Bí ẩn về những dấn chân khổng lồ trên đá rải rác khắp núi Cậu

(PLVN) - Xoay quanh nhân vật cậu Bảy ở quần thể núi Cậu (ấp Tha La, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương), cho đến bây giờ dù có nhiều cách lý giải tuy nhiên hầu như tất cả chỉ dừng lại ở những lưu truyền dân gian. Tương tự như vậy, liên quan đến những dấu tích kỳ lạ ở khu vực này, đặc biệt là những dấu chân người khổng lồ lõm sâu trên đá, cũng có nhiều giả thuyết, đồn đoán nhuốm màu huyền thoại.
Có nhiều dấu chân khổng lồ như thế này trên đá ở núi Cậu gây tò mò suốt hàng chục năm qua.
Có nhiều dấu chân khổng lồ như thế này trên đá ở núi Cậu gây tò mò suốt hàng chục năm qua.

Cậu Bảy thật sự là ai?

Bên cạnh câu chuyện cho rằng cậu Bảy là Lê Sĩ Triệt, một võ quan có tài và có công phò trợ chúa Nguyễn Ánh, còn có những giai thoại khác lý giải về lai lịch của cậu Bảy. Như có chuyện kể rằng, vào thời Pháp chiếm Nam Kỳ Lục tỉnh, cậu Bảy chính là Cử Đa, tức Nguyễn Thành Đa hay Nguyễn Đa – người thi đỗ cử nhân võ thời vua Tự Đức. Ông là một trong những người tham gia phong trào khởi nghĩa chống thực dân Pháp ở Nam Kỳ vào nửa cuối thế kỷ XIX, về sau được người đời coi như Phật sống.

Có ghi chép cho rằng, sau khi các cuộc khởi nghĩa của Trương Định, Võ Duy Dương, Nguyễn Trung Trực, Trần Văn Thành, Thủ Khoa Huân... đã tan rã hết, Cử Đa lực bất tòng tâm, đành xác định con đường riêng của mình: “Không làm anh hùng thì làm Bồ tát”. Kể từ đó, ông lưu lạc nhiều tỉnh Nam kỳ, di chuyển khắp các vùng núi vừa để tu luyện phép thuật vừa tuyển mộ đệ tử binh lính.

Có thời gian ông ẩn danh tu luyện ở vùng Thất Sơn (An Giang), lòng vẫn đau đáu về ngày vùng lên đấu tranh giúp dân giúp nước. Tuy nhiên thực dân Pháp không ngừng truy lùng, phát hiện tung tích của ông nên kéo quân đến bao vây vùng Thất Sơn. Cử Đa vì thương dân chúng vô tội quanh vùng có thể vì mình mà liên lụy nên ông không nỡ chống lại, bèn từ giã một số đệ tử thuần thành, rời khỏi Thất Sơn, ra Phú Quốc rồi tiếp tục hành trình phiêu lạc.

Có tài liệu cho rằng, Cử Đa sau đó đến núi Tà Lơn (tức núi Bokor, cao gần 1.080m, thuộc địa phận tỉnh Kampot, Campuchia), vùng núi huyền thoại mà giới tu hành và những người tu tiên xem là nơi hội tụ linh khí đất trời, lý tưởng cho việc tu phép luyện thuật, giác ngộ đắc đạo. Năm 1896, ông gặp được minh sư, xin quy y, được ban đạo danh là Ngọc Thanh. Vì bị Pháp theo dõi ráo riết nên ông phải cải trang với cái tên Sư Bảy để truyền đạo.

Chùa Thái Sơn là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở miền Đông Nam bộ.
Chùa Thái Sơn là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở miền Đông Nam bộ.  

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu, ở xứ người, Cử Đa có thu nhận nhiều tín đồ ở núi Tà Lơn, và lâu lâu lại trở về Thất Sơn thăm các đệ tử cũ. Ông thường dặn bảo tín đồ rằng nếu không có mệnh lệnh thì không một ai được bạo động gì cả. Dần dà, chẳng còn ai thấy tăm hơi gì về ông. Thỉnh thoảng có người thấy một ông già râu tóc bạc phơ, cưỡi hổ mun vượt rừng ở vùng Bảy Núi, thì người ta thì thầm bảo nhau rằng ông già ấy là ông Cử.

Cũng theo giai thoại này, Cử Đa hay Sư Bảy được cho là để lại dấu tích khắp những vùng núi ông tu hành như Tà Lơn, Thất Sơn, núi Bà Đen và núi Cậu. Trong đó có những dấu chân khổng lồ hay còn được gọi là dấu chân tiên. Theo lý giải này, rõ ràng Sư Bảy có nhiều nét tương đồng với hình tượng cậu Bảy được thờ phụng, như giỏi võ thuật lại có khả năng sử dụng phép thuật, cưỡi hổ… Tuy nhiên sau đó không lâu, thời kháng chiến chống Pháp khi núi Cậu trở thành căn cứ hoạt động cách mạng, lại xuất hiện giai thoại khác.

Mặc dù vẫn còn nhiều huyền thoại với tam sao thất bản về gốc tích cậu Bảy, thế nhưng không thể phủ nhận ảnh hưởng của nhân vật này trong tín ngưỡng tâm linh người đời. Hàng năm, cứ đến mùng 7 tháng 5 âm lịch, ngày giỗ cậu Bảy, hàng ngàn người từ khắp nơi đổ về núi Cậu lễ bái. Trong số đó có nhiều pháp sư trong nước lẫn ngoài nước đến xin cậu chứng quả đắc đạo, nhiều nghệ sĩ cải lương tên tuổi đến ca hát ngợi ca công đức tâm linh của cậu.

Những dấu chân khổng lồ trên đá

Cùng với bí ẩn về cậu Bảy, núi Cậu còn gắn liền với nhiều điều bí ẩn trong đó nổi tiếng nhất là câu chuyện về gần chục dấu chân khổng lồ, còn được gọi là dấu chân tiên, dài chừng nửa mét, ngang 20 phân, nằm rải rác, in sâu vào những phiến đá như từ thủa hồng hoang mở cõi. Điều thú vị là những dấu chân khổng lồ được phát hiện chẳng những ở núi Cậu mà núi Bà Đen cũng có nhiều dấu tích tương tự.

Ở cụm núi Cậu có ít nhất 7 dấu chân tiên nằm rải rác, trong đó 2 dấu nằm ở phía suối Trúc (còn gọi là hồ Than Thở Dầu Tiếng), 2 dấu nằm gần miếu Cậu và 3 dấu nằm rải rác dưới mạn sườn núi Cậu. Người dân địa phương khẳng định, vẫn còn nhiều dấu chân tương tự ẩn khuất đây đó dưới rừng xanh chưa được phát hiện. Cho đến nay, chưa có công trình nào nghiên cứu về những dấu chân bí ẩn này.

Theo như quan sát, dấu chân khổng lồ in rõ 5 ngón, tỷ lệ khá cân đối và tự nhiên, in sâu trên bề mặt những tảng đá, chẳng khác vết bàn chân người in trên đất mềm. Trong dân gian lưu truyền rất nhiều câu chuyện đầy màu sắc tâm linh, huyền bí về nguồn gốc của những dấu chân này. Trong đó, có truyền thuyết cho rằng, những dấu chân in sâu dưới đá trên núi chính là kết quả từ những lần tu luyện pháp thuật của cậu Bảy, khi nội công đạt đến trình độ dời non lấp bể.

Cũng có lưu truyền rằng, xưa kia núi Bà và núi Cậu vốn gắn liền với nhau. Bà (Lý Thị Thiên Hương) và Cậu (Lê Sĩ Triệt) thường xuyên đấu phép cùng nhau. Cậu hóa phép cho núi Bà ngày càng cao lên còn Bà dùng phép biến hóa thành hàng ngàn con gà sang núi Cậu bới chỗ ở của Cậu. Hai người bay qua lại giữa núi Bà, núi Cậu để đấu phép thuật. Những trận tỉ thí long trời lở đất của hai người để lại những dấu tích kỳ bí vẫn còn hiện hữu đến tận ngày nay.

Thực tế là vùng núi Cậu, có rất nhiều tảng đá có lằn ngang dọc như gà bới. Rải rác trên các tảng đá núi Bà lẫn núi Cậu vẫn còn những dấu chân khổng lồ của 2 người. Khu vực núi Bà có 2 dấu châu khổng lồ, 1 dấu nằm trên tảng đá gần điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, 1 nằm trên tảng đá phía mạn bắc núi. Trong khi so về độ cao, núi Bà dốc và cao gần ngàn thước, được coi như nóc nhà vùng Đông Nam bộ, còn núi Cậu thấp và thoải hơn nhiều.

Bên cạnh câu chuyện mang đầy màu sắc tâm linh trên, còn có lý giải khác mang tính thực tế, đó là những năm đầu thế kỷ XX, vùng rừng núi Tha La là chốn rừng thiêng nước độc, ít ai dám bén mảng tới, và là căn cứ quan trọng của quân cách mạng vùng Dương Minh Châu. Cũng như giai thoại cậu Bảy là mật danh của cán bộ giao liên, những dấu chân trên đá do các chiến sỹ cách mạng thời kháng chiến chống Pháp dựng lên để tạo khu vực cấm, giữ bí mật trạm giao liên trên núi.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, nguyên Giám đốc Bảo tàng Tây Ninh từng kể: “Tác dụng của việc này là vào những năm chiến tranh ác liệt, bà Trần Lệ Xuân, vợ của Ngô Đình Nhu, đã từng nhiều lần cho quân và máy móc đến để san ủi những ngọn núi Tha La nhằm làm giảm khí thế của quân ta nhưng đều thất bại. Truyền rằng, mỗi lần nhác thấy những vết chân đá khổng lồ ở chân núi, bọn địch lại khiếp sợ và truyền tai nhau về sức mạnh vô biên của cậu Bảy mà phải rút lui”.

Nói thêm về các dấu chân khổng lồ, ông Nam cho biết thêm, khu vực núi Cậu có 7 dấu chân. Đó là các dấu chân in hằn, lõm sâu vào trong phiến đá rất rõ nhưng lại có kích thước khá khác nhau. Cụ thể, có một vết chân đá thuộc loại khổng lồ, lớn hơn kích thước chân người thường nhiều lần, nằm ở sau lưng chùa Thái Sơn. 6 vết chân khác nằm rải rác nhiều nơi trong núi Cậu. Theo quan sát, vết chân đá lớn nhất in rõ 5 ngón chân, sâu khoảng 3 cm, dài khoảng gần 50 cm, rộng chừng 15 cm, nằm trên một phiến đá lớn. Dấu chân lớn được cho là của cậu Bảy, một số dấu chân nhỏ hơn được cho là của bà Thiên Hương.

Đọc thêm