WTO sắp có nữ Tổng giám đốc đầu tiên

(PLVN) - Người phát ngôn Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thông báo tổ chức này sẽ có nữ lãnh đạo đầu tiên, sau khi hai nữ ứng cử viên gồm Ngozi Okonjo-Iweala (Nigeria) và Yoo Myung-hee (Hàn Quốc) đã lọt vào vòng cuối cùng trong cuộc chạy đua trở thành tân Tổng giám đốc WTO.
Hai nữ ứng viên Ngozi Okonjo-Iweala (Nigeria, bên phải) và Yoo Myung-hee (Hàn Quốc).
Hai nữ ứng viên Ngozi Okonjo-Iweala (Nigeria, bên phải) và Yoo Myung-hee (Hàn Quốc).

Kết quả cuối cùng sẽ công bố vào đầu tháng 11 tới 

Quá trình lựa chọn tân Tổng giám đốc WTO bắt đầu từ ngày 14/5 khi ông Roberto Azevedo bất ngờ thông báo sẽ từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ 1 năm. Sau đó, ông đã rời nhiệm sở ngày 31/8 vừa qua.

Tại vòng 1, các ứng cử viên gồm Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox, Quốc vụ khanh phụ trách Thể thao, Văn hóa và Di sản Kenya Amina C. Mohamed và ông Mohammed Maziad Al-Tuwaijri của Saudi Arabiaal-Tuwaijri, bà Okonjo-Iweala và bà Yoo Myung-hee đã bị loại khỏi cuộc đua.

Vòng tham vấn thứ 2 bắt đầu từ ngày 24/9 đến ngày 6/10, trong đó mỗi thành viên WTO đưa ra 2 lựa chọn ứng cử viên ưu tiên trong số 5 người trên. Sau vòng tham vấn này, 3 nam ứng cử viên đã bị loại khỏi cuộc đua. Ở vòng 3 cũng là vòng cuối cùng, đại diện các nước thành viên sẽ chọn nhà lãnh đạo mới của WTO trong số 2 ứng cử viên trụ lại sau 2 vòng đầu. 

Theo Guardian, quá trình bầu chọn sẽ diễn ra cho tới hết ngày 27/10 và cái tên cuối cùng được chọn sẽ được thông báo vào đầu tháng 11.

Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.
 Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. 

Bà Yoo Myung Hee dành cả sự nghiệp 30 năm qua nhiều vị trí phụ trách thương mại và ngoại giao trước khi đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Thương mại trong Chính phủ hiện tại ở Hàn Quốc. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên giữ chức này.

Bà Yoo tuyên bố sẽ cải tổ WTO bằng cách khôi phục và củng cố các hệ thống đa phương, cũng như làm trung gian giữa những xung đột thương mại của Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia thành viên quyền lực nhất. Với kinh nghiệm đàm phán với Mỹ và thời gian làm việc ở Trung Quốc, bà Yoo hy vọng điều đó sẽ giúp đạt được mục tiêu của mình.

Trong khi đó, bà Okonjo-Iweala đã giữ vị trí Bộ trưởng Tài chính của Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, trong hai nhiệm kỳ và từng là Ngoại trưởng nước này trong một thời gian ngắn. Bà cũng từng là Giám đốc quản lý, vị trí số 2 tại Ngân hàng Thế giới (World Bank) và có 25 năm làm việc tại tổ chức này.

Bà Yoo Myung-hee.
Bà Yoo Myung-hee.  

Trở lại với tuyên bố từ chức sớm một năm so với nhiệm kỳ của ông Roberto Azevêdo (nhiệm kỳ 4 năm lần thứ hai của ông Azevêdo đúng ra sẽ kết thúc vào tháng 9/2021), quyết định này của nhà ngoại giao Brazil 62 tuổi đã khiến các quan chức ở Geneva và Brussels bất ngờ. Theo New York Time, WTO vốn đang đối mặt nhiều khó khăn, nay lại mất đi một người ủng hộ thương mại mở và hợp tác quốc tế, quan điểm trái chiều với ưu tiên của Tổng thống Donald Trump.

Các hoạt động của WTO bị tê liệt từ cuối năm 2019 xuất phát từ việc chính quyền của Tổng thống Trump yêu cầu cải cách vì “những điều khoản bất công với Mỹ”. Ông Trump khi đó từ chối phê chuẩn các ứng cử viên vào Cơ quan Giải quyết Tranh chấp WTO, khiến tổ chức này có nguy cơ phải ngừng hoạt động. 

Việc từ chức của ông Azevêdo để lại khoảng trống lãnh đạo WTO ngay thời điểm khó khăn đối với nền kinh tế thế giới, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, ông Azevêdo cho rằng việc từ chức không liên quan đến căng thẳng với chính quyền của Tổng thống Trump. Ông nói muốn để các thành viên của WTO bắt đầu chọn người kế nhiệm, điều thường là một quá trình khó khăn.

Từng là mục tiêu chính của phong trào chống toàn cầu hóa

Chính thức được thành lập vào ngày 1/1/1995, WTO  là một tổ chức quốc tế đặt trụ sở ở Genève, Thụy Sĩ, có chức năng giám sát các hiệp định thương mại giữa các nước thành viên với nhau theo các quy tắc thương mại. Hoạt động của WTO nhằm mục đích loại bỏ hay giảm thiểu các rào cản thương mại để tiến tới tự do thương mại. 

Mọi thành viên của WTO được yêu cầu phải cấp cho những thành viên khác những ưu đãi nhất định trong thương mại, ví dụ (với một số ngoại lệ) những sự nhượng bộ về thương mại được cấp bởi một thành viên của WTO cho một quốc gia khác thì cũng phải cấp cho mọi thành viên của WTO. Trong thập niên 1990, WTO là mục tiêu chính của phong trào chống toàn cầu hóa.

Quá trình để trở thành thành viên của WTO là khác nhau đối với mỗi quốc gia muốn tham gia, và các quy định về quá trình gia nhập này tùy thuộc vào giai đoạn phát triển kinh tế và cơ chế thương mại hiện tại của quốc gia đó. Quá trình này trung bình mất khoảng 5 năm, nhưng có thể kéo dài hơn nếu quốc gia muốn tham gia chưa thực hiện đầy đủ các cam kết hoặc có sự cản trở liên quan đến các vấn đề về chính trị. 

Bà Ngozi Okonjo-Iweala.
Bà Ngozi Okonjo-Iweala.  

Tính đến nay, các cuộc đàm phán gia nhập ngắn nhất dưới 5 năm là Cộng hòa Kyrgyzstan, trong khi thời gian này đối với Nga là dài nhất. Nga nộp đơn gia nhập GATT (Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại được thay thế bởi WTO sau 8 vòng đàm phán) đầu tiên từ năm 1993 và được chấp nhận là thành viên vào tháng 12/2011 và trở thành thành viên của WTO vào ngày 22/8/2012. Việt Nam ta thì chính thức gia nhập tổ chức WTO vào ngày 11/1/2007.

Phần lớn các quyết định của WTO đều dựa trên cơ sở đàm phán và đồng thuận. Mỗi thành viên của WTO có một phiếu bầu có giá trị ngang nhau. Nguyên tắc đồng thuận có ưu điểm là nó khuyến khích nỗ lực tìm ra một quyết định khả dĩ nhất được tất cả các thành viên chấp nhận. Nhược điểm của nó là tiêu tốn nhiều thời gian và nguồn lực để có được một quyết định đồng thuận. Đồng thời, nó dẫn đến xu hướng sử dụng những cách diễn đạt chung chung trong hiệp định đối với những vấn đề có nhiều tranh cãi, khiến cho việc diễn giải các hiệp định gặp nhiều khó khăn.

Trên thực tế, đàm phán của WTO diễn ra không phải qua sự nhất trí của tất cả các thành viên, mà qua một quá trình đàm phán không chính thức giữa những nhóm nước. Những cuộc đàm phán như vậy thường được gọi là “đàm phán trong phòng xanh”, lấy theo màu của phòng làm việc của Tổng giám đốc WTO tại Genève, Thụy Sĩ. Chúng còn được gọi là “Hội nghị Bộ trưởng thu hẹp” khi chúng diễn ra ở các nước khác. Quá trình này thường bị nhiều nước đang phát triển chỉ trích vì họ hoàn toàn phải đứng ngoài các cuộc đàm phán như vậy.

WTO bắt đầu tiến hành vòng đàm phán hiện tại (Vòng đàm phán Doha) tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 4 diễn ra tại Doha, Qatar vào tháng 11/2001. Các cuộc đàm phán diễn ra căng thẳng và chưa đạt được sự nhất trí, mặc dù đàm phán vẫn đang tiếp diễn.

Các thành viên WTO đã ký kết khoảng 30 hiệp định khác nhau điều chỉnh các vấn đề về thương mại quốc tế. Tất cả các hiệp định này nằm trong 4 phụ lục của Hiệp định về việc Thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới được ký kết tại Marrakesh, Maroc vào ngày 15/4/1994.

Bốn phụ lục đó bao gồm các hiệp định quy định các quy tắc luật lệ trong thương mại quốc tế, cơ chế giải quyết tranh chấp, cơ chế rà soát chính sách thương mại của các nước thành viên, các thỏa thuận tự nguyện của một số thành viên về một số vấn đề không đạt được đồng thuận tại diễn đàn chung. Các nước muốn trở thành thành viên của WTO phải ký kết và phê chuẩn hầu hết những hiệp định này, ngoại trừ các thỏa thuận tự nguyện. 

Kể từ khi WTO được thành lập năm 1995 đến nay, tổ chức này đã có 3 Tổng giám đốc đến từ châu Âu; châu Đại Dương, châu Á và Nam Mỹ. Mỗi khu vực từng có 1 người đảm nhận cương vị này. Nhiệm kỳ Tổng giám đốc WTO kéo dài 4 năm và người giữ chức này cũng có cơ hội làm việc thêm một nhiệm kỳ thứ hai. 

Đọc thêm