinh ra đã bất hạnh
Khi chúng tôi tìm đến phòng tranh, Châu đang miệt mài từng nét vẽ để hoàn thành nốt bức sơn dầu “Bướm hoa”. Vẽ tranh bằng tay vốn đã không dễ dàng nên đối với em phải dùng miệng để vẽ càng khó hơn gấp bội. Bù lại, những tác phẩm của họa sĩ trẻ này rất sinh động, mang phong cách riêng, không hề thua kém tranh của những đồng nghiệp vẽ tay và được người trong nghề đánh giá cao.
Nếu không nói ra, ít người nghĩ rằng những bức họa ấy được vẽ từ miệng. Đưa mắt nhìn vào thành quả lao động của mình, Châu khiêm tốn kể về tuổi thơ đầy gian truân và quá trình phấn đấu, nỗ lực với không ít mồ hôi và cả nước mắt.
Lê Minh Châu luôn tươi cười và có nghị lực sống phi thường |
Châu là con thứ ba trong gia đình nghèo có 4 người con ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Bất hạnh hơn các anh chị em, khi vừa lọt lòng, cậu bé đã mang trong người chất độc màu da cam khiến thân thể dị dạng tay chân teo quắp không thể làm được những công việc như người bình thường.
Gia cảnh khó khăn, khi tròn 6 tháng tuổi, Châu được đưa vào làng trẻ em Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM) để được nuôi dưỡng và học chữ đến khi 12 tuổi cậu mới nhận lại cha mẹ. Tuổi thơ, Châu sống trong sự thiếu vắng tình thương của người thân, xung quanh là những người bạn đồng cảnh ngộ nhưng em vẫn luôn lạc quan, tràn đầy niềm tin yêu cuộc sống.
Châu tự làm mọi việc như người lành lặn, ít khi nhờ ai. Nếu đôi tay yếu ớt không thể cầm chặt được những vật nặng thì cậu dùng miệng làm thay. Đôi chân teo tóp, chỉ di chuyển bằng đầu gối nhưng cậu bé rất năng động tích cực tham gia đá bóng, bơi lội để rèn luyện sức khỏe. Châu đã từng lập một đội bóng gồm những người bạn khiếm khuyết. Họ thường xuyên giao lưu thi đấu với những đội bóng lành lặn khác vào mỗi dịp cuối tuần.
Năm 2000, làng Hòa Bình mời họa sĩ đến vẽ trang trí các phòng học. Dịp này đã đánh dấu mốc quan trọng trong cuộc đời Châu. Cậu bé bị thu hút bởi những nét vẽ đầy màu sắc của ông họa sĩ. Từ đó, em bắt đầu yêu thích hội họa và dốc sức học vẽ để thỏa niềm đam mê cháy bỏng.
Sau 1 năm miệt mài, khổ luyện bàn tay Châu đã sử dụng ngọn cọ, vẽ được những nét thô từ cơ bản đến tỉ mỉ, phức tạp theo ý muốn. Thành quả ấy đã khích lệ em không ngừng nỗ lực để đến gần hơn với lĩnh vực hội họa. Đến năm 2004, Châu đã tự vẽ thành thục những bức vẽ hoàn chỉnh được thầy và bạn bè trong lớp khen ngợi, đánh giá cao.
Hai năm sau, họa sĩ khiếm khuyết này đã cho ra lò những bức tranh phong cảnh đầu tiên. Hình ảnh được lấy từ những cảnh thật ngoài đời rất sống động, truyền cảm, được khách hàng ưa chuộng. Điều này đã tiếp thêm sức mạnh để họa sĩ nhí tin yêu vào bản thân và cuộc sống. Từ đấy, Châu không ngừng tìm tòi học hỏi thêm tài liệu về hội họa để mở rộng kiến thức và lòng yêu nghề.
Không gì là không thể
Định mệnh lại lần nữa trêu đùa, khi một tai nạn bất ngờ xảy đến gần như cướp đi hết mọi thành quả phấn đấu của chàng họa sĩ khiếm khuyết này. Trong một lần đá bóng, Châu bị té ngã chấn thương nặng ở tay phải. Thương tật đã khiến em không thể cầm cọ vẽ như trước được nữa.
Vụ tai nạn khiến Châu rất buồn vì phải đối mặt với vô vàn thử thách. Bởi mọi thứ đều bắt đầu lại từ con số 0, chính xác hơn là con số âm. Không từ bỏ niềm đam mê hội họa, Châu quyết định chuyển sang tập vẽ tranh bằng miệng.
Họa sĩ Lê Minh Châu miệt mài vẽ tranh bằng miệng |
Vẽ tay vốn đã lắm công phu thì khi phải dùng miệng ngậm cọ vẽ khó khăn càng tăng gấp bội lần. Những đường nét nguệch ngoạc như trêu ngươi, chọc tức em. Hằng ngày, Châu kiên trì dùng răng giữ chặt ngọn cọ trong miệng tập vẽ từng đường nét cơ bản, đến phức tạp để làm lại từ đầu.
Sau mỗi buổi tập, cơ hàm đau nhức, cổ mỏi vô cùng, thường xuyên bị cọ làm xay xát dập cả môi ăn uống đau rát ứa cả nước mắt. Nhiều lần, Châu nuốt cả bột vẽ, dầu vẽ bị rơi vào miệng.
Châu nhớ lại: “Hồi ấy, em tập vẽ bằng miệng cực lắm. Rất khó điều khiển cây cọ vẽ theo ý mình, lần nào tập vẽ miệng cũng bị trầy xước, có hôm bỏ cả cơm, nước. Niềm đam mê hội họa đã giúp em vượt qua trở ngại để có thể dùng miệng sử dụng cọ uyển chuyển vẽ như ý muốn của mình”.
Châu luôn tự nhủ lòng mình không được gục ngã, chán chường buông xuôi số phận mà phải kiên trì luyện tập đến cùng. Phải luyện cho đến khi miệng có thể làm chủ ngọn cọ, vẽ được những nét sắc bén, tinh xảo như vẽ bằng tay.
Với sự quyết tâm cao độ, Châu âm thầm ngậm cọ vẽ suốt ngày đêm, mọi lúc, mọi nơi cả những khi đi chơi cùng bạn bè. Nhờ cần mẫn, Châu đã dần lấy lại phong độ ngày xưa. Kĩ thuật vẽ tranh miệng ngày càng hoàn thiện đến mức điêu luyện vẽ ra nhiều bức tranh đặc sắc đưa tên tuổi em trở thành một họa sĩ có tiếng như hiện nay.
Châu trở thành một họa sĩ đa phong cách, sáng tác được nhiều thể loại: từ tranh phong cảnh, chân dung cho đến trừu tượng. Cảm hứng chủ yếu xoay quanh đề tài phong cảnh thiên nhiên với những đường nét đơn giản mà sống động như thật được tác giả gửi gắm những nỗ lực, những ước mơ cháy bỏng của mình.
Đặc biệt, Châu được tiếng là “cây vẽ tranh chân dung” được nhiều bạn trẻ yêu chuộng. Khách hàng của em không chỉ ở trong nước, mà nhiều người ở Mỹ, Pháp, Nhật cũng liên hệ đặt mua tranh thông qua trang mạng xã hội Facebook.
Bức chân dung được họa sĩ vẽ bằng miệng |
Khi ngắm tác phẩm của Châu, ai cũng cảm thấy bất ngờ và thú vị khi biết chúng được vẽ từ miệng. Chính điều này khiến mọi người không ngớt trầm trồ thán phục nghị lực vượt khó phi thường của một cậu bé bị nhiễm chất độc da cam. Hoàn thành một bức tranh, họa sĩ khiếm khuyết này phải bỏ sức làm việc liên tục suốt nhiều giờ liền, có bức mất cả tuần liền. Tuy vậy, tác phẩm lại có giá khá “mềm”, có khi Châu tự bắt xe ôm để trực tiếp đến giao tranh cho khách hàng.
Ngoài việc vẽ tranh, Châu còn tất bật học văn hóa để nâng cao kiến thức. Em luôn mày mò, chịu khó học tập nên thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Nhật. Năm 2014, Châu rời làng Hòa Bình bắt đầu cuộc sống tự lập. Em đã mở một phòng tranh trên đường Lê Hồng Phong (ở quận 10, TP.HCM) để làm kế mưu sinh và mở một lớp dạy vẽ tranh gieo mầm nghệ thuật cho trẻ em đủ mọi quốc tịch từ 6 đến 12 tuổi tại quận 7. Cả thầy trò đều giao tiếp bằng tiếng Anh mỗi khi đứng lớp.
Những lúc rảnh rỗi, Châu thường tham gia các chương trình tình nguyện dành cho người khuyết tật, gặp gỡ bạn bè, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho những người cùng cảnh ngộ giúp họ hòa nhập cuộc sống.
Mô tả ảnh |
Những bức tranh của họa sĩ Lê Minh Châu |
Châu quan niệm rằng: “Trong cuộc sống không gì là không thể, nếu bạn biết nỗ lực làm việc hết mình chắc chắn sẽ có thành tựu. Nếu người bình thường cố gắng phấn đấu 1 thì chúng ta - những người tật nguyền sẽ phải phấn đấu đến 10 mới đủ để thực hiện ước mơ hoài bão”.
Niềm đam mê hội họa đã giúp Châu xoa dịu đi nỗi đau mà chất độc màu da cam đã gây cho mình ra để bước qua bất hạnh, khiếm khuyết trở thành một người hữu dụng cho bản thân, gia đình và xã hội. Em đã trở thành tấm gương sáng về nghị lực sống của giới trẻ trong nước và thế giới.
Thông qua cuộc đời Châu, nữ đạo diễn người Mỹ Courtney Marsh đã làm bộ phim tài liệu ngắn: “Chau, Beyond the Lines” dài 34 phút để đưa hình ảnh Châu đến với cộng đồng quốc tế. Bộ phim đã lọt vào danh sách 5 đề cử chính thức giải Oscar năm 2016./.