Chuyện cá nhân, quốc gia và thế giới

(PLVN) - Những ngày này đối với tổng thống Pháp Emmanuel Macron thật sự chẳng dễ chịu chút nào. Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra hoành hành dữ dội ở nước Pháp đến mức ông Macron không có sự lựa chọn nào khác ngoài lại phải phong tỏa nước Pháp, phải thực hiện cách ly xã hội triệt để và phải nhìn nhận việc đối phó dịch bệnh này là một trong những thách thức lớn nhất về đối nội. 
Tổng thống Pháp Macron và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.
Tổng thống Pháp Macron và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.

Đồng thời với dịch bệnh, ông Macron còn phải đối mặt những hoạt động khủng bố của những phần tử Hồi giáo cực đoan. Không chỉ nước Pháp mà còn cả châu Âu hiện bị lôi cuốn vào cuộc xung khắc giữa nước Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ, giữa ông Macron và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, suy rộng ra hơn thế nữa là cuộc xung khắc giữa thế giới phương Tây và thế giới Hồi giáo.

Chuyện cá nhân, quốc gia và thế giới này thật ra không mới mẻ gì mà trong bản chất vốn là câu chuyện cũ. Chuyện hiện tại có nguyên nhân chính là vụ việc một thầy giáo ở Pháp bị một người gốc Chechnya chặt đầu sau khi ở nước Pháp ồn ào về việc người thầy này dùng những bức tranh biếm họa Đấng tiên tri Mohammad của đạo Hồi để làm giáo cụ trực quan trong tiết giảng về tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng. Chính giới và xã hội nước Pháp bị sốc thật sự bởi vụ việc này. 

Những bức biếm hoạ như thế ở một số quốc gia châu Âu, đặc biệt trên tạp chí Charlie Hebdo của Pháp, từ cách đây nhiều năm đã khiến người theo đạo Hồi không chỉ ở châu Âu mà còn ở trên khắp thế giới cảm thấy bị xúc phạm và phẫn nộ. Năm 2015, tạp chí Charlie Hebdo bị tấn công khủng bố và vụ việc này trở thành một vết thương trên cơ thể và tinh thần của nước Pháp, đánh dấu sự phân hoá đến mức cao độ giữa đạo Hồi và các tôn giáo khác ở nước Pháp. 

Ông Macron trên thực tế đã chẳng khác gì tuyên chiến với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, ông này không dừng lại ở ý định xây dựng một bộ luật mới về chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan mà còn công khai cho rằng đạo Hồi hiện trong tình trạng khủng hoảng trên khắp thế giới. Đương nhiên, ông Macron ủng hộ và bảo vệ quan điểm cho rằng những bức biếm họa lãnh tụ tinh thần của người theo đạo Hồi là biểu hiện của tự do ngôn luận và tách bạch giữa nhà nước và tôn giáo ở nước Pháp.

Những quan điểm này của ông Macron thật ra không mới gì trong bản chất, chúng được chia sẻ ở các nước châu Âu, cho dù không phải ở nơi đâu cũng đều thấy có sự công khai ủng hộ và đồng tình. Nhưng cái đáng chú ý là ông Macron quyết liệt hơn nhiều. 

Giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ hiện có rất nhiều trắc trở nhưng không liên quan gì đến những quyết sách mới kia của ông Macron về chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và về đạo Hồi. Chỉ sau khi ông Erdogan có những phát biểu nhằm vào cá nhân ông Macron khiến người này phải thể hiện thái độ phản ứng là triệu hồi đại sứ Pháp ở Thổ Nhĩ Kỳ về nước thì chuyện kia ở nước Pháp trở thành chuyện căng thẳng mới giữa hai nước, cũng như giữa ông Macron và ông Erdogan. 

Lãnh đạo các nước thành viên EU ủng hộ ông Macron trong chuyện này, còn nhiều nước Hồi giáo trên thế giới lên tiếng đứng về phía ông Erdogan và hưởng ứng lời ông Erdogan kêu gọi tẩy chay hàng hoá và sản phẩm của nước Pháp. Cho nên không chỉ có mối quan hệ giữa Pháp với Thổ Nhĩ Kỳ mà còn cả giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ hiện cũng xấu đi và khúc mắc thêm rõ rệt.

Thế giới Hồi giáo sôi sục bởi cảm nhận bị kỳ thị và chống đối ở châu Âu. Căng thẳng và bất hoà trong mối quan hệ chung giữa thế giới Hồi giáo và phương Tây luôn tạo điều kiện thuận lợi cho chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trỗi dậy và tăng cường hoạt động khủng bố.

Chuyện lần này xảy ra ở nước Pháp nhưng vì dây mơ rễ má với chuyện cũ nên đã nhanh chóng biến dạng thành chuyện đối kháng giữa cá nhân, giữa quốc gia và giữa hai ý thức hệ. Tác động, hậu quả và hệ lụy của những diễn biến mới này về chính trị xã hội nội bộ những cũng còn cả về an ninh và ổn định ở mọi nơi liên quan hiện thật sự chưa thể lường hết được.

Đọc thêm