Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) là một hoạt động phi lợi nhuận và là trách nhiệm của Nhà nước. Nhưng nếu để Nhà nước “ôm” hết thì không xuể nên Luật PBGDPL đã đưa ra chính sách xã hội hóa với ưu đãi về thuế nhằm thu hút các nguồn lực xã hội “gánh” cho Nhà nước một phần trọng trách trong hoạt động này.
Nhà nước khó có thể đảm bảo 100% tài chính cho hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật. |
Cơ sở phi lợi nhuận hoạt động bằng gì?
Do đặc thù của công tác PBGDPL mang tính “phi lợi nhuận”, chủ yếu là thực hiện chính sách xã hội nên khi đặt ra chính sách xã hội hóa, bài toán đặt ra là phải giải quyết độ “vênh” đáng kể giữa bản chất của hoạt động PBGDPL và qui luật thị trường. Đại diện Vụ pháp chế (Bộ Nội vụ) cho rằng, nhiều tổ chức đã tổ chức tập huấn có thu phí đối với một số luật và có hiệu quả kinh tế nên cần phải tiến hành xã hội hóa về công tác PBGDPL.
Từ nhận định “không có Nhà nước nào có thể bảo đảm 100% nguồn tài chính cho các hoạt động tuyên truyền, trong khi các tổ chức ngoài Nhà nước có thể bảo đảm hoạt động này linh hoạt hơn nhiều”, đại diện Hội Luật gia Việt Nam tán thành chính sách xã hội hóa PBGDPL theo hướng đa dạng hóa nguồn tài chính thông qua mở rộng cho các tổ chức cùng tham gia vào hoạt động này.
Dẫu vậy, mô hình huy động nguồn lực cho công tác PBGDPL vẫn gây ra nhiều băn khoăn bởi đến nay chưa có tổ chức nào ngoài Nhà nước làm công tác PBGDPL, mà chỉ có hoạt động tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp cho Nhà nước thực hiện hoạt động này. Nếu không có lợi nhuận thì cơ sở xã hội hóa hoạt động PBGDPL lại không có nguồn lực để duy trì hoạt động. Nên rất khó có doanh nghiệp hay trung tâm nào được thành lập để thực hiện chức năng PBGDPL.
Song hướng đến lợi nhuận thì cơ sở xã hội hóa PBGDPL lại không phù hợp với bản chất phi lợi nhuận của hoạt động PBGDPL. Không lợi nhuận thì không thể là doanh nghiệp nên đại diện Bộ Tài chính nhận thấy, về chính sách khuyến khích xã hội hóa về thuế đối với công tác PBGDPL, nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp, cho cơ sở xã hội hóa công tác PBGDPL là không khả thi.
Nhưng theo đại diện Hội Luật gia Việt Nam, đối với những mô hình là các trung tâm, chủ thể này là người trực tiếp làm vấn đề tuyên truyền PBGDPL với nguồn lực lấy từ ngân sách nhà nước và thông qua các tổ chức khác là các pháp nhân đứng ra tài trợ. Vậy với các trung tâm được nhận tài trợ từ các doanh nghiệp thì các doanh nghiệp là người được hưởng lợi nhuận chứ không phải là các trung tâm nên không ảnh hưởng đến bản chất PBGDPL.
Có thể xã hội hóa bằng thành lập quỹ
Dẫu vậy, lựa chọn được một mô hình xã hội hóa hoạt động PBGDPL và chính sách hỗ trợ tương ứng không phải là “đổ hết việc của Nhà nước cho dân”, mà cần phải hiểu là Nhà nước chuyển cho dân những việc mà dân có thể làm được nhưng Nhà nước cần phải đóng vai trò chủ đạo, như quan điểm của ông Hà Văn Bốn (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ LĐ-TB&XH).
Và giải pháp “an toàn” được đưa ra là không nhất thiết phải thành lập trung tâm mà chỉ nên huy động nguồn lực xã hội cho công tác PBGDPL dưới hình thức một quỹ như Quỹ hỗ trợ trợ giúp pháp lý, bằng hình thức khen thưởng, tôn vinh… như qui định tại Điều 9 Dự thảo Nghị định qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật PBGDPL (do Bộ Tư pháp đang chủ trì soạn thảo) để khuyến khích các tổ chức, cá nhân có điều kiện tham gia thực hiện PBGDPL như một nghĩa vụ xã hội, phục vụ cộng đồng.
Theo Dự thảo Nghị định, đối tượng được hưởng chính sách xã hội hóa công tác PBGDPL là cơ sở ngoài công lập do các tổ chức, nhóm cá nhân hoặc cộng đồng dân cư thành lập hoạt động trọng lĩnh vực PBGDPL, tư vấn pháp luật bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước.
Ngày 1/11, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến Dự thảo Nghị định qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật PBGDPL và Dự thảo Quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thành phần của Hội đồng phối hợp PBGDPL. Thứ trưởng Bộ Tư pháp – Trưởng ban soạn thảo Nghị định Nguyễn Thúy Hiền cho biết, dự kiến 2 văn bản này sẽ được trình Chính phủ vào ngày 15/11 để ban hành kịp thời điểm Luật PBGDPL có hiệu lực vào 1/1/2013. |
Huy Anh